Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Ngân hàng Nhà nước vừa công bố kết quả đấu thầu vàng miếng diễn ra vào sáng nay (16/5). Cụ thể, trong phiên này có 11 thành viên trúng thầu với tổng khối lượng trúng thầu 123 lô (tương ứng 12.300 lượng vàng). Giá trúng thầu cao nhất là 88,92 triệu đồng/lượng và giá trúng thấp nhất 88,89 triệu đồng/lượng.
Trước đó, theo thông báo của Ngân hàng Nhà nước phiên đấu thầu vàng miếng lần thứ 7 vào sáng nay, với giá đặt cọc 87,5 triệu đồng một lượng. Số vàng miếng gọi thầu là 16.800 lượng. Doanh nghiệp được phép đặt thầu tối thiểu 500 và tối đa là 4.000 lượng.
Cập nhật giá vàng hôm nay (16/5) vào thời điểm đầu giờ chiều nay, giá vàng miếng SJC đang được Công ty VBĐQ Sài Gòn niêm yết quanh mức 87,5 triệu đồng/lượng (mua vào) và bán ra 90 triệu đồng/lượng. Như vậy, giá trúng thầu cao nhất và thấp nhất cao hơn khoảng 1,4 triệu đồng/lượng so với giá mua vào trên thị trường và chỉ "kém" giá vàng miếng bán ra khoảng 1,1 triệu đồng/lượng.
Hôm 14/5, phiên đấu thầu lần thứ 6 do Ngân hàng Nhà nước tổ chức có 8 doanh nghiệp trúng thầu, tăng cung cho thị trường 8.100 lượng vàng miếng với giá 87,7 triệu đồng một lượng.
Như vậy, nếu tính cả phiên giao dịch hôm nay, nhà điều hành đã tung ra thị trường 27.200 lượng vàng.
Văn phòng Chính phủ vừa phát Thông báo số 221/TB-VPCP ngày 15/5/2024 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái tại cuộc họp với tập thể lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về các giải pháp quản lý thị trường vàng trong thời gian tới.
Theo Thông báo, Phó Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các Bộ, cơ quan liên quan theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao tiếp tục thực hiện quyết liệt, nghiêm túc, đầy đủ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp quản lý thị trường vàng cả trước mắt và lâu dài theo ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo Chính phủ tại các Nghị quyết, Công điện, Chỉ thị và các văn bản có liên quan, bảo đảm thị trường vàng hoạt động ổn định, hiệu quả, lành mạnh, công khai, minh bạch, đúng quy định pháp luật, không để vàng hóa nền kinh tế và ảnh hưởng đến ổn định kinh tế vĩ mô.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan, địa phương có liên quan khẩn trương hoàn thiện ban hành kế hoạch thanh tra, chậm nhất ngày 17 tháng 5 năm 2024 phải công bố quyết định thanh tra theo quy định để thực hiện ngay việc thanh tra, kiểm tra đối với thị trường vàng, các cửa hàng, đại lý phân phối, mua và bán vàng miếng và các chủ thể khác tham gia thị trường, không để chậm trễ hơn nữa; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định pháp luật trong sản xuất, kinh doanh vàng, trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật kịp thời chuyển ngay hồ sơ đến Bộ Công an và các cơ quan chức năng để xử lý nghiêm theo quy định; báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thanh tra trong tháng 5 năm 2024.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp chặt chẽ với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông và các cơ quan liên quan để thực hiện hiệu quả công tác thông tin truyền thông, kịp thời cung cấp các thông tin chính thức, chính thống về điều hành kinh tế vĩ mô, chính sách tiền tệ và hoạt động của thị trường vàng để ổn định tâm lý người dân, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.
Đồng thời, tiếp tục rà soát kỹ lưỡng, đánh giá, tổng kết việc thực hiện Nghị định số 24/2012/NĐ-CP ngày 03 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, lấy ý kiến các Bộ, ngành, địa phương liên quan, các đối tượng chịu tác động trực tiếp theo quy định, tham vấn ý kiến các chuyên gia, tham khảo kinh nghiệm quốc tế để đánh giá tác động và đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung các chính sách, quy định nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả các công cụ quản lý nhà nước đối với thị trường vàng và bảo đảm các mục tiêu phát triển thị trường vàng theo chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật có liên quan.
Phó Thủ tướng giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các cơ quan liên quan kiểm tra, giám sát, kiên quyết thực hiện nghiêm quy định về hóa đơn điện tử theo từng lần trong hoạt động kinh doanh, mua, bán vàng tại các doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh vàng, hoàn thành chậm nhất trong quý II năm 2024; có chế tài xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Các Bộ, cơ quan: Công an, Quốc phòng, Tài chính, Công Thương, Thanh tra Chính phủ và các cơ quan liên quan quyết liệt chỉ đạo các đơn vị chức năng, lực lượng biên phòng, thuế, hải quan, quản lý thị trường… tăng cường thực hiện ngay các biện pháp kịp thời, hiệu quả theo chức năng, nhiệm vụ được giao để bình ổn thị trường vàng, đưa hoạt động sản xuất, kinh doanh vàng được tổ chức, hoạt động theo quy định tại Nghị định số 24/2012/NĐ-CP ngày 03 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ và các quy định pháp luật khác có liên quan; tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm theo quy định các hành vi vi phạm, nhất là buôn lậu, thẩm lậu, trục lợi, đầu cơ, thao túng, đẩy giá, cạnh tranh không đúng quy định…
Vui lòng nhập nội dung bình luận.