Giải pháp nào để khách quốc tế chịu "móc hầu bao"?

Huy Hoàng Thứ bảy, ngày 21/01/2023 06:30 AM (GMT+7)
Vừa qua, Tổng cục Du lịch thống kê năm 2022 ước đón được 101,5 triệu lượt khách nội địa và 3,5 triệu lượt khách du lịch quốc tế đến Việt Nam. Nhìn vào con số thống kê nhiều người cho rằng, số lượng khách tăng cao, nhưng chi phí thấp nên doanh thu toàn ngành còn thấp.
Bình luận 0

Chi tiêu của du khách mới đang ở mức cơ bản

Giải pháp nào để du khách chịu "móc hầu bao" chi nhiều tiền? - Ảnh 1.

Du khách ngồi tràn vỉa hè chờ đếm ngược đêm giao thừa năm 2023. Ảnh: Huy Hoàng

Lâu nay những người làm du lịch vẫn đau đáu làm thế nào để thúc đẩy mạnh mức chi tiêu của du khách, đặc biệt là du khách quốc tế khi đến Việt Nam.

Với các cơ quan quản lý nhà nước như Bộ VHTTDL, Tổng cục Du lịch, Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Sở du lịch các địa phương thì đây là vấn đề đau đầu làm sao để có thể tăng mạnh mức chi tiêu của du khách. Với các chuyên gia du lịch, doanh nghiệp lữ hành thì đây là bài toán để tồn tại với nghề, đóng góp công sức để phát triển ngành du lịch.

Giải pháp nào để du khách chịu "móc hầu bao" chi nhiều tiền? - Ảnh 2.

Thác khe Vằn tại huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: Huy Hoàng

Theo khảo sát trước đó của Tổng cục Du lịch, du khách quốc tế đến Việt Nam các mức chi tiêu cũng chủ yếu cho việc thuê phòng lưu trú và ăn uống 56-60%; mua hàng hóa, đồ lưu niệm, tham quan, vui chơi, giải trí chỉ chiếm 20%; còn lại là chi phí khác. Nếu chỉ tính tham quan kèm vui chơi giải trí, chi phí chỉ bằng 7-10% trong tổng chi phí.

Trong khi đó, các quốc gia trong khu vực như: Malaysia, Thái Lan, chi phí cho hoạt động vui chơi giải trí chiếm 40-50%, thậm chí đến 60-70% tổng chi phí cho một chuyến du lịch.

Mới đây trong bản báo cáo tổng kết du lịch nội địa, ông Vũ Thế Bình – Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cũng đã nhận định, năm 2022 ước đón được 101,5 triệu lượt khách, vượt xa con số kỷ lục của năm 2019 (đón 85 triệu lượt khách). Có thể nói Du lịch nội địa Việt Nam đã cơ bản phục hồi trong năm 2022. Tuy nhiên số lượng khách tăng cao, nhưng chi phí thấp nên doanh thu toàn ngành còn thấp.

Điều này cho thấy các mức chi tiêu của du khách nội địa và khách quốc tế đến Việt Nam chủ yếu chi tiêu ở bước cơ bản là thuê phòng lưu trú, ăn uống, tham quan và số ít chi phí cho vui chơi giải trí, chứ chưa thực sự chi tiêu mạnh tay với số tiền lớn ở những khu mua sắm cao cấp, khu vui chơi giải trí cao cấp...

Giải pháp nào để du khách chịu "móc hầu bao" chi nhiều tiền? - Ảnh 3.

Du khách chen chân tại phố cầu Gỗ, quận Hoàn Kiếm, Thành phố Hà Nội, chờ đến lúc đếm ngược năm 2023. Ảnh: Huy Hoàng

Chia sẻ về điều này, Tiến sĩ Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế, Thành viên hội đồng Tư vấn chính sách tài chính – Tiền tệ Quốc gia cho hay: "Đối với lượng khách quốc tế đến Việt Nam còn thấp, chi tiêu ít, vì cơ cấu sản phẩm chưa đa dạng. Sản phẩm du lịch chưa có nhiều đổi mới, sáng tạo. Các sản phẩm du lịch sau dịch bệnh như du lịch văn hóa, sinh thái, nghỉ dưỡng…còn hạn chế".

Lý giải về điều này, theo ông Vũ Thế Bình, có nhiều nguyên nhân và thách thức, trong đó tình trạng quá tải ở các điểm du lịch trong những ngày lễ, ngày nghỉ. Các cơ quan quản lý chưa có giải pháp và chưa thực sự quan tâm đến vấn đề này. Nhiều doanh nghiệp chạy theo lợi nhuận, không tư vấn đầy đủ cho khách, góp phần làm cho tình trạng quá tải và lộn xộn của Du lịch nội địa càng thêm trầm trọng…Du lịch nội địa của Việt Nam thiếu tính bền vững, rất nặng tính mùa vụ.

Ông Nguyễn Văn Nhị, Công ty Postum Travel chia sẻ với Dân Việt, lý do khách nội địa chi tiêu thấp mặc dù số lượt khách đi du lịch tăng mạnh trong năm 2022 có rất nhiều lý do. Trong đó, lý do cơ bản mà các điểm đến ở Việt Nam đang gặp phải, là các điểm đến tại các địa phương.

"Trước tiên tôi muốn nói đến chuỗi cung ứng dịch vụ tại các điểm đến ở địa phương như cửa hàng lưu niệm, shop mua sắm, đồ lưu niệm, kỷ vật, quà tặng... chưa thực sự phong phú và đa dạng. Chưa kể giá tiền cho các đồ lưu niệm, kỷ vật này không cao, chưa phân cấp quà tặng theo từng đối tượng. Ví dụ đồ lưu niệm, quà tặng cao cấp dành cho du khách cao cấp, đồ lưu niệm, quà tặng dành cho người có thu nhập vừa.

Giải pháp nào để du khách chịu "móc hầu bao" chi nhiều tiền? - Ảnh 4.

Du khách nội địa đang mua miến dong tại cơ sở làm miến ở huyênj Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: Huy Hoàng

Bên cạnh đó hầu như không có sự liên kết các sản phẩm du lịch, đồ lưu niệm, nông sản, sản phẩm OCOP giữa các cửa hàng, các địa phương với nhau. Tôi ví dụ, nếu du khách đến Bát Tràng có thể mua đồ gốm thủ công, mỹ nghệ của Bát Tràng, nhưng nếu đến Ninh Bình, du khách cũng vẫn muốn mua đồ gốm của Bát Tràng thì dường như không thể mua được và như vậy vô hình chung du khách muốn chi tiêu mua sắm cũng không có cách nào để mua", ông Nguyễn Văn Nhị cho hay.

Theo ông Nguyễn Văn Nhị, hầu hết các điểm đến du lịch ở Việt Nam, du khách chỉ có thể đi tham quan, ngắm cảnh chứ chưa có nhiều cửa hàng, trung tâm mua sắm, shop cửa hàng có nhiều sản vật các vùng miền để du khách chi tiêu, mua sắm. Nếu điểm qua thì cũng chỉ có số ít như đi lên vùng Tây Bắc, Đông Bắc có những trạm dừng chân bán sản vật nông sản, sản phẩm OCOP nhưng cũng vẫn là quá ít so với các nước Đông Nam Á như: Thái Lan, Singapore, Malaysia…

Cần đa dạng hóa và nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch lên tầm quốc gia

Trước những thách thức làm thế nào để tăng mức chi tiêu của du khách trong nước và du khách nước ngoài, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực đưa ra giải pháp, phát triển thị trường, sản phẩm du lịch. Đồng thời cần tạo liên kết đa dạng các sản phẩm du lịch có liên quan đến nhau, ví dụ như du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái, du lịch chăm sóc sức khỏe…Tăng trải nghiệm khách hàng như sản phẩm chất lượng dịch vụ, địa điểm du lịch…

Bên cạnh đó tích cực nghiên cứu, phân tích và dự báo nhu cầu, thị hiếu của khách hàng để từ đó thiết kế và cung cấp sản phẩm chất lượng phù hợp. Phát triển sản phẩm du lịch đặc thù tại địa phương phù hợp với tài nguyên du lịch và văn hóa. Đổi mới công tác tiếp thị, quảng bá du lịch phù hợp bối cảnh mới, thiết thực hiệu quả.

Giải pháp nào để du khách chịu "móc hầu bao" chi nhiều tiền? - Ảnh 5.

Những nghệ nhân nặn tò he tại phố đi bộ Hồ Hoàn Kiếm, quận Hoàn Kiếm, Thành phố Hà Nội, trong đêm giao thừa, đếm ngược năm 2023. Ảnh: Huy Hoàng

Với ông Nguyễn Văn Nhị thì chia sẻ: "Là người làm du lịch hơn 10 năm, đi các nước trong khu vực cũng nhiều, tôi nhận thấy, Thái Lan, Singapore, Malaysia họ có sự liên kết, chuỗi cung ứng dịch vụ rất tốt. Ví dụ một tour đi Thái Lan, không chỉ là đi tham quan các địa điểm như bảo tàng, chùa mà du khách còn được dẫn 4 đến 5 điểm mua sắm. 

Tại trung tâm mua sắm này rất rộng lớn và nhiều quà tặng, đồ lưu niệm. Đồng thời họ biết cách tạo ra những sản phẩm nổi tiếng mang thương hiệu quốc gia, để khi khách đến các trung tâm mua sắm đó, khách sẵn sàng bỏ tiền ra mua mà không phải lăn tăn.

Như ở Thái Lan tại các trung tâm mua sắm là chuỗi sản phẩm hoàng gia như dầu con hổ hoàng gia…Hay đến Hàn Quốc mọi người đều biết sản phẩm quốc gia là sâm.

Trong khi tại các trạm dừng chân hay các cửa hàng mua sắm của Việt Nam các sản phẩm mới chỉ là sản vật vùng miền, chứ chưa có sản phẩm mang thương hiệu quốc gia.

Sản phẩm mây tre đan, các vật dụng được sử dụng từ mây tre đan đã được xuất khẩu ra nước ngoài, bạn bè quốc tế đã biết đến, thế nhưng các sản phẩm này chưa được quảng bá nhiều ở các địa điểm du lịch. Tại các trạm dừng chân, các cửa hàng, trung tâm mua sắm hầu như không thấy quảng bá, chỉ số ít cửa hàng mới thấy trưng bày các sản phẩm từ mây tre đan.

Vì vậy mà nhiều du khách nước ngoài biết đến sản phẩm từ mây tre đan, đến Việt Nam muốn mua các sản phẩm này cũng không biết tìm mua ở đâu".

Giải pháp nào để du khách chịu "móc hầu bao" chi nhiều tiền? - Ảnh 6.

Du khách chụp ảnh tại Nhà thờ Lớn, Hà Nội. Ảnh: Huy Hoàng

Nói về lý do và giải pháp cho những vấn đề này, ông Cao Trí Dũng – Chủ tịch Hiệp hội Lữ Hành Đà Nẵng, Chủ tịch Liên chi hội lữ hành Việt Nam, cho Dân Việt biết, hiện nay các điểm đến ở các địa phương, các hoạt động chưa nhiều để du khách có thể chi tiêu, bởi ngoài các hoạt động cơ bản như ăn uống, khách sạn, tham quan thì cần phải có các hoạt động khác như phố ẩm thực đêm, trung tâm mua sắm miễn thuế, vui chơi, giải trí, show diễn, các dịch vụ khai thác thời gian rảnh rỗi của du khách, các hoạt động giải trí về đêm...

Các địa phương muốn ngày lưu trú của du khách dài hơn, tăng chi tiêu của khách thì bắt buộc phải tăng các hoạt động, mở rộng các hoạt động hệ sinh thái, hướng tới nhu cầu khách nhỏ lẻ. Càng tập trung vào khách cao cấp hoặc khách tự đi thì sẽ thu được nhiều lợi ích kinh tế hơn. 

"Theo quan sát của tôi, tại các điểm đến mà thu lợi kinh tế từ du lịch, du khách chi tiêu nhiều là bởi các hoạt động, dịch vụ phục vụ nhiều, không để du khách có thời gian trống nhiều.

Nhìn sang các nước trong khu vực như Thái Lan, Singapores, Malaisya. Họ có hệ sinh thái sản phẩm rất đa dạng, phong phú và sôi động, điều này đã hướng tới việc du khách sẽ phải chi tiêu nhiều. Từ các sản phẩm mỹ nghệ, quà lưu niệm tới các hoạt động như show diễn, giải trí về đêm đến việc hỗ trợ chính sách, thủ tục, miễn thuế…

Bên cạnh đó nguồn khách của họ cũng đa đạng hơn Việt Nam. Bản thân nguồn khách cũng chỉ ra khách ở thị trường nào thì chi tiêu nhiều, khách thị trường nào thì chi tiêu ít. Với khách Nga, Hàn Quốc, Trung Quốc đến Việt Nam thường đi theo hệ sinh thái lữ hành của họ, mọi chi tiêu đều gói gọn trong tour lữ hành đó nên chi tiêu bên ngoài gần như không có, cũng vì vậy mà chi tiêu của khách đi theo tour lữ hành này sẽ rất ít", ông Cao Trí Dũng cho biết.

Giải pháp nào để du khách chịu "móc hầu bao" chi nhiều tiền? - Ảnh 7.

Vườn mận tại huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La. Mận đã hết hoa và đang ra quả, lá xanh biếc, tạo nên không gian thật mát mắt. Ảnh chụp ngày 11/1/2023, Huy Hoàng

Theo ông Cao Trí Dũng, hiện nay Việt Nam cũng có nhiều điểm đến có hệ sinh thái sản phẩm đa dạng, trong đó có Đà Nẵng. Có thể nói Đà Nẵng là một trong những điểm đến có hệ sinh thái sản phẩm rất phong phú khiến du khách không bị chán. 

"Du khách đến Đà Nẵng có thể đến Hội An, Bà Nà, Mỹ Sơn, Cù Lao Chàm, Ngũ hành Sơn, Núi thần Tài, Huế…đó là về tài nguyên còn về các hoạt động vui chơi, giải trí cũng rất đa dạng, như Trung tâm thương mại, cửa hàng miễn thuế, các show diễn, tàu thuyền, các hoạt động vui chơi giải trí về đêm, phố đêm ẩm thực…

Và hiện nay Đà Nẵng đang tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch để hướng tới du khách thu nhập cao. Đặc biệt Đà Nẵng đang trình đề án quy hoạch riêng, giành cho du lịch như khu ẩm thực, phố đêm sẽ hoạt động xuyên suốt sau 24h, đồng thời là khu Trung tâm mua sắm lớn miễn thuế và có thuế giành cho du khách trong nước và du khách nước ngoài", ông Cao Trí Dũng nói.

Giải pháp nào để du khách chịu "móc hầu bao" chi nhiều tiền? - Ảnh 8.

Du khách đổ bộ về Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục chờ đềm ngược đón năm 2023. Ảnh: Huy Hoàng



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem