Nhà nông sốc vì giá phân bón tăng từ 370.000 lên 1,4 triệu đồng/bao
Giá phân bón vượt mốc kỷ lục 1 triệu đồng/bao: Thế khó của các doanh nghiệp sản xuất phân bón (bài 3)
Quốc Hải
Thứ ba, ngày 07/12/2021 10:05 AM (GMT+7)
Tại Việt Nam, giá nhiều loại phân bón hiện đã vượt mốc 1 triệu đồng/bao (loại 50kg), khiến gánh nặng càng đè lên vai người nông dân trong vụ mùa sắp tới. Trong khi việc sản xuất phân hỗn hợp trong nước hiện nay phụ thuộc chủ yếu vào nguyên liệu nhập khẩu nên khó có thể can thiệp để giảm giá…
Theo chia sẻ của các doanh nghiệp (DN), giá nguyên liệu sản xuất phân bón tăng, đặc biệt giá cước vận tải tăng gấp 3 - 5 lần; trong khi chi phí sản xuất như giá xăng, dầu, thuê nhân công… đều tăng cao và việc đi lại khó khăn là những nguyên nhân chính khiến giá phân bón "leo thang" chưa có điểm dừng.
"Sốc" vì giá phân bón tăng từ 580.000 đồng lên gần 1,4 triệu đồng/bao
Chia sẻ với Dân Việt, nông dân Huỳnh Minh Nghĩa (xã An Lục Long, huyện Châu Thành, tỉnh Long An), cho hay, đúng lý ra thời điểm này phải bón phân nhiều rồi để chăm quả cho vụ tết nhưng gia đình hiện mới chỉ cho vườn bưởi da xanh… "ăn dặm" vì giá phân bón tăng quá cao.
Theo ông Nghĩa, hiện tại giá mua phân đạm Cà Mau là 1.050.000 đồng/bao còn phân DAP là 1.375.000 đồng/bao và Kali là 1.100.000 đồng/bao. Trong khi cùng kỳ năm trước, phân đạm Cà Mau chỉ có 370.000 đồng/bao, DAP giá 580.000/bao, Kali giá chỉ 430.000/bao.
"Giá phân bón tăng cao quá, tôi đang ngóng xem giá cả sắp tới có giảm không thì mới bón nhiều chứ kiểu này phân bón tăng giá quá mà bón thì không có lời", ông Nghĩa nói.
Giá phân bón tăng cao đang là nỗi lo của người nông dân nhiều tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Theo ghi nhận của Dân Việt, hiện giá nhiều loại phân bón urê, DAP, kali... tăng hơn 100.000 đồng/bao (50kg) so với tháng trước.
Cụ thể, Ure Phú Mỹ, urê Cà Mau có giá 970.000-1.050.000 đồng/bao; DAP Đình Vũ, DAP Trung Quốc, DAP Philippines giá 950.000-1.400.000 đồng/bao.
Trong khi đó, NPK 20-20-15 Con Cò, NPK 20-20-15 Đầu Trâu và NPK 20-20-15 có giá 900.000-1,1 triệu đồng/bao.
"Năm ngoái, giá urê chỉ khoảng 6.700-7.000 đồng/kg, nhưng hiện nay đã lên tới hơn 20.000 đồng/kg; phân hỗn hợp DAP từ 12.000 đồng/kg tăng 25.000 đồng/kg… Với giá thành hiện tại, tôi buộc phải giảm lượng phân bón, vì nếu bón đủ như trước, chi phí đầu tư tăng lên và lợi nhuận sẽ giảm", lão nông Trần Văn Quang – nông dân trồng lúa ở Bến Tre cho hay.
Đó là chưa kể các loại dịch vụ khác được ông Quang kể ra, như: chi phí làm đất, chi phí bơm nước (giá xăng, dầu tăng), chi phí thu hoạch… đều tăng giá. Trong khi đó, giá lúa bán ra hiện nay còn thấp và nông dân sẽ không có lời.
"Giai đoạn này còn không có nguyên liệu sản xuất luôn, căng lắm…"- Đây là lời chia sẻ của lãnh đạo một DN phân bón NPK tại TP.HCM. Theo ông này, năm nay giá phân bón tăng chủ yếu do đột biến đạm (urê) thế giới. Mà sản xuất NPK thì phải có ure, trong khi giá ure tăng từ 6.700 – 7.000 đồng/kg (cùng kỳ năm trước) lên tới 20.000 đồng/kg ở thời điểm hiện tại.
"Với mức giá ure tăng gấp 3 lần, kali cũng tăng hơn 2,5 lần thì làm sao mà giá phân bón NPK không tăng cho được", ông này nói.
Còn ông Hoàng Anh - nguyên lãnh đạo một DN phân bón lớn ở phía Nam – lại thẳng thắn cho rằng, giá phân bón tăng mạnh thòi gian qua một phần là do tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu. Mặt khác, theo ông cũng là do Việt Nam còn phụ thuộc rất lớn vào nguồn nguyên liệu từ Trung Quốc.
"Nhiều năm theo ngành phân bón, tôi thấy kali ngoài thị trường Trung Quốc, còn có thị trường Nga nên cũng đỡ phụ thuộc, riêng về nguồn cung DAP thì chủ yếu là từ thị trường này nên giá cả sẽ biến động rất mạnh khi thị trường này siết lại", ông Hoàng Anh chia sẻ.
Doanh nghiệp nỗ lực giảm "sức ép" cho nông dân
Ông Phan Văn Tâm, Giám đốc Marketing Công ty CP Phân bón Bình Điền cho biết: Những ngày qua, đội ngũ nhân viên Bình Điền đã tỏa ra đi thực tế, tổ chức live stream để tư vấn, hướng dẫn bà con nông dân cách sử dụng phân bón tiết kiệm, hiệu quả. Những nhân viên khác ở bộ phận marketing cũng đang tất bật "đi thị trường" để giúp nông dân cách sử dụng phân bón tối ưu nhất.
"Thời gian qua, tiêu thụ phân bón gia tăng. Giá phân bón trên thị trường tăng chóng mặt nhưng Bình Điền chỉ điều chỉnh giá bán rất ít để hỗ trợ nhà nông", ông Tâm chia sẻ.
Cụ thể, ông Tâm dẫn chứng, năm ngoái (tháng 11) thì DAP khoảng 11.000-12.000 đồng/kg, trong khi NKP Đầu Trâu loại mắc nhất cũng có giá tương đương, còn urê, giá khoảng 6.700 đồng/kg, kali khoảng 7.000 đồng/kg.
Trong khi năm nay thì giá 1 bao urê gần tương đương với bao NPK Đầu Trâu, điều này cho thấy nỗ lực rất lớn của các DN sản xuất phân bón NPK, trong đó có Bình Điền trong nỗ lực kìm giá.
Đặc biệt, theo ông Tâm, do Bình Điền đã tích trữ sẵn nguồn nguyên liệu từ trước, nên thay vì bán ra và không sản xuất, có thể lời gấp 3-4 lần, nhưng Bình Điền không làm được vậy.
"Nếu chúng tôi nhập urê của Phú Mỹ, cộng với nguồn DAP, kali nhập khẩu về thì giá bán sẽ còn tăng mạnh hơn nữa. Nhưng chúng tôi do đã có nguồn nguyên liệu từ trước và bán theo giá nhập cũ nên có thể nói giá bán hiện nay là lỗ so với việc nhập nguyên liệu mới", ông Tâm nói thêm.
Trong khi đó, đại diện Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC) cho biết, thực tế trong bối cảnh hiện nay công ty đã nỗ lực nhiều giải pháp để hỗ trợ bà con nông dân. Tuy nhiên, với giải pháp giảm giá thì rất khó và không khả thi, vì vậy công ty hướng đến các chương trình khuyến mại cho bà con.
Mới nhất, doanh nghiệp này triển khai chương trình "Cùng nhau san sẻ", áp dụng cho sản phẩm Đạm Cà Mau với tổng giá trị lên tới hơn 18 tỷ đồng.
Cụ thể, khi mua sản phẩm Đạm Cà Mau, bà con sẽ nhận được thẻ nạp điện thoại trị giá 50.000 đồng cùng 01 túi phân bón NPK Cà Mau 20-10-10 được bỏ bên trong bao phân bón. Chương trình được diễn ra từ nay cho tới hết ngày 31/01/2022 tại các tỉnh thành thuộc khu vực Tây Nam Bộ và Đông Nam bộ - Tây Nguyên.
Trước đó, DN này cũng triển khai chương trình "Hỗ trợ nhà nông – Đồng lòng vượt khó" bằng việc trao tặng tới bà con nông dân đang gặp khó khăn trên toàn quốc với hơn 26.000 bao phân bón chất lượng cao mang thương hiệu Phân Bón Cà Mau. Theo đó, mỗi nông dân được hỗ trợ sẽ nhận được 100kg phân bón (NPK Cà Mau hoặc Ure Cà Mau) tương đương 900.000 đồng/người.
"Chính phủ, Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung Luật thuế GTGT để mặt hàng phân bón được bổ sung vào danh mục chịu thuế VAT giúp cho mặt hàng này có cơ hội giảm giá và nâng cao năng lực sản xuất của các doanh nghiệp trong nước…", bà Nguyễn Thị Hiền – Phó Tổng giám đốc Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC) nói.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.