Ghi nhận của Dân Việt ngày 24 - 25/8 tại nhiều chợ truyền thống như chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh), chợ Hoà Bình (quận 5), chợ An Đông (quận 5), chợ Xã Tây (quận 5), nhiều tiểu thương cho biết giá các loại rau củ quả đã bắt đầu tăng theo giá xăng.
Ngoài ra, do ảnh hưởng của thời tiết không thuận lợi, mưa lớn liên tục nên giá các loại rau củ những ngày qua tiếp tục biến động và tăng theo. Các loại rau ăn lá tăng từ 3.000 - 5.000 đồng/kg.
Bà Nữ, tiểu thương chợ An Đông, cho biết mồng tơi, xà lách tăng 3.000 - 5.000 đồng/kg. Riêng hành, ớt lại tăng sốc hơn.
“Trước đây, hành chỉ có giá 25.000 đồng/kg thì bây giờ lên đến 40.000 đồng/kg. Ớt tăng từ 40.000 đồng/kg lên đến 55.000 - 60.000 đồng/kg”, bà Nữ nói và cho biết những cơn mưa lớn liên tục gần đây, cộng thêm giá xăng tăng liên tiếp đã đẩy giá các mặt hàng này tăng sốc.
Giá cả tăng, hậu quả là sạp của bà Nữ và những quầy hàng thiết yếu bên cạnh đều chung cảnh ngộ ế khách. Theo các tiểu thương, trước đây chợ bán tấp nập từ sáng tới chiều nhưng hiện nay ế ẩm, phải dọn sạp về sớm.
Không chỉ các mặt hàng rau xanh, giá gạo bán lẻ có xu hướng chững lại nhưng vẫn ở mức cao so với trước khi cơn sốt gạo xảy ra. Giá các loại bún, phở sau khi tăng thêm 1.000 đồng/kg hồi đầu tháng 8, vẫn đang neo mức giá này.
Bà Hương - tiểu thương bán bún tại chợ Bà Chiểu, cho biết giá bún miến đã không tăng nữa do giá gạo đã chững lại. Tuy nhiên, bà vẫn phập phồng nỗi lo bún, miến, phở, bánh hỏi sẽ tăng theo giá xăng dầu, bởi nhà cung cấp cho biết giá xăng đã tăng quá nhiều lần mà chưa thấy có dấu hiệu giảm.
Theo bà Huỳnh Phương Trinh, Phó tổng giám đốc Công ty liên doanh Bột quốc tế (Intermix), từ đầu năm đến nay, giá nhiều nguyên liệu đầu vào tăng cao, trung bình khoảng 15%, có nguyên liệu tăng đến 100% như bột bắp nhập từ các nước châu Âu tăng từ 25.000 - 50.000 đồng/kg.
Giá nguyên liệu đầu vào tăng, cộng với giá xăng trong nước liên tục leo thang, khiến các doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp phân phối “sốt ruột”.
Ông Nguyễn Đặng Hiến - Phó Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP.HCM, nhìn nhận trong bối cảnh giá xăng dầu và một số nguyên liệu đầu vào tăng, việc tăng giá hàng hóa hiện nay chỉ là vấn đề sớm muộn.
Phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM Nguyễn Nguyên Phương cho biết đang phối hợp với các sở, ban ngành, doanh nghiệp triển khai nhiều chương trình bình ổn, giảm giá, khuyến mãi để hạn chế tình trạng tăng giá hàng hóa.
Đồng thời, Sở cũng sẽ giám sát chặt chẽ việc niêm yết giá, nhằm ổn định thị trường, tránh tình trạng “té nước theo mưa” khi giá xăng dầu tăng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.