Giá thép "leo thang", tiền chảy "ầm ầm" vào túi tỷ phú Trần Đình Long và các doanh nghiệp thép

Nhật Minh Thứ ba, ngày 20/04/2021 12:30 PM (GMT+7)
Không kể đến những “ông lớn” như Hòa Phát của tỷ phú Trần Đình Long hay Hoa Sen của đại gia Lê Phước Vũ, nhiều doanh nghiệp ngành thép lãi lớn nhờ biến động tích cực của giá thép thế giới.
Bình luận 0

Nhu cầu tiêu thụ thép tăng lên nhanh chóng khi nền kinh tế phục hồi khỏi dịch Covid-19 cùng kích thích đầu tư công thế giới trong bối cảnh nhiều nhà máy thép chưa hoạt động trở lại đã góp phần đẩy giá thép lên tăng nhanh.

Theo đó, giá thép thanh đầu tháng 3/2021 đạt 650 USD/tấn, tăng 10% so với đầu 2021 và tăng 50% so với đầu 2020. Giá thép HRC đầu tháng 3/2021 đạt 700 USD/tấn, tăng 30% trong 3 tháng đầu năm nay và tăng 52% đầu 2020.

Giá thép "leo thang" kể từ cuối năm 2020 và ghi nhận mức cao nhất trong nhiều năm trở lại đây đã giúp cho các doanh nghiệp thép trong nước hưởng lợi. 

Thậm chí, có doanh nghiệp dù sụt giảm doanh thu nhưng lợi nhuận vẫn tăng trưởng mạnh.

Giá thép "leo thang", tiền chảy về "túi" các doanh nghiệp ngành thép - Ảnh 1.

Giá thép tăng phi mã kể từ cuối năm 2020 và ghi nhận mức cao nhất trong nhiều năm trở lại đây

Giá thép "leo thang", doanh nghiệp thép "lên hương" vì lãi đậm

Tiêu biểu như Công ty Cổ phần tập đoàn Thép Tiến Lên (mã chứng khoán: TLH), công ty này công bố báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh quý I/2021 với doanh thu thuần hợp nhất đạt gần 979 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế trên 120 tỷ đồng.

Dù doanh thu chỉ tăng 3,9%, nhưng lãi sau thuế của Thép Tiến Lên lại gấp hơn 30 lần so với cùng kỳ năm trước.

So với kế hoạch năm 2021, Thép Tiến Lên đã thực hiện được gần 50% doanh thu và vượt qua chỉ tiêu lợi nhuận của năm 2021.

Trong khi đó, 1 doanh nghiệp có "tiếng" làm ăn bết bát và lùm xùm với loạt cựu lãnh đạo vướng vòng lao lý, CTCP Gang Thép Thái Nguyên (TISCO, mã: TIS) cũng gây bất ngờ với thị trường khi doanh thu thuần quý I lên tới 3.006 tỷ đồng, tăng 39% so với cùng kỳ năm trước và lãi ròng vượt 11 lần so với cùng kỳ.

Năm 2021 Gang Thép Thái Nguyên đặt mục tiêu đạt 12.989 tỷ đồng tổng doanh thu và gần 49 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế.

Như vậy kết thúc quý I/2021, doanh nghiệp đã thực hiện được trên 23% kế hoạch doanh thu và đã hoàn thành vượt 16% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm.

Được mệnh danh là "vua thép", Hòa Phát của tỷ phú Trần Đình Long cũng không làm thất vọng nhà đầu tư khi lĩnh vực sắt thép, mảng kinh doanh cốt lõi của Tập đoàn, tiếp tục đóng vai trò chủ đạo.

Năm 2020, doanh thu nhóm này tăng trưởng 81%, lợi nhuận từ các sản phẩm thép tăng 94%. Thép xây dựng và ống thép Hòa Phát tiếp tục giữ vững thị phần số 1 tại Việt Nam, lần lượt là 32,5% và 31,7% và là nhà xuất thép đứng thứ 48 trên thế giới (năm 2020). Nhờ đó, lợi nhuận của Hòa Phát lên cao lịch sử.

Bước sang quý I/2021, Tập đoàn Hòa Phát sản xuất 2 triệu tấn thép thô, tăng 60% so với cùng kỳ. Mức sản lượng này đưa Hòa Phát trở thành nhà sản xuất thép lớn nhất Việt Nam.

Đến thời điểm hiện tại, Hòa Phát của tỷ phú Trần Đình Long dù chưa có báo cáo tài chính quý I/2021, song theo dự báo của thị trường lợi nhuận quý này của Hòa Phát dự kiến tăng trưởng ở mức 2 con số từ lĩnh vực thép.

Công ty Cổ phần tập đoàn Hoa Sen (mã chứng khoán: HSG), hãng tôn mạ lớn nhất Việt Nam của đại gia Lê Phước Vũ cũng không nằm ngoài xu hướng.

Giá thép "leo thang", tiền chảy về "túi" các doanh nghiệp ngành thép - Ảnh 3.

Nguồn: HSG

Theo ước tính của tập đoàn này, doanh thu hợp nhất tháng 3/2021 ước đạt trên 4.550 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 501 tỷ đồng. Kết quả này lần lượt tăng 42% và 217% so với tháng trước.

Lũy kế trong quý II niên độ tài chính 2020-2021 (01/01-31/03/2021), hãng tôn mạ lớn nhất nước ước đạt 10.841 tỷ đồng doanh thu và 834 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng gấp đôi về doanh thu và tăng gấp 4 lần lợi nhuận so với cùng kỳ năm trước.

Tiền chảy về túi các đại gia ngành thép

Kinh doanh tích cực, trên thị trường chứng khoán, các mã cổ phiếu ngành thép đang trở thành hàng "hot" hấp dẫn nhà đầu tư.

So với giá chốt phiên đầu năm, thị giá của một số cổ phiếu tăng mạnh như HPG (39,4%); HSG (47%); DTL (30%); TLH (105%).

Với đà tăng của các cổ phiếu này, tiền vẫn không ngừng chảy về túi của các đại gia ngành thép như Chủ tịch Hòa Phát Trần Đình Long hay đại gia Lê Phước Vũ, Chủ tịch HSG. 

Tính đến thời điểm hiện tại, giá trị cổ phiếu tỷ phú Trần Đình Long sở hữu có giá trị gần 50.000 tỷ đồng.

Theo xếp hạng của Forbes, tính đến thời điểm hiện tại giá trị tài sản ròng của tỷ phú Trần Đình Long lên tới 2,8 tỷ USD, vượt tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo trở thành tỷ phú USD Việt Nam giàu có thứ 2 sau Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng.

Rủi ro "chực chờ"?

Theo báo cáo mới nhất của hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), tình trạng leo thang của giá thép được dự báo tiếp diễn đến hết quý III năm nay trước những diễn biến khan hiếm nguồn cung nguyên vật liệu đầu vào từ Trung Quốc và Ấn Độ.

"Trong năm nay, thị trường thép có thể sẽ thiết lập một mặt bằng giá mới như thời kỳ hậu khủng hoảng tài chính năm 2008", ông Nghiêm Xuân Đa, Chủ tịch VSA nhận định.

Giá thép "leo thang", tiền chảy về "túi" các doanh nghiệp ngành thép - Ảnh 4.

Dự báo, tình trạng leo thang của giá thép được dự báo tiếp diễn đến hết quý III năm nay

Trong bối cảnh thuận lợi, các doanh nghiệp cũng đặt mục tiêu doanh thu, lãi lớn cho cả năm 2021. Tuy nhiên, trên thực tế rủi ro vẫn chực chờ đối với các doanh nghiệp.

Tại báo cáo của mình, SSI Research nhìn nhận, giá thép có xu hướng tăng sẽ tiếp tục thúc đẩy tỷ suất lợi nhuận của các công ty thép cải thiện trong ngắn hạn. Tuy nhiên, giá thép có khả năng đảo chiều.

Cụ thể, giá thép sẽ vẫn ổn định trong những tháng tới do nhu cầu thế giới phục hồi và gián đoạn nguồn cung, nhưng có thể đạt đỉnh vào một thời điểm nào đó trong năm 2021 khi nguồn cung dần ổn định (sản lượng thép của Trung Quốc dự kiến sẽ tăng khoảng 2% trong năm 2021, sau khi tăng khoảng 5% trong năm 2020).

"Sự đảo ngược của xu hướng giá thép hiện tại có thể dẫn đến việc tỷ suất lợi nhuận của các công ty sản xuất thép sẽ về mức bình thường", báo cáo về triển vọng ngành thép năm 2021 của SSI Research, nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp thép còn chịu áp lực rủi ro như giá nguyên liệu tăng, điều này sẽ gây áp lực lên các công ty thép và đặc biệt đúng với những công ty nhỏ, sở hữu thị phần thấp.

Trong khi đó, các chuyên gia đến từ công ty chứng khoán Vietcombank lưu ý, các doanh nghiệp ngành thép vẫn đối mặt với một số rủi ro như hoạt động xây dựng trong nước chưa thực sự khởi sắc; trong trung và dài hạn có rủi ro dư cung.

Các doanh nghiệp nhỏ sẽ chịu áp lực cạnh tranh lớn từ Hòa phát; rủi ro bảo hộ thương mại tại các quốc gia xuất khẩu và rủi ro từ áp thuế nhập khẩu thép cuộn cán nóng; biến động giá nguyên liệu và tỷ giá.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem