Thuỳ Anh
Thứ năm, ngày 02/06/2022 09:25 AM (GMT+7)
Ngoài việc vận động không hút/bỏ hút thuốc lá, nhiều chuyên gia cho rằng để phòng chống tác hại thuốc lá thì cần giảm diện tích gieo trồng, vận động nông dân chuyển đổi từ cây thuốc lá sang cây trồng khác...
Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm xây dựng nơi làm việc không khói thuốc lá và phát động thi đua không khói thuốc lá nơi làm việc vừa được Quỹ phòng chống tác hại thuốc lá và Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NNPTNT) phối hợp tổ chức.
Bác sĩ Lê Thị Ngát đến từ Bệnh viện Nông nghiệp một lần nữa khẳng định tác hại của thuốc lá qua bài báo cáo trước hội nghị. Bác sĩ Ngát cho biết dù Luật Phòng chống tác hại thuốc lá có từ năm 2013, nhưng việc triển khai thực tế còn gặp nhiều khó khăn. Thuốc lá trở thành thành tố "giết người hợp pháp".
Ngày 31/5 hàng năm được Tổ chức Y tế thế giới lấy làm Ngày Thế giới không thuốc lá. Năm 2022 thông điệp, chủ đề chính của ngày này là: "Thuốc lá - mối đe dọa tới môi trường của chúng ta".
"Theo báo cáo của Bộ Y tế, Việt Nam có 47% số nam giới là người hút thuốc lá, nữ giới là 1,4%, con số này dù giảm so với trước nhưng vẫn còn khá nhiều" - bác sĩ Ngát đánh giá.
Vì sao đã có những lời cảnh báo về tác hại ghê gớm của thuốc lá mà nhiều người vẫn hút thuốc? Nguyên nhân hút thuốc lá có rất nhiều, nhưng cũng có những lý do đến từ việc bận rộn, bị căng thẳng, stress... nên tìm đến thuốc lá để "giải khuây".
Ông Lê Đức Thịnh - Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn cho rằng với những nghiên cứu khoa học và những cảnh báo được tuyên truyền phổ biến, ai trong chúng ta cũng đều biết hút thuốc lá chỉ có hại chứ không có lợi. Việc hút thuốc lá không chỉ ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe người hút mà còn ảnh hưởng tới những người xung quanh. Mặc dù trên mỗi bao thuốc đều có dòng chữ "Hút thuốc lá có thể gây ung thư phổi" nhưng hầu như những người hút thuốc lá đều bỏ qua lời cảnh báo này.
Cần phải bảo vệ lợi ích của người dân
Để giảm thiểu tác động của hút thuốc lá, ông Phùng Đức Hiệp - Chánh Văn phòng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NNPTNT) cho rằng, ngoài vấn đề phòng chống tác hại thuốc lá qua việc truyền thông giảm, bỏ thuốc lá, còn cần thực hiện việc giảm thiểu diện tích gieo trồng cây thuốc lá bằng cách chuyển đổi cây trồng và sinh kế cho nông dân.
Đồng tình với quan điểm này, ông Lê Đức Thịnh cho rằng, có 2 vấn đề quan trọng nhất phòng ngừa tác hại của thuốc lá là hạn chế và chấm dứt việc hút thuốc lá trong nhà; đồng thời giảm nguồn cung qua giảm diện tích gieo trồng cây thuốc lá. Song song với đó là việc truyền thông đi đôi với giáo dục. Cuối cùng là thực hiện tốt công tác phối hợp liên ngành trong việc phòng ngừa tác hại của thuốc lá.
"Người trồng cây thuốc lá chủ yếu dựa vào đó tạo nguồn sinh kế chính. Nên khi vận động giảm trồng, bỏ trồng cây thuốc lá thì cũng cần bàn bạc, tìm giải pháp để hỗ trợ nông dân về nguồn sinh kế" - ông Thịnh nói.
Theo ông Thịnh, nguyên tắc cao nhất là phải bảo vệ quyền lợi, lợi ích hợp pháp của người dân, đặc biệt người già và trẻ em. Cần nắm vững nguyên tắc này trong vận dụng để đưa vào thực hiện việc phòng chống tác hại của lá.
Về thực tế ở đơn vị mình, ông Lê Đức Thịnh cho hay: "Trước đây, mỗi chiều thứ 6, lãnh đạo cục phải đi găng tay để nhặt đầu thuốc lá. Nhiều nhân viên trước khi vào trình ký là dập vội thuốc đang hút. Tàn thuốc vứt trong chậu hoa, vứt ở hành lang, trước cửa phòng... Giờ sau nhiều năm đơn vị thực hiện công tác phòng chống tác hại thuốc lá, việc hút thuốc đã giảm rõ rệt.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.