Giếng làng Hà Nội

Thứ sáu, ngày 31/01/2014 09:41 AM (GMT+7)
Ít ai ngờ giữa thủ đô, vẫn còn có những nơi gìn giữ giếng như con mắt của làng. Giếng làng giờ không còn là nguồn nước sinh hoạt cho các gia đình nhưng trong tâm thức, giếng là nơi đem đến khí thiêng, gió lành cho ngôi làng.
Bình luận 0
Giếng từ cối đá

Nằm trong một quận đang phát triển của Hà Nội, do vậy không dễ để tìm ra những nét của một ngôi làng cổ cũng là điều dễ hiểu. Tuy nhiên vẫn còn 4 thứ để thấy nét làng ở Trung Kính Thượng (giờ là phố Nguyễn Ngọc Vũ - phường Yên Hoà - Cầu Giấy - Hà Nội). Đầu tiên là cổng làng, thứ hai là chùa, thứ ba là đình và cuối cùng là giếng làng. Tất cả vẫn còn đó cho dù đã được làm mới, giếng làng thì vẫn nguyên sơ, chỉ nước giếng là không còn.

img

Giếng làng Trung Kính Thượng nằm ở đầu làng. Giếng là giếng thơi đường kính khoảng 1.1m sâu chừng 10m. Tang giếng là 2 vành đá bán nguyệt khép lại. Chiều cao vành tang khoảnh 10cm có chân thoải. Trên tang giếng có nhiều vệt hằn bằng ngón tay, hẳn đây là vệt giây kéo gầu cọ vào qua thời gian tạo nên. Xung quanh giếng không xây gạch mà xếp đá tảng ken dày. Phần trên của thành giếng gần với miệng giếng là các cối đá xếp thành hai hàng quây tròn. Xung quanh giếng mới được xây tường bảo quản và có mái bát giác che nắng mưa. Giếng không còn nước nhưng có thể thấy vai trò tâm linh của nó vẫn còn. Bàn thờ thần giếng có 3 chữ Thiên Quang Tỉnh vẫn được hương khói và giữ tôn nghiêm.

Tôi được giới thiệu tới ông Hồng - 84 tuổi, người nắm rõ về lịch sử của làng. Hiện ông đang dạy chữ nho cho lớp thư pháp trong làng. Câu chuyện của chúng tôi bắt đầu từ nguồn gốc của giếng. Đến giờ chưa ai biết đích xác giếng có từ năm nào. “Có sách sử nào ghi lại đâu. Đình hay chùa thì có thần tích, sắc phong hoặc bia đá… ghi lại gốc tích chứ giếng thì chưa”- ông Hồng nói.

Về giếng cổ, tôi được biết thường là có làng là có giếng. Nếu vậy thì giếng làng Trung Kính Thượng hẳn có từ thời Hùng Duệ Vương thứ 18 lúc làng được lập ra như ông Hồng nói. Điều tôi thắc mắc đầu tiên về những chiếc cối đá dưới giếng được ông giải thích rõ. Phần đá sát với miệng giếng là phần dẽ bị vỡ nhất do gầu nước hay va đập. Qua nhiều năm cần phải thay. Lúc đó các vị chức sắc ở làng huy động dân làng góp những cối đá hỏng để thay vào những tấm đá vỡ. Thời đó nhà nào chả có cối đá hỏng và những chiếc cối đá này tạo nên sự độc đáo giếng làng Trung Kính Thượng.

Đồng lòng giữ giếng

Thật mừng khi về Phú Diễn (một phường thuộc quận Bắc Từ Liêm - Hà Nội) tìm chiếc giếng khơi miệng làm bằng đá tròn nguyên khối mà nhiều người ca tụng là được người dân gìn giữ rất có ý thức. Giếng được bao quanh tường rào, cổng vào có đôi câu đối: “Thuỷ mạch khai thông linh khí tại /Thạch nhi tái tạo thuỵ phong lai”. (Dịch nghĩa: Mạch nước khai thông khí thiêng lại về/Bia đá dựng lại gió lành lại đến).

“Ở làng Trung Kính Thượng xưa có tục truyền các bà mẹ nuôi con thiếu sữa ra giếng làm lễ cầu xin, sau đó bứt hoa sữa, cành lá sữa gánh về treo tại buồng nhà mình đều có nhiều sữa cho con bú”.

Bên giếng có ban thờ uy nghi. Cạnh đó là một chiếc bia đá có ghi: “Giếng khơi làng Phú Diễn là ngôi giếng cổ. Tuy chưa biết đích xác niên đại. Nhưng những sợi dây gàu cọ vào miệng giếng có nhiều vết lõm rất sâu, là dấu ấn thời gian giếng tồn tại đã lâu đời. Vành giếng liền tròn, chạm chân quỳ dạ cá tinh xảo. Mạch nước giếng dồi dào, trong mát cung cấp cho cả làng dùng từ thế hệ này qua thế hệ khác quanh năm không bao giờ cạn, là nguồn sống của bao đời. Song mạch nước ngầm ở khu vực Hà Nội tụt xuống thấp nên giếng làng cũng bị cạn theo…”.

Người dân ở đây chỉ tôi tìm đến nhà cụ Nguyễn Viết Liên, được biết đến là người lưu giữ lịch sử của làng Phú Diễn. Mặc dù đã 90 tuổi nhưng cụ vẫn minh mẫn và có trí nhớ rất tốt. Chầm chậm nhấp chén nước chè, cụ kể: “Theo bà nội tôi kể ngày xưa ở làng có giếng gọi là giếng Xỏ. Giếng đó nước rất ngon nhưng con gái hay chết trẻ, đặc biệt là con gái đẻ con so vì thế giếng Xỏ bị lấp đi và khơi cái giếng đầu làng Phú Diễn này. Giếng Phú Diễn này nước ngon lắm, có năm hạn nhiều làng hết nước phải qua đây xin nước. Mạch nước to lắm, khi tát giếng cạn thì thấy nước chảy từ mạch ồng ộc phải lấy quang rơm bịt tạm vào. Hồi đó năm 1942 tôi còn là thanh niên, làng cắt tôi ra làm tuần phiên và thau giếng. Dùng hai thùng sắt tây mỗi thùng khoảng 20 lít, nhiều thanh nên to khoẻ kéo liên tục đến 10 giờ sáng thì hết nước”.

Người chỉ đạo việc bảo tồn giếng Phú Diễn cũng chính là cụ Liên. Là một cựu chiến binh 65 năm tuổi Đảng và là Bí thư đảng ủy của huyện, cụ Liên đã quyết tâm kêu gọi người dân địa phương bảo tồn giếng cổ. Chia tay cụ Liên lòng tôi mừng khấp khởi. Từ nay cùng với giếng làng Trung Kính Thượng, giếng làng Xuân La, giếng chùa Báo Thiên, tôi có thêm một địa chỉ để giới thiệu về “ văn hoá giếng” với bạn bè.

Bài và ảnh Lê Bích (Bài và ảnh Lê Bích)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem