Cập nhật giá vàng hôm nay (23/10), Công ty SJC niêm yết vàng nhẫn ở mức 86,9 - 88,2 triệu đồng/lượng, chênh lệch với vàng miếng SJC chỉ 800.000 đồng/lượng bán ra. Trong khi các doanh nghiệp vàng "cháy" hàng, thì "chợ vàng online" cũng nhộn nhịp các hoạt động trao đổi, mua - bán.
Tại 14h00' ngày 23/10, 87 - 89 triệu đồng/lượng mua vào - bán ra cũng là giá niêm yết vàng SJC tại các thương hiệu SJC, Doji, Phú Quý, Bảo Tín Minh Châu.
Ghi nhận tại 4 ngân hàng quốc doanh (Ngân hàng Agribank, Vietcombank, BIDV và Vietinbank), giá vàng miếng SJC được niêm cùng mức giá 89 triệu đồng/lượng.
Trong khi đó, giá vàng nhẫn SJC đã được điều chỉnh tăng lên sát ngưỡng 89 triệu đồng/lượng. Tại thương hiệu Bảo tín Minh Châu, giá vàng nhẫn tròn trơn được niêm yết ở mức 87,48 - 88,98 triệu đồng/lượng mua vào - bán ra, tăng mỗi chiều 1,2 triệu đồng/lượng so với cập nhật đầu giờ sáng nay.
Cùng thời điểm, Công ty SJC đã tăng giá bán vàng nhẫn lên 86,9 - 88,2 triệu đồng/lượng mua vào - bán ra, "đắt" hơn 400.000 đồng/lượng so với cập nhật đầu giờ sáng nay.
Tại thương hiệu DOJI, sản phẩm nhẫn tròn 9999 (Hưng Thịnh Vượng) mua - bán lần lượt là 88,8 và 88,9 triệu đồng/lượng, chênh lệch giữa hai chiều mua - bán là 1,1 triệu đồng/lượng.
Cùng thời điểm, thương hiệu PNJ niêm yết giá vàng nhẫn trơn PNJ 999.9 ở mức 87,4 - 88,4 triệu đồng/lượng.
Giá vàng tăng dữ dội, "chợ vàng online" đắt khách
Trong bối cảnh giá vàng tăng cao, ghi nhận của PV Dân Việt tại nhiều cửa hàng trên phố Trần Nhân Tông, TP. Hà Nội trong thời gian qua, các tiệm vàng hầu hết đều thông báo "cháy" vàng. Hoặc cửa hàng chỉ còn bán vàng trang sức. Đề cập đến thời điểm bán vàng, nhân viên nhà vàng đều tư vấn khi nào có sẽ thông báo sau.
Tuy nhiên, tại các "chợ vàng online" trên mạng xã hội như Facebook, Zalo,... ghi nhận nhiều hội nhóm như: "Mua bán, giao dịch vàng miếng SJC"; "Trao đổi giao lưu vàng 999"; "Hội giao lưu vàng 9999, BTM"...
Trên các hội nhóm này luôn tấp nập thông tin mua - bán, giá cả, tình hình giao dịch tại các nhà vàng và có cả dịch vụ mua - bán vàng online, đăng ký xếp hàng mua vàng "hộ"...
Giới tài chính đánh giá, việc này đến từ nguồn cung hiện tại trên thị trường tương đối khan hiếm nên biến tướng sang thị trường chợ đen.
Tuy nhiên, theo Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh, các doanh nghiệp mua - bán, kinh doanh vàng cần được Ngân hàng Nhà nước cấp phép. Với các giao dịch tại "chợ đen", người dân cần cẩn trọng, cân nhắc kỹ bởi kể cả trong trường hợp không gặp rủi ro về chất lượng vàng thì cũng rất dễ gặp rủi ro liên quan đến pháp luật.
TS.Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính cho rằng: Vàng là một kênh đầu tư truyền thống của người dân bên cạnh các kênh truyền thống khác như bất động sản, gửi tiết kiệm... Bởi vậy, để người dân giảm đầu tư vào vàng, biến vàng thành nguồn lực phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội, giải pháp căn cơ là Nhà nước cần khuyến khích phát triển các kênh đầu tư khác như cổ phiếu, trái phiếu..., bên cạnh việc tiếp tục duy trì ổn định kinh tế vĩ mô như thời gian qua.
GS.TS. Trần Thọ Đạt nhận định, trong bối cảnh nhiều biến động, vàng có thể là kênh trú ẩn an toàn nhưng nếu chọn vàng là kênh đầu tư thì có nhiều rủi ro.
"Nếu người dân không đầu tư vào các kênh khác để sản xuất kinh doanh mà tiếp tục đẩy mạnh mua vàng thì nguồn lực này sẽ nằm im trong dân, không có lợi cho nền kinh tế. Về lâu dài, Chính phủ cũng cần có giải pháp làm cho các kênh đầu tư tài sản, tài chính khác trở nên hấp dẫn hơn để người dân có các lựa chọn thay thế, giảm tập trung vào vàng", ông Đạt nói.
Cùng với đó là công cụ thuế cũng có thể được tính đến như là một giải pháp hữu hiệu. "Tất nhiên, Nhà nước vẫn có thể áp dụng những biện pháp nhằm hạn chế tình trạng đầu cơ quá mức đối với vàng miếng SJC như đánh thuế đối với các giao dịch vàng miếng"- TS. Nguyễn Đức Độ nói.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.