Giật mình học sinh yêu sớm: Lớp 7 sinh con, có em "quan hệ" với nhiều bạn trai từ lớp 8 (bài 4)
Giật mình học sinh yêu sớm: Lớp 7 sinh con, có em "quan hệ" với nhiều bạn trai từ lớp 8 (bài 4)
Tào Nga - Nguyệt Minh
Thứ ba, ngày 11/04/2023 11:16 AM (GMT+7)
Học sinh yêu sớm và con số khiến nhiều phụ huynh giật mình: Đến hết lớp 9, khoảng 10% học sinh từng quan hệ tình dục, hết lớp 12 thì con số này là 39%. Có nữ sinh thừa nhận từng quan hệ với 4 bạn trai, lần đầu tiên vào năm lớp 8.
Học sinh yêu sớm: Mang thai, sinh con ngoài ý muốn
Tình yêu tuổi học trò hiện nay không chỉ dừng lại ở cảm mến nhau, nắm tay nhau hồn nhiên trong sáng, cùng tiến bộ... mà thời gian vừa qua, dư luận đã vô cùng bàng hoàng khi theo dõi nhiều hệ lụy của việc học sinh yêu sớm.
Thạc sĩ, bác sĩ Phan Chí Thành, Chánh Văn phòng Trung tâm đào tạo, Chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Phụ sản Trung ương, Hà Nội chia sẻ từng tiếp nhận một bệnh nhân là nữ sinh lớp 12. Em được mẹ đưa đi khám sau khi phát hiện quan hệ tình dục với bạn trai và có dấu hiệu mắc bệnh phụ khoa.
"Nữ sinh thừa nhận từng quan hệ với 4 bạn trai, lần đầu tiên vào năm lớp 8. Tất cả những lần gần gũi với bạn trai đều không sử dụng bao cao su, tránh thai bằng cách xuất tinh ra ngoài", bác sĩ Thành nói.
Hay một vụ việc khiến nhiều người giật mình khi mới đây một nữ sinh lớp 7, Trường THCS xã An Bá, huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang đã sinh con tại nhà tắm của gia đình. Trước đó, em mang thai vẫn đi học bình thường mà cả bố mẹ và thầy cô không ai biết. Theo thông tin từ gia đình, cô bé học lớp 7 này từng có bạn trai và thường xuyên đi chơi đêm.
Đây không phải là trường hợp hy hữu bởi trước đó cũng có một số nữ sinh 12, 13 tuổi từng nhập viện sinh con. Theo khảo sát của Chương trình sức khỏe vị thành niên tại Việt nam do Bộ Y tế, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Bộ GDĐT, thực hiện và công bố ngày năm 2022, chỉ trong 6 năm, tỷ lệ quan hệ tình dục của trẻ vị thành niên trước 14 tuổi tăng gấp 2 lần, từ 1,45% (năm 2013) lên mức 3,51% (2019). Đây được xem là con số đáng báo động.
Phải cho các em biết bản thân có quyền nói "Không"
Chia sẻ về vấn đề yêu sớm có thể gây ra những hậu quả tiêu cực, PGS.TS Trần Thành Nam cho biết, đây là một vấn đề nóng, đáng nói nhưng lại chưa nhận được sự quan tâm sâu từ xã hội. Đối với ông Nam, chính sự thờ ơ này là một phần nguyên nhân dẫn đến nhiều câu chuyện đáng buồn ở lứa tuổi học sinh, khi các em bắt đầu phát triển tâm sinh lý và có nhu cầu tìm hiểu và bản thân.
PGS Nam bày tỏ: “Thật đáng buồn khi nhìn nhận vào thực trạng bây giờ. Theo báo cáo của Quỹ Dân Số Liên Hợp Quốc 2022 (UNFPA), Việt Nam thuộc nhóm 20 nước có tỷ lệ nạo phá thai vị thành niên cao nhất thế giới. Cứ 300.000 ca nạo phá thai tại Việt Nam thì có đến 30% là phụ nữ từ 15-19 tuổi với 70% là học sinh sinh viên”.
Chia sẻ về nguyên nhân dẫn đến những con số báo động này, ông Nam cho biết, một phần nguyên nhân là do môi trường xã hội, môi trường nuôi dưỡng đang có xu hướng làm cho học sinh dậy thì sớm hơn. Điều này dẫn đến tình trạng các em phát triển nhanh hơn nhưng không song song với việc có đủ kiến thức về giáo dục giới tính. Các em đang tiếp nhận nhiều thông tin xấu độc trên mạng xã hội hơn là những thông tin trong sạch.
Một góc nhìn khác, có thể thấy học sinh ngày này càng ngày càng bị cô đơn hơn do đủ mọi loại áp lực. Tình yêu tình dục cũng là cách để họ giải tỏa, cách thức để chống đối lại áp lực của trường học hay của bố mẹ.
Cùng với đó, nhiều bạn trẻ đang nhầm lẫn về khái niệm tình yêu, cho rằng tình yêu phải đi kèm với nhu cầu về sinh lý, không nhận thức được việc mình đang bị quấy rối tình dục. Tuy nhiên, hầu hết các trường hợp này là do các em không nhận được đầy đủ sự quan tâm từ gia đình và nhà trường.
Vậy câu hỏi đặt ra, yêu sớm có thể mang lại những hậu quả tiêu cực gì? PGS.TS Trần Thành Nam thẳng thắn bày tỏ: “Việc không được giáo dục giới tính đầy đủ và đúng đắn có thể khiến các em học sinh xuất hiện những niềm tin sai lầm như: tình yêu phải đi liền với nhu cầu sinh lý, tính ngày chuẩn xác sẽ không bị mang thai… Cùng với đó các em rất dễ bị mắc các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục thậm chí là bị vô sinh, ngày càng trở nên xa cách với gia đình. Chẳng hạn như có những bạn đã mang bầu, hay bị bệnh về đường tình dục cũng không dám nói với bố mẹ”.
Cuối cùng, để phòng tránh xảy ra những hậu quả đáng tiếc, theo ông Nam, cần phải trang bị về mặt kỹ năng cho các bạn trẻ. Phải cho các em biết bản thân có quyền nói "Không" cho đến khi sẵn sàng. Kể cả khi sẵn sàng thì các em vẫn phải tuân thủ pháp luật, cụ thể dưới 16 tuổi không được quan hệ tình dục.
Các bậc phụ huynh cũng cần phải học cách để nói chuyện, tâm sự với con của mình. Chính bản thân họ cũng cần phải có đủ kiến thức và kỹ năng truyền đạt để có thể dạy con những kinh nghiệm, những kiến thức về giới tính.
Bên cạnh gia đình, trường học chính là ngôi nhà thứ hai của các em học sinh. Trường học phải đưa nội dung giáo dục giới tính vào chương trình chính khóa. Phải có những giáo viên được đào tạo về kỹ năng nói chuyện, chia sẻ và có đủ kiến thức để chia sẻ cho các em về kỹ năng này. Cụ thể cần phải có cả kỹ năng sư phạm và kỹ năng chuyên môn. Cuối cùng, tất cả mọi người đều cần phải tạo ra một môi trường sạch cho các em. Cụ thể cần phải kiểm soát các thông tin xấu độc trên mạng để môi trường mạng trở nên an toàn hơn.
Chia sẻ về cách xử lý khi phát hiện con yêu sớm, GS, chuyên gia tâm lý Vũ Gia Hiền chia sẻ, trước hết cha mẹ phải bình tĩnh, xem mọi chuyện thật nhẹ nhàng, đừng làm trẻ xấu hổ với cảm xúc thật của mình. Chính cha mẹ cần giúp con hiểu tình cảm lứa tuổi này là sự cảm mến, cảm xúc đầu đời giúp các em thể hiện tình cảm phù hợp, có giới hạn.
Quan trọng nhất, theo GS Hiền, cha mẹ cần giúp con hiểu biết về giá trị bản thân, hiểu về giá trị tình bạn, tình yêu. Và như vậy bố mẹ cần mạnh dạn gỡ "chiếc áo giáp" về giáo dục giới tính, giáo dục sức khỏe sinh sản để cung cấp cho con những kiến thức một cách đúng đắn và khoa học.
Bắt con dập tắt tình cảm của mình là điều không thể. Việc bố mẹ có thể làm là cùng trẻ "trải nghiệm" tình cảm cách lành mạnh và an toàn bằng sự chia sẻ, thấu hiểu. Bố mẹ cần học cách dạy con yêu bởi hiện tại không trường học nào thay cha mẹ làm điều này.
Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc - UNFPA nhấn mạnh việc mang thai ở tuổi vị thành niên không chỉ đơn thuần là một vấn đề về sức khỏe. Mang thai ở tuổi vị thành niên còn làm mất đi tiềm năng ở các em gái, rút ngắn cơ hội học hành, đánh mất và hạn chế sự lựa chọn của các em trong cuộc sống.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.