Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Clip: Anh Quàng Văn Trung, Giám đốc HTX Nông nghiệp An Phú, thành phố Sơn La chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc cây thanh long.
Trong những ngày mưa, nắng thất thường gần cuối tháng 8, chúng tôi đến thăm vườn thanh long ruột đỏ của anh Trung ở thành phố Sơn La. Hiện lên trước mắt chúng tôi là những quả thanh long đang vào chính vụ chín đỏ tỏa hương thơm, tuy diện tích không bạt ngàn lên đến hàng chục nghìn m2 như của nhiều hộ dân khác nhưng chúng tôi thực sự ấn tượng với cách làm và hiệu quả kinh tế mà cây thanh long do chính đôi bàn tay anh Trung dày công vun trồng, chăm sóc cẩn thận gần 10 năm nay đem lại.
Với dáng người cao, nhanh nhẹn, hoạt bát, khẽ lau những giọt mồ hôi trên khuôn mặt sau một buổi sáng sớm lao động vất vả. Rót chén trà mời khách, anh Trung, kể: Vốn ước mơ trở thành một kỹ sư điện nên khi tốt nghiệp THPT tôi thi đỗ vào Trường Đại học Thái Nguyên với chuyên ngành Hệ thống điện. Năm 2008, tốt nghiệp cử nhân ngành Hệ thống điện. Vác tấm bằng trở về quê hương, tôi xin vào làm tại thủy điện Nậm Khốt (xã Ngọc Chiến, huyện Mường La).
"Tại thủy điện Nậm Khốt, tôi được phân công giữ chức vụ Trưởng ca vận hành Hệ thống điện trong nhà máy thủy điện, với mức lương 8 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, năm 2012 khi lập gia đình, do vợ, chồng tôi mỗi người ở một nơi, cùng với đó là đường xá đi lại xa. Do vậy, năm 2013, tôi xin nghỉ ở nhà máy thủy điện để tìm hướng đi mới riêng cho bản thân". Anh Trung nói.
Những năm tháng ở trong nhà máy thủy điện đã giúp anh Trung có thêm thời gian quý báu để tìm tòi, nghiên cứu về nông nghiệp và các loại giống cây trồng thông qua mạng Internet để tạo tiền đề cho sau này.
Năm 2012, anh Trung đã tìm mua giống thanh long Đài Loan ở dưới Hà Nội về trồng thử nghiệm trên đất vườn của gia đình, với 70 trụ. Nhưng do thời tiết khí hậu không hợp nên khi anh Trung mua về trồng được 1 năm cho ra hoa nhưng không đậu quả hoặc đậu thì số lượng quả rất ít, quả bé, hiệu quả kinh tế không cao.
Năm đầu tiên thất bại trồng giống thanh long Đài Loan, nhưng anh Trung vẫn không nản lòng, với sự ham học hỏi, quyết tâm tìm cách khắc phục khó khăn. Đồng thời, tìm hiểu thêm trên mạng Internet, các kênh truyền hình nông nghiệp, báo chí… để có thêm kiến thức sâu hơn về nông nghiệp, cách trồng thanh long.
Năm 2013, anh Trung cùng một người bạn đã lặn lội đường xa xuống tận tỉnh Bình Thuận để tìm mua giống thanh long ruột đỏ Long Định (H14) về trồng.
Anh Trung, chia sẻ: Do đường xa nên thời điểm đó, tôi chỉ mua được 400 hon giống thanh long Long Định, với tổng kinh phí hết trên 20 triệu đồng về Sơn La. Đây là giống thanh long cây bố có nguồn gốc xuất xứ từ Colombia (Mỹ) nhập về Việt Nam lai với cây thanh long ruột trắng tạo thành cây thanh long Long Định (H14). Được người dân đánh giá là quả ngọt, thơm, cho hiệu quả kinh tế cao.
Theo anh Trung, khi mang giống về địa phương, anh đã đầu tư trụ bằng xi măng cốt thép chắc chắn và trồng được 100 trụ thanh long. Thời gian đầu cũng gặp rất nhiều khó khăn do khí hậu, thổ nhưỡng ở Sơn La khác với vùng đất Bình Thuận. Để cây thanh long dần thích nghi với khí hậu ở đây, anh Trung vừa làm, vừa học hỏi từ những người trồng thanh long đi trước. Đặc biệt là học trên mạng Internet, sách, báo và thông qua các lớp tập huấn do Hội Nông dân các cấp tổ chức… Nhờ đó, đến nay, gia đình anh Trung có 300 trụ thanh long ruột đỏ.
Cây thanh long ở Sơn La được trồng đón nắng mặt trời
Gần 10 năm gắn bó với cây thanh long ruột đỏ, không chỉ giúp anh Trung có thêm thu nhập, thành lập được HTX, rồi sau đó được công nhận đạt chuẩn VietGAP. Hành trình đó, đã giúp anh Trung tích lũy được rất nhiều kinh nghiệm chăm sóc, cách làm hiệu quả. Đặc biệt là muốn nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm thì việc mà anh Trung hướng đến chính là trồng thanh long trái vụ theo ý của bản thân. Tuy nhiên, để trồng được cây thanh long trái vụ, thì việc chọn cách trồng cây thanh long theo hướng ánh nắng mặt trời mọc và lặn là yếu tố quyết định.
Chia sẻ về bí quyết chọn cách trồng như vậy, anh Trung bộc bạch: Việc trồng sao cho phù hợp với khí hậu, đất đai ở địa phương, từ những kinh nghiệm của người làm nông, bằng sự quan sát thực tế trong nhiều năm qua tôi đã hiểu được đặc điểm sinh trưởng của cây thanh long. Bởi nếu muốn có được những quả thanh long trái vụ thì điều quan trọng nhất là khi bắt đầu trồng phải quan sát xem mặt trời mọc và lặn theo hướng nào.
Từ đó, điều chỉnh các trụ trồng thanh long phù hợp theo hướng hội tụ đầy đủ ánh sáng nhất. Với cách làm này, khi cây thanh long cho ra hoa, nhất là giai đoạn vào mùa đông khí hậu rất lạnh, chồi hoa thanh long phải được hấp thụ đầy đủ những ánh sáng của mặt trời chiếu xuống mới cho đậu quả. Ngoài ra, trong vườn thanh long không được trồng các loại cây có tán rộng, cao để tránh tình trạng che khuất ánh sáng cho cây thanh long.
Để có cách làm hiệu quả như vậy, anh Trung đã phải mất 6 năm để nghiên cứu, thậm chí thức trắng đêm để nghĩ xem trồng như thế nào mới đem lại hiệu quả kinh tế cao nhất. Ngoài cách làm trên, anh Trung còn trồng thêm loại cỏ lạc dại xung quanh gốc thanh long, đây là loại cỏ mọc dày, thấp, giữ được độ ẩm, cố định chất đạm cho cây thanh long. Đồng thời, để tránh các loại cỏ dại khác mọc lên và ngăn rửa trôi đất dốc rất hiệu quả.
Với nhiều người trồng thanh long ở vùng đất Sơn La, trồng và chăm sóc sao cho hiệu quả đã khó, việc bắt cây thanh long từ lúc ra nụ thành hoa, đậu quả theo đúng ngày rằm và ngày mùng một (âm lịch) càng khó hơn gấp nhiều lần. Ấy thế mà anh Quàng Văn Trung, một nông dân thực thụ đầy năng động, nhiệt huyết sau nhiều năm gắn bó với cây thanh cũng như nắm bắt tâm lí của người tiêu dùng đã thành công với bí quyết có một không hai ở vùng đất Sơn La.
Anh Trung, bảo rằng: Với vẻ ngoài thanh nhã, sang trọng, thanh long là một trong các loại quả được các bà mẹ lựa chọn để trang trí trên bàn thờ gia tiên. Màu đỏ hồng đẹp mắt, thanh long được bày khéo léo sẽ tạo sự hài hòa, bắt mắt về màu sắc. Bên cạnh đó, nó còn mang ý nghĩa thể hiện mong muốn phát tài, phát lộc của gia chủ.
Trái thanh long có hình thù độc đáo như rồng mây hội tụ nên mang ý nghĩa tâm linh vô cùng sâu sắc, ấn tượng. Chính vì thế, người ta thường lựa chọn loại trái cây này để thắp hương nhằm ngụ ý thể hiện sự phát tài, phát lộc và tốt cho sức khỏe con người.
Nắm bắt được nhu cầu của người tiêu dùng, trải qua nhiều năm chăm sóc cũng như tập tính của cây thanh long từ lúc ra nụ đầu tiên cho đến lúc đậu quả rồi chín anh phải theo dõi rất kỹ, ghi chép cụ thể, khoảng thời gian như vậy mất 55 ngày mới được thu hái. Từ việc nắm bắt thời gian sinh trưởng quả thanh long, anh Trung đã tính toán để những trái thanh long từ lúc cây thanh long bắt đầu ra nụ cho đến đậu quả chín đúng vào ngày rằm hoặc ngày mùng một theo cách của riêng mình.
Để làm được điều này, theo anh Trung khi cây thanh long ra nụ đầu tiên, anh Trung sẽ bắt đầu đếm ngày về trước, nếu quả thanh long chín trước rằm hoặc ngày mùng một thì bắt buộc phải bẻ nụ đó đi và chỉ để đúng những nụ sẽ ra hoa, đậu quả chín đúng theo như tính toán để trùng ngày rằm hoặc ngày mùng một.
Ưu điểm của cách chọn đúng ngày chín quả thanh long đúng theo ngày được rất nhiều người ưa chuộng, giá thành cao. Vì quả thanh long chín đúng ngày thường sẽ tươi đỏ, đẹp, bắt mắt hơn, không bị héo như những quả đã hái trước ngày thắp hương cúng rằm, mùng một (âm lịch).
Bên cạnh đó, vào mùa mưa khi những hoa thanh chưa bung nở thay vì lấy dây nịt để buộc lại, anh Trung đã tận dụng những cốc nhựa loại 1 lít để đi từng gốc thanh long chụp vào hoa. Anh chỉ chụp vào buổi chiều muộn khi ánh nắng phai dần, sau khi chùm như vậy được 3 ngày sau cốc nhựa sẽ tự bung ra khỏi hoa thanh long do hoa bung nở. Cách làm này giúp hoa thanh long không bị bó, nước mưa dội vào phấn, đậu quả đẹp, cho năng suất, chất lượng cao hơn.
Từ cách chọn trồng thanh theo hướng mặt trời và chọn ngày rằm, mùng một để thu hái quả thanh long đã cho hiệu quả ngoài mong đợi. Với 300 trụ thanh long ruột đỏ cho thu hoạch quanh năm, mỗi tháng anh Trung xuất bán 2 tấn quả, với giá bán từ 15 - 40 nghìn đồng/kg, có thời điểm lên đến 50 nghìn đồng/kg, gia đình anh Trung thu về hơn 30 triệu đồng/tháng.
Để liên kết các hộ dân tham gia sản xuất tập trung, tháng 10/2019, HTX Nông nghiệp An Phú được thành lập do anh Trung làm Giám đốc, đến nay, HTX có 25 thành viên. Hiện các thành viên đã chuyển đổi từ trồng ngô sang trồng cây ăn quả. Quá trình chuyển đổi sản xuất, thành viên có kinh nghiệm đã hướng dẫn, chia sẻ kỹ thuật với các hộ trồng mới. Các hộ đã lựa chọn những giống cây ăn quả chín muộn, thực hiện trồng mới hoặc ghép cải tạo với các giống cây trồng phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng địa phương để đem lại năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao.
Anh Quàng Văn Trung, Giám đốc HTX Nông nghiệp An Phú, cho biết: Đến nay, các thành viên đã trồng mới thêm 5 ha thanh long ruột đỏ; trồng mới 5 ha na Hoàng Hậu và na Đài Loan; ghép cải tạo mận địa phương sang giống mận tím chín sớm ở Lào Cai; ghép cải tạo các giống bơ Booth 7, sáp muộn và bơ Pinkerton. Tháng 9/2020, toàn bộ diện tích 40 ha cây ăn quả của HTX đã được công nhận đạt chuẩn VietGAP, gồm: 5 ha thanh long ruột đỏ; 5 ha bơ, 5 ha na và 25 ha mận tím chín sớm.
Từ đầu vụ đến nay, HTX đã thu hoạch được khoảng 200 tấn quả các loại. Ngoài ra, HTX còn hỗ trợ kỹ thuật một số hộ thành viên của HTX Ngọc Hoàng và HTX Thành Công (Mai Sơn); cung cấp giống và hỗ trợ kỹ thuật cho một số hộ trồng thanh long tại các xã Hua La, Chiềng Xôm (thành phố) và huyện Thuận Châu, thu mua bao tiêu sản phẩm cho các hộ có nhu cầu. Hiện thu nhập bình quân mỗi thành viên trong HTX đạt trung bình khoảng 200 triệu đồng/năm.
Anh Cầm Minh Thanh, thành viên HTX An Phú, bảo: Nhận thấy việc trồng thanh long của anh Trung đem lại hiệu quả kinh tế cao, tôi đã xin tham gia HTX và được anh Trung hỗ trợ giống, kỹ thuật trồng, chăm sóc. Năm 2020, gia đình tôi đã bỏ khoảng 60 triệu đồng để đầu tư trồng 200 trụ thanh long ruột đỏ, nhờ vậy chỉ sau một năm tôi đã thu hồi vốn. Với hiệu quả như vậy, hiện gia đình tôi đang trồng thêm 150 trụ nữa để góp phần nâng cao thu nhập cho gia đình.
Chúng tôi chia tay anh Trung khi những cuộc gọi của những hộ dân trồng thanh long ở địa phương khác đang cần anh Trung tư vấn về kỹ thuật, hướng dẫn quy trình chăm sóc cây thanh long. Với những bước đi đúng hướng của anh Trung, chúng tôi tin rằng đây sẽ cách làm hay, hiệu quả giúp bà con nông dân Sơn La chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, hỗ trợ nhau bao tiêu sản phẩm... góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tạo việc làm và thu nhập cho người dân ở vùng cao Sơn La.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.