Giảm đóng BHXH xuống 10 năm nhưng phải đảm bảo mức lương hưu tối thiểu
Về vấn đề này, PV Báo Dân Việt đã có cuộc trao đổi với ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội về những ưu, nhược điểm của những điểm mới này trong Dự thảo Luật BHXH sửa đổi đang được Bộ LĐTBXH trình lấy ý kiến.
Thực hiện tốt chính sách BHXH nhưng vẫn còn tồn tại
Ông đánh giá thế nào về việc thực hiện Luật BHXH thời gian qua?
- Thời quan qua, việc thực hiện chính sách BHXH nói chung và Luật BHXH năm 2014 nói riêng khá tốt. Nhìn chung doanh nghiệp, người lao động đều tuân thủ. Tuy nhiên, bên cạnh những điểm tích cực việc thực hiện chính sách BHXH vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Tỉ lệ người được quy định tham gia BHXH bắt buộc còn thấp, số người tham gia BHXH tự nguyện cũng chưa cao. Tính đến năm 2020, mới chỉ có gần 33,5% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH, vẫn còn gần 32 triệu người trong lực lượng lao động trong độ tuổi lao động (khoảng 66,5%) chưa tham gia BHXH.
Bên cạnh đó, các chế độ thai sản, ốm đau... cho lao động cũng bộc lộ nhiều điểm thiếu. Chính bởi vậy, để thực hiện hóa mục tiêu đến năm 2030, có khoảng 60% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH theo tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW thì cần có những giải pháp căn bản về cả chính sách và công tác tổ chức thực hiện chính sách.
Vì thế, việc Bộ LĐTBXH tổng kết đánh giá thực hiện Luật BHXH hướng tới sửa đổi bổ sung Luật BHXH là việc cần thiết.
Giảm thời gian đóng BHXH xuống 10 năm là nhân văn
Một trong những điểm mới trong Dự thảo Luật BHXH sửa đổi là giảm thời gian đóng BHXH xuống còn 10 năm để lao động cao tuổi có thể về hưu. Ông đánh giá thế nào về nội dung này?
- Việc thực hiện nội dung này là thực hiện theo tinh thần Nghị quyết 28 của Trung ương về cải cách chính sách BHXH. Theo đó, sửa đổi theo hướng lao động có thể giảm đóng theo lộ trình từ 20 năm xuống 15 năm và 10 năm khi có điều kiện. Quan trọng nhất là Luật BHXH sửa đổi lần này có đề cập tới vấn đề cho lao động đóng trước 5 năm, và đóng sau 5 năm để lao động đủ tuổi về hưu.
"Cần hướng tới thực hiện BHXH toàn dân, để ai về hưu cũng có thu nhập không bị phụ thuộc vào con cái. Tinh thần là thà có còn hơn không, thà lương hưu thấp một chút nhưng còn hơn không có. Nói thế nhưng vẫn phải cân đối để lương hưu đảm bảo sống tối thiểu".
Ông Bùi Sỹ Lợi
Nội dung này khá nhân văn, nhưng nhiều người vẫn lo ngại thời gian đóng ngắn, thì hưởng thấp. Một bộ phận người già sẽ nhận mức lương hưu "chết đói" như hiện nay?
- Tôi cho rằng đây là nội dung nhân văn, nhằm hướng tới tăng độ bao phủ BHXH, thực hiện sàn an sinh xã hội. Đương nhiên, đóng ít thì hưởng ít, chứ đóng ít hưởng nhiều thì không đúng tinh thần thực hiện BHXH có đóng có hưởng. Vì thế đơn vị ra chính sách cần tính toán cẩn thận đảm bảo để tạo sự cân đối trong mức đóng và mức hưởng để dù đóng thời gian ngắn, nhưng lao động vẫn có thể đảm bảo được nhận mức lương hưu tối thiểu để lao động ổn định cuộc sống khi về hưu.
Mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc là cần thiết
Ngoài nội dung trên, dự thảo còn đề cập tới việc mở rộng nhóm đối tượng đóng BHXH bắt buộc. Điều này có thực sự cần thiết?
- Hiện nay, tỉ lệ tham gia BHXH bắt buộc của nhiều nhóm được quy định đóng bắt buộc như: Lao động nước ngoài, lao động có hợp đồng từ 1-3 tháng, lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài... vẫn còn quá thấp, chưa được 50% số lao động có hợp đồng lao động. Chính bởi vậy nên việc có ý kiến lo ngại việc mở rộng nhóm đối tượng đóng BHXH bắt buộc sang hộ kinh doanh cá thể, lao động quản lý trong hợp tác xã... khó khả thi.
Tuy nhiên, tôi cho rằng điều này hoàn toàn khả thi bởi chúng ta đang tiến tới thực hiện mục tiêu bảo hiểm xã hội toàn dân, trong đó có cả BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện. Vì thế người nào trong đối tượng phải tham gia bắt buộc thì phải tham gia, không tham gia sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, cũng cần có giải pháp thu hút nhóm lao động chưa có quan hệ lao động (khoảng 30 triệu người) tham gia BHXH tự nguyện để về già có lương hưu.
Điểm mới lớn nhất, giá trị nhân văn cao nhất trong Dự thảo Luật BHXH sửa đổi lần này là gì, thưa ông?
- Tôi cho rằng điểm mới, nhân văn nhất chính là ban soạn thảo đã soạn thảo nội dung sửa đổi trên tinh thần mọi người dân đều được tham gia BHXH, để tất cả lao động đều có lương hưu. Thứ hai là luật cần được thiết kế gần gũi, dễ ứng dụng, dễ làm để cơ sở thuận tiện triển khai nhằm hướng tới phục vụ tốt nhất cho người dân.
Xin cảm ơn ông!
Vui lòng nhập nội dung bình luận.