Già làng trưởng bản là những "thư viện sống" về văn hóa dân tộc

Bạch Dương Thứ năm, ngày 24/09/2020 20:21 PM (GMT+7)
Trong 3 ngày (23 – 25/9), 100 già làng, trưởng bản tiêu biểu các dân tộc vùng biên giới từ các tỉnh Điện Biên, Cao Bằng, Tuyên Quang, Hà Giang, Lai Châu, Sơn La, Lào Cai, Lạng Sơn, Quảng Ninh và Nghệ An đã có những hoạt động giao lưu đầy ý nghĩa tại TP.HCM.
Bình luận 0
Già làng trưởng bản là những "thư viện sống" về văn hóa dân tộc - Ảnh 1.

Các già làng, trưởng bản dâng hương tại Đền Liệt sĩ Bến Dược (Củ Chi)

Tại Đền Liệt sĩ Bến Dược (huyện Củ Chi), đoàn đã đặt vòng hoa và dâng nén hương thơm kính cẩn nghiêng mình, tỏ lòng tưởng nhớ công ơn to lớn của đồng bào, chiến sĩ đã chiến đấu kiên cường, anh dũng hy sinh trên vùng đất Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định trong hai cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đền Tưởng niệm Liệt sĩ Bến Dược ghi danh 45.639 người con ưu tú của đất nước đã ngã xuống vì độc lập, tự do của dân tộc qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, trong đó có hơn 9.300 liệt sĩ là con em của 40 tỉnh thành khác. Đây cũng là ngôi đền tưởng niệm liệt sĩ lớn nhất tại TP.HCM được xây dựng ngay giữa lòng "tam giác sắt" trên vùng đất nổi tiếng địa đạo Củ Chi.

Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Cao Bằng Đặng Thị Duyên bày tỏ sự xúc động: "Cả đoàn ai cũng vui, tự hào được đến TP.HCM, được tham quan Khu di tích địa đạo Củ Chi và hiểu thêm về những cống hiến, hy sinh to lớn của quân và dân Sài Gòn - Gia Định trong cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc. Cao Bằng là tỉnh miền núi xa xôi, nơi Bác Hồ bao năm bôn ba tìm đường cứu nước trở về lãnh đạo cách mạng nước ta giành độc lập dân tộc. Trong nhiều năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP.HCM đã có nhiều quan tâm, hỗ trợ cho đồng bào các dân tộc Cao Bằng phát triển. Dù hai địa phương ở hai miền đất nước nhưng tình cảm, sự quan tâm giữa Đảng bộ, chính quyền và đồng bào các dân tộc Cao Bằng với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP.HCM luôn khăng khít, gắn bó".

Tại buổi giao lưu với lãnh đạo TP.HCM, bà Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM cho biết, TP.HCM là nơi quy tụ đầy đủ 54 đồng bào dân tộc thiểu số với hơn 460.000 người. Nhiều năm qua, TP.HCM luôn chú trọng phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, thực hiện tốt chính sách dân tộc của Đảng, huy động cao nhất mọi nguồn lực chăm lo cho nhân dân, nhất là thực hiện chính sách an sinh xã hội đối với đồng bào dân tộc thiểu số.

Đến nay, TP có gần 17.000 doanh nghiệp của đồng bào dân tộc thiểu số đang sản xuất, kinh doanh, chiếm khoảng 5% tổng số doanh nghiệp trên toàn TP.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, người dân TP và cả nước luôn biết ơn đồng bào dân tộc đã góp phần đấu tranh chống giặc ngoại xâm, Trong thời bình, các đồng bào dân tộc có sứ mệnh giữ đất giữ rừng, giữ biên cương, bảo vệ Tổ quốc, trong đó, các già làng trưởng bản chính là "thư viện sống" về văn hóa, giúp giữ gìn bản sắc dân tộc đa dạng, phong phú. Đây cũng là lực lượng góp phần xây dựng đại đoàn kết dân tộc, định hướng, đấu tranh chống lại những tư tưởng lệch lạc.

Đồng thời, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân mong muốn các già làng, trưởng bản trở thành cầu nối giữa đồng bào các dân tộc với nhân dân TP, tiếp tục đồng hành, ủng hộ công cuộc xây dựng và phát triển TP.HCM ngày càng hiện đại, phồn vinh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem