Cây cau không hề xa lạ với chúng tôi, những đứa trẻ nông thôn quanh năm nương vườn, rào giậu. Thuở nhỏ, dù là trai hay gái, chúng tôi đều biết leo trèo.
Chân dẻo tay chắc thì cau, mù u, bứa. Nhỏ gan như tôi thì chỉ chăm chăm vào mấy cây ổi, cây xoài. Dạo còn bé, tôi cùng cậu em út hay đi bắt chim chột dột. Đây là loài sống trên cây cau, làm những cái tổ hình chiếc bầu vắt vẻo ở tàu cau trông rất đẹp.
Em tôi thoăn thoắt leo lên, vì gầy như cái que, nên ngọn cau nhỏ mà cu cậu vẫn lên tới tổ chim. Chẳng sợ độ cao, cậu em tôi nhìn nhìn trong tổ, thế rồi lặng lẽ tụt xuống.
Thì ra chim con mới nở vài hôm, còn yếu ớt lắm. Cậu em tôi không nỡ bắt về. Nó chẳng tiếc công leo cây cau nguy hiểm, chỉ sợ chim không sống được, bắt về chăm chim hóa ra lại làm hại chim.
Sau này tôi được biết thêm một chuyện, đó là những người bắt chim. Để giữ chim, họ thắt dây vào chân chim non.
Chim con lớn, nhưng do quên (hoặc nhiều lý do khác), người ta không đến bắt. Thế là dù đủ lông cánh, những con chim vẫn không thể rời tổ, chúng chết dần, chết mòn. Từ khi vô tình bắt gặp những hình ảnh ấy, chúng tôi cũng bỏ hẳn việc nuôi chim.
Dù khi chúng lớn lên sẽ thả đi, nhưng nghĩ tới hình ảnh những con chim nhỏ lẻ loi, héo hắt trên ngọn cau, niềm vui chăm chim không còn trọn vẹn nữa.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.