Giám đốc Công ty mía đường Sóc Trăng: "Có những vụ mía chúng tôi tồn kho tới 90%"

Ong Lý Thứ ba, ngày 01/12/2020 10:48 AM (GMT+7)
Ông Trần Ngọc Hiếu, Tổng Giám đốc Công ty mía đường Sóc trăng cho biết, nhiều vụ sản xuất công ty chỉ bán được 10%, còn lại tồn kho tới 90% sản lượng.
Bình luận 0

Tại Hội thảo: "Giải pháp cho ngành mía đường Việt Nam trong tình hình mới", đại diện nhiều doanh nghiệp sản xuất mía, nông dân trồng mía đã nêu ra những khó khăn, kiến nghị tới Chính phủ và các bộ ban ngành. 

Diện tích và sản lượng thu mua ngày càng giảm mạnh

Ông Trần Ngọc Hiếu, Tổng Giám đốc Công ty mía đường Sóc Trăng cho biết, hiện tại thực trạng vùng nguyên liệu sản xuất mía đường ở Sóc Trăng đang ngày càng giảm mạnh. Cụ thể, năm 2017 là 8.400 ha đến năm 2018 là 7.000 ha, đến năm 2019 là 4.800 ha.Năm nay, hiện tại chỉ còn khoảng 2.400 ha và dự kiến năm 2021 chỉ còn dưới 2.000 ha.

Diện tích mía 2020-2021 giảm đến 72% so với 2017-2018 dẫn đến việc thu mua giảm sản lượng tương ứng của công ty.

Về sản lượng thu mua cũng theo lũy kế giảm dần, cụ thể là năm 2017, công ty thu mua được 476.000 tấn, năm 2018 thu mua được 257.000 tấn, năm 2019 thu mua được 249.000 tấn và năm 2020 thu mua giảm còn 170.000 tấn.

Theo đó, thu nhập bình quân của người dân theo diện tích mía là năm 2017 lỗ 5 triệu đồng/ha, năm 2018 lỗ 8,4 triệu/ha, năm 2019 lỗ 200.000 đồng/ha, đến năm 2020 thì người dân huề vốn.

Theo ông Hiếu, nguyên nhân khiến sản lượng liên tục giảm là do ảnh hưởng của hàng nhập lậu, của gian lận thương mại, ngoài ra còn do sự biến tướng trong sản xuất.

Giám đốc Công ty mía đường Sóc Trăng: "Có những vụ mía chúng tôi tồn kho tới 90%" - Ảnh 1.

Ông Trần Ngọc Hiếu, Tổng Giám đốc Công ty mía đường Sóc Trăng phát biểu tại Hội thảo.

“Tôi cũng điểm thêm một số vấn đề trong việc “hấp hối” của các doanh, ví dụ trong công ty chúng tôi là khi bắt đầu đường lọc là đường tồn kho của chúng tôi lập tức có khách hàng mua ngay, thậm chí là bán được hàng trăm tấn mỗi ngày. Nếu im ắng đường lọc và các đường khác bao phủ hết thị trường, đó chính là khó khăn nhất của các doanh nghiệp mía đường như chúng tôi”, ông Hiếu nói.

Theo vị giám đốc khiến diện tích, số lượng thu mua mía đường ngày càng giảm là do đường Thái Lan nhập chính ngạch nhập với giá thấp cạnh tranh không lành mạnh với đường của Việt Nam.

Một trong những nguyên nhân khiến người dân bị thua lỗ và cũng có những chi phí không thể thay đổi một sớm một chiều được, ngoài ra phần lớn vùng nguyên liệu nhỏ lẻ, manh mún.

“Chúng tôi cũng đã đầu tư chuyên sâu phát triển vùng nguyên liệu, đồng thời tái cơ cấu tự đồng bộ Hội đồng quản trị và cải tiến công nghệ chế biến để hội nhập tốt hơn. Tuy nhiên, trước thực trạng tiền không có thậm chí, có những vụ chúng tôi chỉ bán được 10% trong suốt vụ sản xuất, tồn kho tới 90%. Chạy ăn từng bữa, chạy lương ,chạy bảo hiểm cho nhân viên thì thực trạng hiện tại vẫn khiến doanh nghiệp và nông dân trồng mía vẫn gặp rất nhiều khó khăn.”, ông Hiếu nói.

Cần sớm áp dụng các biện pháp chống bán phá giá

Về các giải pháp cải thiện tình trạng này, ông Hiếu cho biết, 2 năm qua, Công ty Mía đường Sóc trăng làm một bước đột phá là xây dựng chính sách để vực lại vùng mía Sóc Trăng,tăng thu nhập cho bà con. Thứ nhất về giá mía đã có giá bảo hiểm là 850 đồng/kg mía tại ruộng, trước đó năm 2019 chỉ mua từ 750-800 đồng/kg mía.

Ngoài ra, toàn bộ định mức đầu tư cho một người dân trên 1 diện tích là 30 - 40 triệu đồng gồm giống, phân bón, thuốc bảo vệ, đồng thời công ty cũng hộ trợ nhân viên trình diễn tập huấn, hướng dẫn người dân chăm sóc, trồng cây mía.

“Trên diện tích giá kia chúng tôi không tính lãi suất, ngoài ra hỗ trợ cho người dân hỗ trợ 2,5 triệu để người dân giữ diện tích sản xuất”, ông Hiếu nói.

Về các giải pháp, kiến nghị dưới góc độ doanh nghiệp ông Trần Ngọc Hiếu nói: “Xin Chính phủ và các bộ ngành thực hiện quyết liệt về vấn đề buôn lậu, hàng giả và chống gian lận thương mại. Bộ Công Thương cần điều tra và sớm áp dụng biện pháp chống bán phá, trợ cấp với sản phẩm đường từ các nước khác nhất là từ Thái Lan để tạo sân chơi cạnh tranh công bằng lành mạnh, để tạo điều kiện chúng tôi thu mua giá mía của người dân được cao hơn.

Thứ hai, cần có chính sách khuyến nông để hỗ trợ cho cây mía, đặc biệt là giao thông để vận chuyển mía dễ dàng hơn.

Thứ ba đề nghị các ngân hàng thương mại tạo điều kiện cho các công ty trồng, sản xuất mía vay bằng cách tín chấp nhưng chỉ tín chấp một phần tài sản, không tính lãi với các khoản vay đầu tư như giống, nguyên liệu và nhân công. Áp dụng lãi suất ưu đãi với các khoản vay thu mua mía cho dân”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem