Thị trường mặt bằng kinh doanh cho thuê “ế ẩm”, giá vẫn tăng cao

Thái Nguyễn Thứ tư, ngày 21/09/2022 15:26 PM (GMT+7)
Thị trường mặt bằng kinh doanh cho thuê như nhà phố, shophouse liên tục bị “hét giá”, bất chấp nhiều vị trí treo biển cho thuê hàng tháng trời nhưng chủ nhà vẫn không hạ giá. Giá thuê quá cao khiến nhiều người thuê nhà ngán ngẩm dẫn đến thị trường thuê nhà chững lại trong thời gian qua.
Bình luận 0

Giá thuê mặt bằng kinh doanh nhà phố bị "hét giá"

Chị Phương Hoa (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) đang thuê mặt bằng kinh doanh trên phố cổ cho biết sau thời gian dịch Covid-19 được kiểm soát, chủ nhà đề cập với chị hết năm nay sẽ tăng giá thuê nhà lên 35-40 triệu đồng/tháng, tùy theo điều kiện thị trường. Chị Hoa cho biết mức giá thuê mặt bằng kinh doanh chỗ chị đang là 27 triệu đồng/tháng, với mặt bằng 50m2, tại tầng 1.

"Trước đây covid-19 chủ nhà cũng hỗ trợ giảm giá thuê còn 27 triệu đồng/tháng, trước đó là 35 triệu đồng/tháng. Vừa qua, chủ nhà thông báo hết năm nay sẽ tăng giá thuê về mức cũ hoặc cao hơn tùy theo thị trường. Nếu với giá đó thì quá khả năng của tôi vì thời gian qua cũng gặp khó khăn nên tôi cũng đang phải tìm kiếm một số nơi khác", chị Hoa chia sẻ.

Thị trường thuê nhà "ế ẩm" trong khi giá thuê mặt bằng kinh doanh vẫn tăng cao (Video: Thái Nguyễn)

Còn đối với anh Trọng Nghĩa (huyện Đông Anh, Hà Nội) đang tìm mặt bằng kinh doanh trên phố cổ. Tuy nhiên, suốt hơn 1 tháng tìm kiếm anh Nghĩa đều bị chủ nhà "hét giá" quá cao. Một số vị trí đắc địa như phố Hàng Bông, quận Hoàn Kiếm có giá thuê từ 35 – 80 triệu đồng/tháng, tùy vị trí và diện tích. Không những giá cao, một số chủ nhà còn yêu cầu đóng tiền trước 6 tháng/lần và thương lượng hợp đồng ký kết mỗi năm, để còn điều chỉnh theo giá thuê thị trường.

"Tôi xác định trước giá thuê mặt bằng kinh doanh trên phố sẽ cao nhưng không nghĩ cao như vậy, vì trước đó vài tháng những vị trí đó có giá thấp hơn 5-10 triệu đồng/tháng. Có những vị trí chủ nhà tăng giá gần gấp đôi vì cho rằng phải điều chỉnh giá theo thị trường thuê nhà hiện nay", anh Nghĩa chia sẻ.

Theo khảo sát, quận Hoàn Kiếm là khu vực đang đạt giá thuê mặt bằng kinh doanh bán lẻ cao nhất Hà Nội, đặc biệt là các vị trí nhà phố thì giá thuê mặt bằng có thể lên đến khoảng 1 triệu đồng/m2/tháng, thậm chí những vị trí đẹp lên đến 2,5 – 4 triệu đồng/m2/tháng. Trong khi đó, nhà trong ngõ, phố nhỏ có mức giá thấp hơn từ 8-15 triệu đồng/tháng, tùy theo khu vực và diện tích.

Chủ nhà "hét giá" thuê cao chót vót bất chấp tình trạng "ế ẩm", vắng khách (Ảnh: Thái Nguyễn)

Chủ nhà "hét giá" thuê cao chót vót bất chấp tình trạng "ế ẩm", vắng khách (Ảnh: Thái Nguyễn)

Ngoài khu vực quận Hoàn Kiếm, một số tuyến phố lớn có mức giá mặt bằng kinh doanh cho thuê khá cao. Đơn cử phố Bạch Mai, nhà mặt tiền 4,5m, diện tích 100m2 đang được rao cho thuê 60 triệu đồng/tháng. Nhà mặt phố Phan Đình Phùng, diện tích 100m2 giá thuê 80 triệu đồng/tháng. Nhà mặt phố Bà Triệu giá thuê 130 triệu đồng/tháng.

Chị Lê Hồng, môi giới nhà đất cho hay, nhà mặt phố vẫn có lợi thế cho thuê sau khi dịch bệnh được kiểm soát. Thói quen tiêu dùng của người Việt vẫn chuộng các con phố lớn hơn là các trung tâm thương mại, tòa nhà chung cư. Do đó, nhu cầu tìm đến những mặt bằng kinh doanh tại nhà phố thường rất lớn nên dẫn tới khả năng chủ nhà "hét giá". Tuy nhiên, do giá quá cao dẫn tới nhiều nhà phố một thời gian gian vẫn chưa tìm được người thuê.

"Một số chủ nhà phố nắm được tình hình giá bất động sản nhiều phân khúc tăng cao liền vội tăng giá thuê nhà, tuy nhiên giá cao đột ngột dẫn tới khó tìm được người thuê khiến tình trạng ế ẩm kéo dài hàng tháng trời", chị Hồng chia sẻ.

Thị trường thuê shophouse "ế ẩm", cần thận trọng khi đầu tư

Với lợi ích kép, vừa có thể ở, vừa kinh doanh hoặc cho thuê mặt bằng, giá thuê mặt bằng kinh doanh đối với phân khúc shophouse từng cao chót vót và được giới đầu tư ưa chuộng. Nhưng ở thời điểm hiện tại, thị trường mặt bằng kinh doanh shophouse trong các dự án đang có chung số phận vắng khách thuê.

Theo các chuyên gia bất động sản, Covid -19 đã tái định hình thói quen mua sắm của người tiêu dùng theo hướng giảm tiếp xúc trực tiếp, ưu tiên trải nghiệm tại các không gian rộng, đa dạng và thú vị. Với những điều kiện này, shophouse tại các khu chung cư có quy mô vừa và nhỏ chịu lép vế đáng kể.

Trong khi đó, Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam nhận định, sau đợt dịch Covid -19 năm 2021, hàng loạt các cửa hàng đã trả mặt bằng và tạm dừng kinh doanh. Đến khi dịch bệnh qua đi, họ có cơ hội tìm các mặt bằng mới với mức giá dễ chịu hơn và shophouse không nằm trong danh sách ưu tiên do sự bất tiện trong di chuyển, cùng e ngại không đủ lưu lượng khách vãng lai, từ cả trong và ngoài khu dân cư.

Phân khúc shophouse khó thanh khoản vì giá vẫn neo cao còn nhu cầu lại giảm đi (Ảnh: Thái Nguyễn)

Phân khúc shophouse khó thanh khoản vì giá vẫn neo cao còn nhu cầu lại giảm đi (Ảnh: Thái Nguyễn)

Tuy nhiên, shophouse vẫn là một trong những tài sản đầu tư được ưa chuộng nhờ mức tăng giá tốt khi kinh tế khởi sắc và hạ tầng các dự án dần hoàn thiện, đặc biệt tại các khu dân cư đông đúc. Trước tình hình giá thuê shophouse có nguy cơ giảm mạnh, giá trị shophouse có thể chững lại trong thời gian tới.

Về lâu dài, với tiềm năng của ngành bán lẻ cùng mức tăng trưởng hai chữ số không ngừng suốt hơn 1 thập kỷ vừa qua, shophouse vẫn là một trong những phương thức đầu tư tiềm năng. Tuy nhiên trong thời gian gần đây, nhà đầu tư cần thận trọng hơn với hình thức này, đặc biệt khi sử dụng các nguồn vốn vay.

Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam nhấn mạnh, có ba yếu tố cần cân nhắc khi quyết định đầu tư shophouse mà nhà đầu tư cần lưu ý: Cộng đồng cư dân, khách hàng tiềm năng phải đủ lớn; điều kiện giao thông thuận tiện; hạ tầng dịch vụ đa dạng và các tiện ích hạ tầng đầy đủ…


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem