Góp tiền lập làng sinh thái: Tuyệt đối không giao kèo miệng
Góp tiền lập làng sinh thái: Tuyệt đối không giao kèo miệng
Nguyễn Minh
Thứ năm, ngày 09/09/2021 16:08 PM (GMT+7)
Dù không phủ nhận những điều tích cực khi tham gia thành lập các làng sinh thái, nhưng nhiều chuyên gia cho rằng, nhà đầu tư nên thận trọng với hình thức này, tránh tình trạng "tiền mất tật mang".
Trong bối cảnh hiện nay, không khí tại các thành phố lớn đạt mức đáng báo động, cộng thêm sự chật chội khiến nhiều gia đình có ham muốn thoát khỏi, tìm về những nơi có quỹ đất rộng xây nhà vườn để hòa mình với thiên nhiên, cây cỏ.
Theo khảo sát của PV Dân Việt, trào lưu "bỏ phố về quê" ngày càng nở rộ. Cùng với đó, tại các hội nhóm trên facebook, nhiều cá nhân đứng lên kêu gọi những người khác góp vốn mua đất chung để lập "làng sinh thái". Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, nhà đầu tư nên thận trọng với hình thức này, tránh tình trạng "tiền mất tật mang".
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Đính - Phó tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho biết, mô hình làng sinh thái không chỉ tốt trong thời kỳ dịch bệnh mà ngay cả trong những lúc bình thường. Bởi hiện nay nhu cầu sở hữu ngôi nhà thứ 2 tại những nơi gần gũi với thiên nhiên là điều rất tốt.
"Việc sở hữu nhà vườn ở ngoại ô là nhu cầu cần thiết, không chỉ cho gia chủ thời gian nghỉ ngơi, thư giãn mà còn giúp con người có thể hòa nhập với thiên nhiên khi ở thành lớn các tòa nhà cao tầng mọc lên san sát gây cảm giác ngột ngạt, thiếu trải nghiệm", ông Đính nói.
Bên cạnh đó, ông Đính cho rằng, việc phát triển "làng sinh thái" cũng thúc đẩy mạnh mẽ sự đa dạng các loại hình sản phẩm của thị trường bất động sản. Bởi, mỗi loại hình sẽ phục vụ nhóm đối tượng khác nhau, khi thị trường có đa dạng sản phẩm cũng giúp người dân có lựa chọn đúng với nhu cầu.
Tuy nhiên, vị chuyên gia cho rằng, những người tham gia nên cẩn trọng với hình thức kêu gọi đầu tư chung như hiện nay. Không ít trường hợp nhà đầu tư phải "ngậm đắng nuốt cay" khi tiền của mình góp vốn bị mất trắng bởi những giao kèo bằng miệng mà không qua bất kỳ hình thức văn bản pháp lý nào.
"Nếu người đứng ra kêu gọi có chủ ý xấu thì chắc chắn nhà đầu tư sẽ mất trắng. Bởi những sự việc này chỉ là hình thức tự nguyện góp vốn cam kết với nhau bằng văn bản. Nhưng khi xảy ra vấn đề lừa đảo, tố tụng ra tòa thì cũng chỉ là vi phạm dân sự các quy định vẫn còn lẻo nên nhà đầu tư tham gia rất dễ gặp rủi ro", ông Đính khẳng định.
Bên cạnh đó, vị chuyên cho rằng, xác định góp vốn mua đất chung ở khu vực nào nhà đầu tư cần xem xét rõ về hình thức sử dụng đất, nếu như sử sai mục đích ban đầu khi đó chính quyền địa phương sẽ vào cuộc. Cùng với đó, người tham đầu tư cần tìm hiểu kỹ có thể tách sổ đỏ riêng từng mảnh đất không mới xuống tiền.
Khônggiao kèo miệng
Trao đổi với PV Dân Việt về vấn đề này, luật sư Nghiêm Quang Vinh - Giám đốc công ty Luật Nghiêm Quang (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) cho biết, hiện nay pháp luật không cấm những tổ chức, nhóm người đứng lên thành lập làng và có những quy ước với nhau.
Theo ông Vinh, việc góp vốn mua chung nhà đất hoàn toàn là chuyện bình thường và đảm bảo an toàn nếu các bên nắm vững quy định pháp luật.
Nhưng hiện nay, rất nhiều người vẫn còn mơ hồ, hiểu sai về pháp lý khi góp tiền mua chung đất và chỉ để một người đứng tên. Trong khi đó lại không lập văn bản ghi nhận tỷ lệ góp vốn. Do vậy, rất dễ phát sinh tranh chấp về sau, người góp vốn chung không có tên trong sổ đỏ có thể mất trắng nếu người kia có ý định lừa đảo.
Vị luật sư cho biết, thực tế hiện không thiếu những trường hợp góp tiền mua đất chung. Sau đó, khi xảy ra tranh chấp hoặc lừa đảo mất trắng lại phải đưa nhau ra tòa giải quyết. Do đó, khi xác định góp vốn chung nhà đầu tư cần lưu ý những nội dung sau:
Thứ nhất, trong trường hợp góp vốn mua chung đất nhưng chỉ một người đứng tên trên sổ đỏ thì về mặt pháp lý thửa đất đó là tài sản riêng của họ. Do đó, người góp vốn không đứng tên trên sổ đỏ rất dễ mất trắng tài sản. Nếu có bằng chứng để chứng minh có góp vốn cùng thì thời gian để xác thực cũng rất lâu và thủ tục rắc rối.
Thứ hai, trong trường hợp 2 hay nhiều người góp tiền mua chung đất và cùng đứng tên sổ đỏ, dưới hình thức đồng sở hữu thì cần lập văn bản rõ ràng về tỷ lệ góp vốn và có công chứng theo quy định của pháp luật, nhằm đảm bảo có cơ sở chia lợi nhuận, tránh tranh chấp về sau.
Thứ ba, trường hợp một nhóm người cùng rủ nhau mua chung thì có thể căn cứ vào khoản 3 Điều 5 Thông tư 23/2014/TT-BTNMT, Nhà nước cho phép người mua chung nhà đất đều được đứng tên trong sổ đỏ, cụ thể như sau:
Trường hợp thửa đất có nhiều tổ chức, hộ gia đình, cá nhân cùng sử dụng đất, cùng sở hữu tài sản gắn liền với đất thì Giấy chứng nhận được cấp cho từng tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sau khi đã xác định được quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất của từng người.
Trên mỗi Giấy chứng nhận ghi thông tin đầy đủ về người được cấp Giấy chứng nhận theo quy định; tiếp theo ghi "Cùng sử dụng đất, cùng sở hữu tài sản gắn liền với đất (hoặc Cùng sử dụng đất hoặc Cùng sở hữu tài sản) với... (ghi lần lượt tên của những người còn lại có chung quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất)".
Trường hợp thửa đất có nhiều tổ chức, hộ gia đình, cá nhân cùng sử dụng đất, cùng sở hữu tài sản gắn liền với đất mà có thỏa thuận bằng văn bản cấp một Giấy chứng nhận cho người đại diện (có công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật) thì Giấy chứng nhận được cấp cho người đại diện đó. Trên Giấy chứng nhận ghi thông tin của người đại diện theo quy định, dòng tiếp theo ghi "Là người đại diện cho những người cùng sử dụng đất (hoặc cùng sở hữu tài sản gắn liền với đất hoặc cùng sử dụng đất và cùng sở hữu tài sản gắn liền với đất) gồm:... (ghi lần lượt tên của những người cùng sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất)".
Qua đó, luật sư Vinh cũng khuyến cáo, khi tham gia đầu tư chung người dân cần tìm hiểu kỹ các quy định của pháp luật. Tuyệt đối không chỉ giao kèo bằng miệng mà cần các văn bản rõ ràng và có công chứng theo quy định pháp luật.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.