Nguyễn Phương
Thứ sáu, ngày 08/09/2023 11:14 AM (GMT+7)
Giá cà phê hôm nay 8/9: DXY tăng lên mức cao gần 6 tháng đã khiến giá cả hàng hóa nói chung, trong đó có cà phê đảo chiều lao dốc. Trong nước, giá cà phê quay đầu giảm tới 800 đồng/kg, mất mốc 66.000 đồng/kg...
Cập nhật mới nhất giá cà phê ngày 8/9/2023: Trong nước mất mốc 66.000 đồng/kg
Kết thúc phiên giao dịch, giá cà phê Robusta trên sàn ICE Europe – London tiếp tục suy giảm. Kỳ hạn giao ngay tháng 11 giảm 49 USD, xuống 2.407 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 1/2024 giảm thêm 35 USD, còn 2.325 USD/tấn, các mức giảm khá mạnh. Khối lượng giao dịch ở mức trung bình.
Tuong tự, giá cà phê Arabica trên sàn ICE US – New York đảo chiều sụt giảm. Kỳ hạn giao ngay tháng 12 giảm 4,00 cent, xuống 149,80 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 3/2024 giảm 3,85 cent, còn 150,95 cent/lb, các mức giảm mạnh. Khối lượng giao dịch dưới mức trung bình.
Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên hôm nay giảm tới 800 đồng, xuống dao động trong khung 64.500 - 65.500 đồng/kg. Theo đó, tỉnh Lâm Đồng có giá thấp nhất 64.500 đồng/kg. Kế đến là tỉnh Gia Lai với 64.900 đồng/kg. Cùng thời điểm khảo sát, tỉnh Đắk Lắk có giá thu mua 65.300 đồng/kg. Đắk Nông ghi nhận mức giao dịch 65.500 đồng/kg. Đây là mức cao nhất trong các địa phương được khảo sát.
DXY tiếp nối đà tăng lên mức cao gần 6 tháng đã đè nặng lên giá cả hàng hóa nói chung khi các tiền tệ mới nổi bị sụt giảm giá trị. Các quỹ và đầu cơ trên các sàn hàng hóa đẩy mạnh thanh lý vị thế ròng. Giá cà phê thế giới bị rơi vào thế bất lợi “kép” khi đồng Reais giảm giá thì người Brazil càng bán mạnh. Phiên hôm qua Brazil nghỉ lễ độc lập nên áp lực bán có phần nào nhẹ bớt là điều may mắn cho giá cà phê kỳ hạn trên cả hai sàn.
Thị trường cũng đang thăm dò thêm thông tin về phiên họp chính sách sắp tới với nỗi lo Fed sẽ mạnh tay thắt chặt tiền tệ, để đẩy lùi lạm phát vẫn còn ở mức cao, cũng góp phần gây bất lợi cho giá cả hàng hóa.
Các tài sản rủi ro càng trở nên tiêu cực hơn khi khu vực Eurozone tiếp tục suy thoái với trọng tâm là vấn đề dầu mỏ, trong khi vấn đề bất động sản ở Trung Quốc là “rất nghiêm trọng”.
Thị trường cà phê thế giới cũng khơi dậy mối lo hiện tượng thời tiết El Nino dự báo xuất hiện vào cuối năm nay và sẽ gây khô hạn một phần cho các quốc gia sản xuất cà phê chính quanh vành đai Thái Bình Dương, trong khi khối lượng cà phê được chứng nhận trên cả hai sàn vẫn ở mức rất thấp.
Một số biện pháp chăm sóc để cây cà phê ra hoa đồng loạt
Theo Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng, trong sản xuất cà phê, việc áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới như bón phân, tưới nước, tạo hình, phòng trừ sâu bệnh,... đều có tác động giúp cho cây cà phê sinh trưởng, phát triển tốt, tăng năng suất và ổn định.
Việc giúp cho cây cà phê sau khi thu hoạch có sức sống để chuẩn bị ra hoa, đậu quả của vụ tiếp theo được tốt, bà con nông dân cần lưu ý một số kỹ thuật để giúp cho cây cà phê ra hoa đồng loạt như sau:
Tỉa cành: Đối với cà phê vối không ra hoa ở những vị trí mà năm trước đã cho quả, vì vậy cần tỉa bỏ các cành già cỗi để cây mọc cành mới, những cành mới này sẽ ra hoa vào năm sau, với giống cà phê chè sẽ ra hoa ở vị trí mà năm trước đã cho quả. Cần tỉa bỏ các cành mọc trong tán bị che lấp không nhận được ánh sáng mặt trời.
Các cành trên đỉnh tán, cành quá nhỏ quanh trục chính của cây cũng cần tỉa cho ánh sáng mặt trời phân bố đều lên các cành để cây có thể ra hoa ổn định qua các năm. Tỉa cành sau khi thu hoạch cũng giúp cho cà phê tập trung dinh dưỡng để phân hóa mầm hoa và ra hoa tốt, việc tỉa cành cần tiến hành một cách cẩn thận bằng kéo cắt cành sắc, không để cành bị xước, dập, xác định vị trí cắt cho thích hợp để có được bộ tán cân đối hợp lý, tập trung dinh dưỡng nuôi quả để có năng suất cao.
Tưới nước: có ý nghĩa quyết định để giúp cây cà phê ra hoa tập trung và tăng tỷ lệ đậu trái, vì vậy cần xác định thời điểm tưới phù hợp dựa vào các yếu tố sau:
Loại đất: Với đất thịt tưới trễ hơn đất cát, đất pha sỏi.
Thời gian kết thúc mùa mưa: Nếu mùa mưa kết thúc sớm thì cần tưới sớm hơn, thường sau khi kết thúc mưa 2 - 3 tháng thì tưới cho cây.
Sau khi thu hoạch xong cà phê, công việc cắt tỉa cành cơ bản đã hoàn tất và lúc này khi thấy đất đã khô, lá cà phê có biểu hiện héo rũ xuống, mầm hoa đã phân hóa to bằng hạt gạo và đều ở các đốt của cành thì mới tiến hành tưới đủ nước cho cây tạo điều kiện thuận lợi cho cây bung hoa đồng loạt. Với cây cà phê, cần giai đoạn “siết nước” kéo dài khoảng từ 1,5-2 tháng tùy thuộc vào điều kiện thổ nhưỡng, nhiệt độ, dinh dưỡng của cây,…
Khi mầm hoa chuyển sang màu trắng và trên cây số lượng mầm hoa thành thục chiếm khoảng 65 - 70% thời điểm tưới nước lần đầu dựa vào hình thái của hoa và cây: Hoa đã phân hóa đầy đủ đến các đốt ngoài cùng của các cành, nụ hoa dài 1 - 1,5 cm, có màu trắng ngà; cây đã có triệu chứng héo tạm thời, lá rũ xuống vào ban ngày là thời điểm tưới nước thích hợp nhất. Giai đoạn này thường hoa nở không tập trung là do lượng mầm hoa phân hóa chưa đủ mà bà con đã tưới nước hoặc trời mưa thì sẽ xảy ra hiện tượng bung hoa sớm, hoa nở không đều và đây chính là nguyên nhân quả cà phê chín không tập trung, thu hoạch tốn nhiều công lao động, giảm năng suất cà phê.
Sau giai đoạn phân hóa mầm hoa cây cà phê cần một lượng nước lớn để kích thích bung hoa. Đây là giai đoạn cây cà phê có nhu cầu nước cao nhất và quyết định đến sản lượng và chất lượng của cà phê. Giai đoạn này nếu như trời mưa nhỏ hoặc tưới không đủ nước thì cây không nở hoa được hoàn chỉnh (còn gọi là nở hoa chanh) dẫn đến không thể thụ phấn được, không đậu thành trái, làm giảm năng suất và chất lượng cà phê. Vì vậy nếu giai đoạn này gặp mưa mà lượng nước chưa đủ thì bà con phải tưới nước bổ sung kịp thời cho hoa nở tập trung.
Cà phê kinh doanh
- Lượng nước tưới: Lần đầu 360 lít/gốc, các lần sau: 160-180 lít/gốc.
- Chu kỳ tưới: Lần đầu: 20 ngày, các lần sau: 10 ngày.
- Thời điểm tưới: Khi cây phân hóa mầm hoa đầy đủ. Sau lần tưới thứ hai giúp số hoa còn lại nở hết toàn bộ và giúp cho quá trình thụ phấn của hoa cà phê thuận lợi, tăng số trái và tăng năng suất cà phê nhờ lần tưới thứ 2.
Bón phân: Khi tưới nước lần đầu kết hợp với bón phân, nếu tưới nhỏ giọt thì hòa tan phân tưới theo hệ thống tưới. Vào mùa khô lượng nước tưới cho cà phê hạn chế vì vậy nên sử dụng phân bón tan nhanh và tỷ lệ đạm, lân cao, kali thấp là thích hợp nhất. Ngoài ra trước khi tưới cần bổ sung thêm phân bón lá có hàm lượng lân, Bo cao và các trung vi lượng để hỗ trợ phân hóa mầm hoa, tăng sức sống của hạt phấn, tăng tỷ lệ đậu trái, chống rụng trái.
Tùy loại đất mà việc sử dụng phân bón N, P, K kết hợp với phân vi lượng đã làm cho năng suất cà phê tăng, theo kết quả nghiên cứu của Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên cho thấy hiệu quả sử dụng phân bón N, P, K đã tăng khi kết hợp với bón bổ sung phân trung vi lượng. Với đất xám bón thêm kẽm đã làm tăng năng suất tới 18,9% so với không bón thêm kẽm; bón thêm Bo cũng tăng năng suất 11,4 %. Còn đất nâu đỏ bazan bón kẽm làm tăng năng suất 19,2% so với không bón; Bón thêm lưu huỳnh năng suất tăng 9,7 %.
Ngoài ra, các vườn cà phê thường có pH thấp khoảng 4,0-4,5 làm đất vườn trồng cà phê chua và làm tăng quá trình cố định lân, giảm năng lực hấp thụ lân của cây, đất chua làm tăng hàm lượng nhôm di động trong đất ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của rễ, đặc biệt đầu rễ tơ và rễ bên trở nên dày, lượng rễ tơ và rễ nhánh bị giảm trầm trọng làm cản trở sự hấp thu, vận chuyển và đồng hóa các chất dinh dưỡng của cây.
Đất chua còn là môi trường thuận lợi cho một số vi sinh vật và tuyến trùng gây hại vùng rễ, gây sưng rễ, thối rễ làm giảm năng lực hấp thụ dinh dưỡng của bộ rễ. Vì vậy bà con cần lưu ý 2 năm một lần nên bón thêm vôi hoặc vôi đôlômít để cải tạo đất và hạn chế một số nấm bệnh trong đất gây hại rễ cây cà phê, lượng vôi bón trung bình cho mỗi cây khoảng 0,5 kg.
Ngoài ra, nếu phát hiện cây cà phê nào bị bệnh thì cần phun phòng trừ sâu bệnh kịp thời, nên khoanh vùng phun phòng trừ những cây bị bệnh, không nên phun tràn lan cả vườn làm ảnh hưởng đến hệ sinh thái vườn cà phê, tiêu diệt thiên địch có ích, lãng phí, tốn công lao động và ô nhiễm môi trường…
Vui lòng nhập nội dung bình luận.