Hộ kinh doanh cá thể, lao động, quản lý hợp tác xã... sẽ tham gia đóng BHXH bắt buộc?

Thùy Anh Thứ hai, ngày 19/04/2021 14:35 PM (GMT+7)
Hiện nay BHXH bắt buộc gần như đã bao phủ toàn bộ nhóm lao động, thế nhưng tỷ lệ người tham gia vẫn thấp. Đây chính là lí do khiến Bộ LĐTBXH đề xuất mở rộng nhóm đối tượng tham gia BHXH bắt buộc trong Dự thảo Luật BHXH sửa đổi đang được trình Chính phủ và các bộ ngành lấy ý kiến.
Bình luận 0

Tham gia BHXH bắt buộc với nhiều nhóm đối tượng còn thấp

Trước đây, Luật BHXH năm 2014 bổ sung quy định tham gia BHXH bắt buộc đối với 3 nhóm đối tượng, bao gồm: Người làm việc theo hợp đồng lao động từ 1 đến dưới 3 tháng; Người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn; Lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam.

Tuy nhiên, số lượng đối tượng thuộc diện trên tham gia BHXH bắt buộc chưa được như kỳ vọng. Cụ thể số người làm việc theo hợp đồng lao động từ 1 đến dưới 3 tháng tính đến cuối năm 2019 chỉ có 13.533 người. Con số này chỉ chiếm khoảng 0,1% số người tham gia BHXH bắt buộc.

Bộ LĐTBXH đang đề xuất các  đối tượng thuộc hộ kinh doanh cá thể như: Hộ sản xuất kinh doanh bún; bán cửa hàng tạp hóa... phải đóng BHXH bắt buộc. Ảnh: N.T

Nhóm lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam tham gia BHXH chưa nhiều. Ảnh:N.T

Tương tự người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn tham gia BHXH giai đoạn 2017 - 2020 lần lượt là: 137.131; 132.601; 129.155 và 116.403. Con số này giảm qua mỗi năm là do chính sách tinh giản biên chế. Tuy nhiên, mức trung bình cũng chỉ chiếm khoảng 0,9% tổng số người tham gia BHXH bắt buộc. Một bộ phận những người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn (khoảng 40 nghìn người) chuyển từ tham gia BHXH tự nguyện sang tham gia BHXH bắt buộc nên số tăng mới thực sự chỉ khoảng 80 nghìn người.

Bên cạnh đó, một số địa phương cho rằng việc quy định nhóm này tham gia BHXH bắt buộc ở 02 chế độ với mức đóng bằng 01 lần mức lương cơ sở là hẹp về quyền lợi (thiếu các chế độ ngắn hạn) và thấp về mức hưởng kỳ vọng (so với việc tùy chọn mức thu nhập tháng làm căn cứ đóng BHXH tự nguyện trong giai đoạn 2008 - 2015).

Số lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam tham gia BHXH cũng rất ít. Trong 3 năm qua (2018 - 2020), số người nước ngoài tham gia BHXH bắt buộc tăng dần, cụ thể lần lượt là 37.052, 68.178, 69.542 người, chiếm khoảng 70% số người nước ngoài làm việc theo giấy phép tại Việt Nam. Sở dĩ số tham gia không đầy đủ 100% là do hiện mới quy định những đối tượng làm việc theo hợp đồng lao động từ đủ 12 tháng trở lên mới thuộc diện tham gia.

Về quy mô tham gia BHXH trên thực tế: Tính đến năm 2020, mới chỉ có gần 33,5% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH, vẫn còn gần 32 triệu người trong lực lượng lao động trong độ tuổi lao động (khoảng 66,5%) chưa tham gia BHXH.

Nhóm người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài tham gia BHXH cũng rất thấp chỉ chiếm 1,4 % tổng số người đi làm việc. Hiện cả nước có khoảng trên dưới 650 nghìn người làm tại hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ (số liệu năm 2019).

Riêng nhóm chủ hộ kinh doanh cá thể; người quản lý doanh nghiệp; người quản lý điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương; Người tham gia trong nền kinh tế chia sẻ như: Lái xe ôm công nghệ, cộng tác viên bán hàng, cho thuê lao động... chưa thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc.

Sẽ mở rộng thêm nhóm lao động kinh doanh cá thể, hợp tác xã... đóng BHXH bắt buộc

Chính vì số người tham gia BHXH bắt buộc còn thấp, vì thế để thực hiện mục tiêu đến năm 2030, có khoảng 60% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH theo tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW, Bộ LĐTBXH sẽ tiếp tục mở rộng đối tượng tham gia.

Cụ thể tại Dự thảo Luật BHXH sửa đổi lần này, Bộ đề xuất mở rộng với một số nhóm đối tượng có điều kiện và khả năng như chủ hộ kinh doanh cá thể; người quản lý doanh nghiệp; người quản lý điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương;... Quy định cụ thể việc tham gia BHXH bắt buộc đối với người lao động làm việc không trọn thời gian; bổ sung quy định việc tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với trường hợp công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã đồng thời là người giao kết hợp đồng lao động.

Bộ LĐTBXH đang đề xuất các  đối tượng thuộc hộ kinh doanh cá thể như: Hộ sản xuất kinh doanh bún; bán cửa hàng tạp hóa... phải đóng BHXH bắt buộc. Ảnh: N.T

Bộ LĐTBXH đang đề xuất các đối tượng thuộc hộ kinh doanh cá thể như: Hộ sản xuất kinh doanh bún; bán cửa hàng tạp hóa... phải đóng BHXH bắt buộc. Ảnh: N.T

Để mở rộng đối tượng, Dự thảo luật BHXH sửa đổi lần này cũng hướng tới điều chỉnh quy định điều kiện hưởng BHXH một lần. Lộ trình tiến tới chỉ giải quyết đối với người lao động khi đã hết tuổi lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng lương hưu mà không có nhu cầu đóng tiếp. Tuy nhiên, có tính tới loại trừ trường hợp ra nước ngoài để định cư hợp pháp hoặc mắc bệnh hiểm nghèo mà có nhu cầu nhận một lần hoặc quy định trường hợp chưa hết tuổi lao động mà nhận BHXH một lần thì mức hưởng thấp hơn.

Giải pháp thứ 2 để mở rộng đối tượng tham gia BHXH là bổ sung các quyền lợi ngắn hạn (trước mắt). Thực hiện tăng mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước nhằm tăng tính hấp dẫn, thu hút tạo điều kiện để người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Thứ 3 là sửa đổi điều kiện hưởng chế độ hưu trí theo hướng giảm dần số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm xuống 15 năm, hướng tới còn 10 năm với mức hưởng được tính toán phù hợp nhằm tạo điều kiện cho người lao động cao tuổi, có số năm tham gia bảo hiểm xã hội thấp được tiếp cận và thụ hưởng quyền lợi bảo hiểm xã hội.                


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem