Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
5 tiếng sau, ở trụ sở Bộ Ngoại giao Mỹ, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ thông báo: "Ông về báo với Chính phủ ông rằng 3 giờ chiều hôm nay, Tổng thống Bill Clinton sẽ tuyên bố xoá bỏ lệnh cấm vận với Việt Nam". Giữa Thủ đô nước Mỹ, vào giờ phút Tổng thống Bill Cliton chính thức tuyên bố xoá bỏ cấm vận với Việt Nam, nhà ngoại giao Lê Bàng thấy mắt mình nhoà lệ….
Năm 1993, nhà ngoại giao Lê Văn Bàng (thường gọi là Lê Bàng-NV) được bổ nhiệm làm Đại sứ - Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại LHQ. Nhưng ngoài nhiệm vụ phụ trách các vấn đề về Liên hợp quốc (LHQ), một nhiệm vụ quan trọng không kém mà ông được giao là phụ trách các vấn đề về ngoại giao với Hoa Kỳ, với mục tiêu xoá bỏ cấm vận, bình thường hoá quan hệ giữa hước.
Trước ngày lên đường sang New York nhận nhiệm vụ, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Trần Quang Cơ đã gọi ông Lê Bàng lên dặn dò: "Cậu sang LHQ vài tháng rồi có thể sẽ đi Washington DC để thiết lập quan hệ". Còn cố vấn – nguyên Thủ tướng Phạm Văn Đồng viết thư gửi sang Phái đoàn Việt Nam tại New York: "Tôi không thể gặp cậu trực tiếp (Đại sứ Lê Bàng - NV), nhưng cậu phải ghi nhớ nhiệm vụ quan trọng này: Chúng ta phải cố gắng để tiến tới bình thường hoá quan hệ với Mỹ".
Từ sau năm 1986, Việt Nam bước vào thời kỳ đổi mới, mở cửa kinh tế. Nhưng tất cả đều hiểu, chừng nào Mỹ còn chưa xoá bỏ cấm vận với Việt Nam, thì chừng đó các tập đoàn lớn không thể đầu tư vào Việt Nam, các ngân hàng quốc tế không thể cho Việt Nam vay vốn, không thể chuyển tiền vào Việt Nam… Nói một cách ví von, trong khi Việt Nam đang cố gắng mở cánh cửa ngôi nhà của mình thì Hoa Kỳ là hòn đá tảng đứng án ngữ trước cánh cửa ấy.
Dưới thời Tổng thống Bush cha, quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ đã được cải thiện rõ rệt. Không chỉ Chính phủ Việt Nam, mà nhiều người cả ở phía Việt Nam lẫn phía Mỹ đều nhận định, ngày Mỹ tuyên bố xoá bỏ cấm vận với Việt Nam đã chính thức cận kề và việc bình thường hoá quan hệ hai nước không còn xa nữa. Khi Bill Clinton trở thành vị Tổng thống (TT) thứ 42 của Hoa Kỳ, niềm tin đó càng trở nên có cơ sở.
Thời điểm đó, có nhiều thông tin đáng tin cậy để tin rằng Bill Clinton đang chuẩn bị ra tuyên bố xoá bỏ cấm vận Việt Nam vào thời điểm tháng 4 – 5/1993. Bằng chứng là trong những ngày đầu tháng 4/1993, Mỹ cử một phái đoàn cao cấp do cựu Ngoại trưởng Mỹ Edmund Muskie dẫn đầu sang Việt Nam và Campuchia.
Đoàn có sứ mệnh đánh giá tình hình Việt Nam và Campuchia, trong đó quan trọng nhất là vấn đề POW - MIA (tù binh Mỹ và người Mỹ mất tích trong cuộc chiến của Mỹ ở Việt Nam-NV), và chuyện Việt Nam rút quân ở Campuchia (đây là hai thứ mà phía Mỹ cho là những điều kiện tiên quyết và không thể lay chuyển nếu muốn xoá bỏ cấm vận và bình thường hoá quan hệ-NV).
Kết quả chuyến đi sẽ được báo cáo lên chính quyền Clinton để có quyết sách cuối cùng về bình thường hoá quan hệ Việt Nam. Nếu chuyến đi của cựu Ngoại trưởng Edmund Muskie diễn ra suôn sẻ và tốt đẹp, thì khi ông trở về Mỹ, việc TT Bill Clinton tuyên bố xoá bỏ cấm vận Việt Nam sẽ chỉ còn là vấn đề thời gian.
Nhưng khi đó, trời vẫn chưa thuận lòng người. Vào đúng thời điểm cựu Ngoại trưởng Edmund Muskie đang ở những ngày cuối trong chuyến đi Việt Nam – Campuchia, tại Washington DC, một sự kiện bất ngờ xảy ra, làm đảo ngược hoàn toàn cục diện đó: Tiến sĩ Stephen Morris (một Giáo sư của Đại học Johns Hopkins và cũng là một học giả có quan điểm phản đối việc bình thường hoá quan hệ Việt – Mỹ ) tung ra cho báo chí Mỹ một tài liệu được cho là lấy trong kho lưu trữ ở Moscow, Nga (Liên Xô cũ).
Tập tài liệu này bao gồm một bản báo cáo của Trung tướng Trần Văn Quang gửi cho Bộ Chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam báo cáo về việc chuyển tù binh Mỹ bị giam trong cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam sang các nhà tù của Liên Xô (cũ), kèm danh sách các lính Mỹ (được cho là) đang bị giam trong các nhà tù của Liên Xô.
Ông Lê Bàng nhớ lại: "Tập tài liệu đó đích thực là một "quả bom", làm rung chuyển cả Washington lẫn Hà Nội, đập tan những hy vọng tràn trề và dự đoán của chúng tôi về ngày Mỹ chính thức xoá bỏ cấm vận với Việt Nam. Tôi nói đó là "quả bom", vì cho đến thời điểm đó, Việt Nam khẳng định đã trao trả hết tù binh Mỹ theo cam kết của Hiệp định Paris. Thông tin về việc có thể Chính phủ Việt Nam đã bất tín và vẫn còn đâu đó tù binh Mỹ ở trong các nhà tù của Nga (Liên Xô cũ) đã khiến nước Mỹ, nhất là những người có thân nhân bị mất tích trong cuộc chiến - vốn vẫn còn mang trong mình "hội chứng chiến tranh Việt Nam" quá nặng nề - sục sôi hơn bao giờ hết".
Sau khi tập tài liệu được tung ra, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đã đưa ra thông báo khẳng định đó hoàn toàn là tài liệu giả mạo. Nhưng Chính quyền của TT Clinton vẫn khẳng định đó là một thông tin nghiêm trọng và cần phải mở một cuộc điều tra để xác minh về tính trung thực của tài liệu này. Cựu ngoại trưởng Edmund Muskie được yêu cầu về nước ngay ngày hôm sau. Chuyến đi của ông Muskie đến Việt Nam và Campuchia coi như hoàn toàn vô nghĩa.
Ngay trong những ngày đầu mới đắc cử, Bill Clinton đã tuyên bố: "Sẽ không có bình thường hoá quan hệ với bất cứ nước nào còn bị nghi ngờ che giấu tin tức về POW-MIA"! Do đó, nếu tập tài liệu đó là sự thật, những nỗ lực từ cả hai phía, những bước tiến đã đạt được trong quan hệ Việt Nam và Hoa Kỳ sẽ sụp đổ hoàn toàn.
Thật ra, đó không phải lần đầu tiên Việt Nam và Hoa Kỳ để lỡ mất cơ hội hàn gắn quan hệ. Vào năm 1978, khi còn đang là Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, ông Nguyễn Cơ Thạch đã đến New York để tiến hành vòng đàm phán cuối cùng với Dick Holbrooke (Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ về khu vực Châu Á) về bình thường hoá quan hệ hai nước. Ông Nguyễn Cơ Thạch mang theo đến Mỹ lời đề nghị thiện chí của Chính phủ Việt Nam: Việt Nam sẽ chấp nhận bình thường hoá không kèm theo điều kiện bồi thường chiến tranh theo thỏa thuận của Hiệp định Paris 1973.
Nhưng sau vài tuần ở New York, ông Nguyễn Cơ Thạch nhận được cái lắc đầu từ người Mỹ: Họ chưa sẵn sàng cho việc bình thường hoá. Người ta cho rằng, đã có một cái bắt tay xuyên Thái Bình Dương giữa Mỹ và Trung Quốc vào giờ chót, khiến cơ hội xoá bỏ cấm vận và hội nhập của Việt Nam bị bỏ lỡ đầy tiếc nuối.
Với ông Nguyễn Cơ Thạch, chuyến đi New York năm 1978 là chuyến đi thất bại (và có lẽ là cả thất vọng). Vì nếu như có thể bình thường hoá quan hệ với Mỹ, cuộc chiến tranh với biên giới và việc bị bao vây, cô lập, cấm vận trong suốt hơn 10 năm sau biết đâu là điều mà Việt Nam có thể đã tránh được. 15 năm sau chuyến đi đến New York của Thứ trưởng Nguyễn Cơ Thạch, một lần nữa, lịch sử lại từ chối cơ hội để Mỹ và Việt Nam có thể bước qua quá khứ để trở thành bạn bè.
Dường như đó là một định mệnh: Cứ mỗi khi quan hệ Việt – Mỹ chín muồi, chuẩn bị sang một trang mới thì đều gặp phải những chuyện không thuận lợi cản bước. Và cứ mỗi lần như thế, luôn cần phải kiên trì, chờ đợi và nỗ lực thêm nữa để điều tất yếu đó trở thành hiện thực.
Rất nhiều năm sau này, trong một lần trò chuyện, Thượng nghị sĩ Mỹ John Kerry đã tiết lộ với ông Lê Bàng: Sau sự kiện tập tài liệu của Stephen Morris, ông được Tổng thống Bill Clinton cử sang Moscow 3 lần để gặp Bộ trưởng Ngoại giao Nga Primakov để xác minh thực hư nội dung tập tài liệu đó. Đoàn của ông John Kerry cũng sang Việt Nam gặp Trung tướng Trần Văn Quang – người được cho là vị tướng lĩnh phía Việt Nam viết tài liệu này.
"Chúng tôi tìm nhiều văn bản do Trung tướng Trần Văn Quang viết để đối chiếu văn phong của ông ta với văn phong của tác giả tập tài liệu bí ẩn kia. Cuối cùng chúng tôi khẳng định văn phong của tướng Quang và văn phong của tác giả tập tài liệu không giống nhau. Điều quan trọng nhất, thời điểm (được cho là) ra đời tập tài liệu đó, Trung tướng Trần Văn Quang đang ở chiến trường miền Nam. Ông không phụ trách vấn đề tù binh và không phải Phó Tổng cục Chính trị như trong báo cáo có ghi. Rõ ràng ông ấy không thể nào là tác giả tập tài liệu đó", Thượng nghị sĩ John Kerry kể lại.
Sau gần một năm điều tra, xác minh với rất nhiều chuyến đi đến Moscow và Hà Nội, Thượng nghị sĩ John Kerry báo cáo lên TT Bill Clinton, khẳng định tập tài liệu đó là giả. "Rõ ràng có một thế lực nào đó rất lớn mạnh và nắm được rất rõ các bước đi của chính phủ hai nước đã tung tập tài liệu này ra, với âm mưu ngăn cản tiến trình bình thường hoá giữa Việt Nam và Mỹ. Thật may mắn vì sự thiện chí của cả phía Mỹ và Việt Nam đã phá bỏ được âm mưu này" – ông Lê Bàng nói.
Ngày 3/2/1994 – 10 tháng sau sự kiện Stephen Morris, Đại sứ Lê Bàng đang ở phái đoàn Việt Nam tại New York thì nhận được thông báo từ Bộ Ngoại giao Mỹ đề nghị ông tới Washington DC. Nội dung thông báo vô cùng ngắn gọn: "Hy vọng ông có thể đến Washington DC ngay. Chúng tôi có việc này cần ông thông tin tới Chính phủ Việt Nam".
Sau 5 tiếng, ông Lê Bàng có mặt ở Thủ đô DC. Tiếp ông Lê Bàng là Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ W.Lord. Trợ lý W.Lord cười tươi và bắt tay nhà ngoại giao Việt Nam: "Tôi nghĩ đây là một tin vui mà tôi có thể thông báo cho ông. Đúng 15 giờ hôm nay (giờ Mỹ), TT Bill Clinton sẽ tuyên bố xoá bỏ cấm vận với Việt Nam và thiết lập cơ quan liên lạc giữa hai nước. Chúng tôi thông báo tin này để ngài Đại sứ báo về cho Hà Nội".
Khi ấy ở Việt Nam đã là quá nửa đêm, nhưng Đại sứ Lê Bàng vẫn gọi điện về báo tin cho các lãnh đạo ở nhà. Riêng cá nhân ông, ông không vội vàng quay lại New York mà ghé thăm nhà Virginia Foote – Chủ tịch Hội đồng thương mại Việt – Mỹ, một người bạn của Việt Nam, yêu Việt Nam tha thiết và cũng mong chờ ngày hai đất nước có thể xoá bỏ hận thù. Họ cùng bật kênh CNN và chờ thời khắc lịch sử.
Vào đúng 15 giờ, qua truyền hình, Lê Bàng nhìn thấy TT Mỹ Bill Clinton tuyên bố với người dân Mỹ, chính thức xoá bỏ cấm vận với Việt Nam. Nước mắt ông chảy dài. Lê Bàng đi theo những nhà ngoại giao kì cựu như cựu Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch suốt từ năm 1973, từ Hiệp định Paris đến LHQ rồi công tác ở Vụ châu Mỹ. Cả sự nghiệp ngoại giao của ông gắn liền với nước Mỹ và đấu tranh chỉ vì thời khắc này, cũng đã rất nhiều lần chứng kiến mối quan hệ hai nước khởi sắc rồi lại bế tắc. Nên mãi đến bây giờ ông vẫn nói, dù sau này chứng kiến quan hệ Việt – Mỹ tiến thêm nhiều nấc mới thì với ông, khoảnh khắc mà Bill Clinton thông báo xoá bỏ cấm vận với Việt Nam vẫn là khoảnh khắc đặc biệt nhất trong cuộc đời làm ngoại giao của mình.
Ông Lê Bàng có lẽ không biết rằng, khi đó, ở Việt Nam – cách DC nửa vòng trái đất, cựu Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch đã tự nâng một ly rượu vang. Dù không còn là Bộ trưởng để chứng kiến khoảnh khắc đó, nhưng hơn một nửa cuộc đời làm ngoại giao của mình, Nguyễn Cơ Thạch đã chiến đấu vì thời khắc ấy.
Thực ra, trước thời điểm tuyên bố ngày 3/2/1994 của TT Bill Clinton, câu chuyện bao giờ Mỹ sẽ tuyên bố xoá bỏ cấm vận với Việt Nam là chủ đề mà Đại sứ Lê Bàng thường xuyên trao đổi với các nhà ngoại giao, các nhà nghiên cứu, các học giả người Mỹ - những người quan tâm và am hiểu về tình hình chính trị Mỹ cũng như mối quan hệ hai nước Việt Nam – Hoa Kỳ.
Chỉ trước đó vài ngày, Jim Spencer – một học giả Mỹ có vợ là người Việt Nam đã nói với Đại sứ Lê Bàng: "Tôi biết các ông đã rất nỗ lực, cố gắng, nhưng có lẽ các ông còn phải kiên nhẫn nhiều hơn, cố gắng nhiều hơn mới chờ đến thời điểm Mỹ xoá bỏ cấm vận Việt Nam". Khi ấy, nhà ngoại giao Việt Nam đáp lại: "Dù thế nào, tôi vẫn có dự cảm là ngày đó sẽ sớm đến". Đáp lại câu nói của Lê Bàng là nụ cười đầy hoài nghi của Jim Spencer.
Tuyên bố của TT Bill Clinton diễn ra ngay trước thời điểm Tết Nguyên đán của người Việt vài ngày. Đại sứ quán Việt Nam tổ chức một bữa tiệc mừng năm mới và ăn mừng sự kiện lịch sử. Buổi tiệc mừng đó, Jim Spencer cùng người vợ Việt cũng có mặt, đem tặng Đại sứ Lê Bàng một tấm thiệp đựng trang trọng trong một chiếc hộp nhỏ. Trong tấm thiệp đó, vị học giả viết: "Ambassador Le Bang, you won"! (Đại sứ Lê Bàng, ông đã thắng) và kẹp vào đó tờ 5 USD. Đó là một trong những món đồ kỉ niệm được ông Lê Bàng giữ gìn suốt 25 năm qua.
Sau khi Mỹ tuyên bố xoá bỏ cấm vận với Việt Nam, quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ có những bước tiến rất nhanh chóng. Đầu năm 1995, văn phòng liên lạc được thành lập ở Thủ đô của hai nước. Đến ngày 11/7/1995, TT Mỹ Bill Clinton công bố "Bình thường hoá quan hệ" với Việt Nam. Đúng một ngày sau, ở Việt Nam, Thủ tướng Võ Văn Kiệt tuyên bố thiết lập quan hệ ngoại giao với Hoa Kỳ. Đại sứ Việt Nam tại LHQ Lê Văn Bàng trở thành Giám đốc Văn phòng đại diện, rồi trở thành Đại biện lâm thời của Đại sứ quán Việt Nam tại Hoa Kỳ.
Đến năm 1997, Chủ tịch nước Lê Đức Anh ký quyết định cử ông Lê Bàng làm Đại sứ Việt Nam đầu tiên tại Washington DC. Cùng lúc đó, một cựu binh Mỹ tại Việt Nam – ông Douglas "Pete" Peterson trở thành Đại sứ Mỹ đầu tiên tại Việt Nam.
Chính phủ Việt Nam chọn Lê Bàng, bởi sau thời Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch, ông Lê Bàng có lẽ là một trong vài người có nhiều hiểu biết và có mối quan hệ với người Mỹ tốt nhất, với hơn 20 năm tham gia công tác thúc đẩy quá trình xoá bỏ cấm vận, bình thường hoá quan hệ Việt – Mỹ. Nhưng không có nghĩa rằng tân Đại sứ Việt Nam có một nhiệm kỳ trải hoa hồng trên đất Mỹ!
Vào thời điểm Mỹ và Việt Nam chuyển từ mối quan hệ cựu thù sang bạn bè, dù là trong lòng nước Mỹ hay Việt Nam, những mỗi nghi kỵ, dè dặt, hay kể cả là bất đồng nội bộ vẫn còn vô cùng lớn từ cả hai phía. Có thể nói, thách thức lớn nhất với Đại sứ Lê Bàng trong nhiệm kỳ của ông chính là "hội chứng Việt Nam" vẫn còn quá nặng nề. Dù là những cựu binh Mỹ đã từng tham chiến ở Việt Nam hay những người Việt Nam đã di tản sang Mỹ sau ngày 30/4, vẫn còn rất nhiều người không ủng hộ cho việc bình thường hoá quan hệ của Mỹ với Việt Nam.
Trong chuyến về Việt Nam ngắn ngủi để nhận quyết định bổ nhiệm Đại sứ vào năm 1997, ông Lê Bàng đã đến gặp Chủ tịch nước Lê Đức Anh. Hôm đó, ông Sáu Nam chỉ dặn dò Lê Bàng một điều: "Cháu sang Mỹ chắc chắn sẽ gặp người Việt mình. Người Việt mình ở Mỹ, dù họ có ủng hộ mình hay không ủng hộ mình thì họ vẫn mãi mãi là con cháu Việt Nam. Nên cháu phải nhớ, nếu họ có to tiếng, có mắng mỏ, thì cháu cũng cần lắng nghe…".
Sự thật là trên đất Mỹ, vào những thời điểm mới bắt đầu thiết lập mối quan hệ ngoại giao giữa hai nước, Đại sứ Lê Bàng đã phải đối mặt với không ít sự phản đối quyết liệt từ những người Việt di tản sau 1975. Vào tháng 8 năm 1995, khi Lê Bàng đang ở DC, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Mai đã gọi điện đề nghị ông: "Anh phải đến quận Cam một lần. Vì kể từ khi Việt Nam có Văn phòng liên lạc rồi Đại sứ quán Việt Nam tại DC, chưa một nhà ngoại giao Việt Nam nào chính thức đến đó". Mà quận Cam – nơi có nửa triệu người Việt Nam di tản sinh sống thời điểm đó chính là nơi chống bình thường hoá nặng nề nhất.
Cần phải nói rằng, ông Lê Bàng đã nhiều lần đến quận Cam trong những chuyến đi không chính thức và không được công bố rộng rãi. Ông tìm gặp những nhóm Việt kiều có quan điểm trung lập, cởi mở, sẵn sàng đối thoại và hàn gắn để trò chuyện và tìm kiếm sự ủng hộ. Đã có những người Việt ở đó giúp đỡ chính phủ Việt Nam, thậm chí là tài trợ tài chính cho những chuyến đi của các nhà ngoại giao Việt Nam đến khắp nước Mỹ để trò chuyện với những người Việt sống trên đất Mỹ.
Nhưng sau lời đề nghị của Thứ trưởng Lê Mai, Đại sứ Lê Bàng hiểu rằng ông cần (và ông cũng nhất định) phải xuất hiện ở quận Cam với tư cách Đại sứ Việt Nam đầu tiên tại Hoa Kỳ. Tình cờ thời điểm đó, một hội nghị quốc tế về Việt Nam được tổ chức ở quận Cam. Lê Bàng nhận lời tham gia hội nghị.
"Trước chuyến đi, đã có rất nhiều người bạn khuyên tôi không nên đến, vì họ sợ tôi bị tấn công. Nhưng khi biết tôi quyết tâm, họ dặn tôi mặc áo giáp chống đạn" – Đại sứ Lê Bàng kể. Dù đồng ý với bạn bè về những rủi ro mà mình có thể phải đối mặt, nhưng ông lập luận rằng: "Là một nhà ngoại giao, là Đại sứ đại diện cho Việt Nam, tôi không được lựa chọn thế".
Dù phía Mỹ đã lên một kế hoạch bảo vệ Đại sứ Việt Nam tại quận Cam rất kỹ càng, nhưng khi ông Lê Bàng đến đây, tin tức về ông đã gây chấn động khắp quận Cam. Có khoảng 3.000 người biểu tình vây quanh khách sạn ông ở. Trước giờ Hội nghị bắt đầu, Ban tổ chức gặp ông thông báo tình hình: "Ngài Đại sứ, những người biểu tình ngoài kia đưa ra một yêu cầu. Họ nói, hoặc là ông đồng ý để 10 người đại diện của họ vào gặp trước khi ông phát biểu trong hội nghị, hoặc là họ sẽ phá hội nghị này".
Lê Bàng đồng ý với cuộc gặp đó và kiên nhẫn lắng nghe cả những câu hỏi khó nghe nhất rồi mới vào tham gia hội nghị. Cuộc gặp với 10 người đại diện của đoàn biểu tình diễn ra không dễ dàng với rất nhiều câu hỏi khó (và kể cả khó nghe) cho Đại sứ Việt Nam. Nhưng quan trọng hơn cả, sự thẳng thắn và sẵn sàng đối diện của tân Đại sứ Việt Nam đã khiến 3.000 người Việt biểu tình rút lui và hội nghị sau đó đã diễn ra một cách êm đẹp mà không gặp phải sự chống phá nào.
Nhà ngoại giao Lê Bàng không giấu diếm: "Những chuyện như bị ném đá, ném trứng thối là chuyện bình thường, có những khi tôi phải đối mặt với nguy cơ bị tấn công. Ngày Việt Nam mở văn phòng Đại sứ quán trên đất Mỹ, hàng dài người biểu tình đã đứng trước cửa Đại sứ quán, phản đối lễ kéo cờ, hát quốc ca, treo biển Đại sứ quán… Nếu tôi nói tôi không buồn, không sợ, không tức giận thì là nói dối. Đó là cảm xúc bình thường của con người. Nhưng tôi không hận thù. Đất nước mình vì lịch sử mà phải chịu cảnh chiến tranh đau thương rồi chia cắt. Nỗi đau của cả hai phía đều cần nhiều thời gian để hàn gắn. Là nhà ngoại giao, đó là nhiệm vụ của tôi trên đất Mỹ. Bây giờ sau 25 năm, chúng ta đã có thể vui mừng, vì chúng ta đang bước ngày càng xa sự chia rẽ và tiến gần hơn đến sự hoà hợp, hòa giải".
Nhưng không chỉ những người Việt Nam di tản sang Mỹ sau ngày 30.4, ngay cả những cựu binh Mỹ từng tham chiến ở Việt Nam, không phải người nào cũng sẵn sàng mở lòng cho một trang mới trong lịch sử quan hệ giữa hai nước. Và chính những cựu binh Mỹ như Thượng nghị sĩ John McCain, Thượng nghị sĩ John Kerry là những người đã giúp Đại sứ Lê Bàng tìm kiếm thêm sự ủng hộ cho mối quan hệ giữa hai nước từ chính những cựu binh Mỹ phản đối bình thường hoá nhất.
Ông Lê Bàng kể: "Thượng nghị sĩ John Kerry từng mời tôi tới văn phòng Thượng nghị sĩ, nơi ông tổ chức cho tôi tiếp xúc với các cựu binh Mỹ ở Việt Nam. Khi đến đó, tôi chào hỏi họ và sẵn sàng trả lời mọi câu hỏi của họ, từ chuyện hài cốt lính Mỹ đến vấn đề tù nhân". Rồi cũng chính ông đã trực tiếp dẫn đoàn cựu binh Mỹ này quay lại Việt Nam sau nhiều năm chiến tranh. Họ được Tổng Bí thư (TBT) Đỗ Mười tiếp đón. Trong buổi gặp đó, TBT Đỗ Mười đã đề nghị được xem từng vết thương trên lưng những người cựu binh Mỹ. Một hành trình hàn gắn và bình thường hoá quan hệ giữa hai nước không chỉ diễn ra ở thượng tầng, mà còn bắt đầu từ chính trong tâm hồn những mỗi người dân của hai đất nước.
Những cựu binh Mỹ ở Việt Nam như TNS Mỹ như John Kerry hay John McCain là những người Mỹ luôn đứng về phía Việt Nam trong bất cứ hoàn cảnh nào. Năm 2000, vào thời điểm 1 năm trước khi nhiệm kỳ Đại sứ tại Mỹ kết thúc, Đại sứ Lê Bàng đã chứng kiến Hiệp định Thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ được ký kết, đánh dấu một nấc thang mới trong quan hệ hai nước. Đó là kết quả của 6 năm đàm phán liên tục với những nỗ lực không ngừng từ hai phía.
Nhưng cho đến khi ông Lê Bàng kết thúc nhiệm kỳ Đại sứ của mình và trở về Việt Nam, hai nước vẫn chưa trao đổi công hàm đã ký và chưa thông qua Quốc hội nên Hiệp định vẫn chưa có hiệu lực. Mà Việt Nam thì cần Hiệp định đó để mở đường cho hàng hoá Việt Nam vào thị trường Mỹ với giá cạnh tranh.
Thời điểm đó, Thủ tướng Phan Văn Khải đề nghị ông Lê Bàng quay lại Mỹ trong một chuyến đi không chính thức. Nhiệm vụ mà ông Sáu Khải đưa ra cho ông Lê Bàng là phải thuyết phục Bộ Ngoại giao Mỹ đồng ý tiếp đoàn Việt Nam sang trao đổi công hàm.
Đó là lúc nước Mỹ vừa trải qua sự kiện 11/9/2001. Nước Mỹ - sau thảm hoạ khủng bố ở New York trở nên đen tối và bất an hơn bao giờ hết. Sau khi hai toà nhà Trung tâm thương mại sụp đổ, Mỹ thực hiện chính sách đóng cửa an ninh, từ chối mọi cuộc viếng thăm của các quốc gia khác. Dù Việt Nam tha thiết tìm cách để đưa đoàn sang trao đổi công hàm, nhưng mọi con đường tiếp xúc ngoại giao đều không mang lại kết quả.
Ông Lê Bàng được Thủ tướng Phan Văn Khải cử sang Mỹ để thực hiện nhiệm vụ thách thức này, vì những mối quan hệ tốt đẹp mà ông đã xây dựng được trong 9 năm trên đất Mỹ.
Sang đến DC, việc đầu tiên ông Lê Bàng làm là gọi cho Thượng nghĩ sĩ John McCain. Ông nói: "Ngài Thượng nghĩ sĩ, tôi muốn gặp ngài. Nhiệm vụ của tôi là phải thuyết phục được Bộ Ngoại giao Mỹ đồng ý tiếp đoàn của Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Bộ trưởng Bộ Thương mại Vũ Khoan". John McCain nhận lời không một giây do dự, với cam kết: "Tôi sẽ nói chuyện với Ngoại trưởng Mỹ".
Một ngày sau, John McCain gọi lại thông báo rằng Bộ Ngoại giao Mỹ đồng ý đón đoàn Việt Nam. Tháng 12/2001, đoàn Việt Nam do Phó TT Nguyễn Tấn Dũng và Bộ trưởng Thương mại Vũ Khoan dẫn đầu đã sang tới DC, chính thức trao công hàm công nhận Hiệp định Thương mại Việt Mỹ. Để nói về tầm quan trọng của Hiệp định này thì chỉ cần một ví dụ nhỏ: Trước thời điểm đó, một đôi giày Việt Nam được nhập sang Mỹ giá thành 150USD thì sau khi Hiệp định có hiệu lực, các hàng rào thuế quan được nới lỏng, đôi giày đó chỉ còn có 60-70USD.
Năm 1995, trước khi bình thường hoá quan hệ với Mỹ, kim ngạch hai chiều chỉ có 400 triệu USD. Đến năm 2018, con số này đã lên tới 60 tỷ USD. Cũng chính John McCain, trong phiên điều trần ở Quốc hội Mỹ, đã đứng ra lên tiếng bảo vệ cho cá ba sa Việt Nam khi mặt hàng này bị Mỹ áp thuế chống phá giá. Thượng Nghị sĩ John McCain đã mất vào năm 2019, nhưng những thiện chí, tình yêu và những nỗ lực của ông dành cho Việt Nam sẽ được nhớ mãi.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.