Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Bộ Công Thương mới có báo cáo Chính phủ về kết quả xuất khẩu gạo năm 2022 và hướng xuất khẩu gạo năm 2023, đáng chú ý trong đó có nhận định liên quan đến giá bán thóc của người nông dân đang có lợi nhuận trên 100%.
Bộ Công Thương dẫn giá thành sản xuất bình quân thóc của Bộ Tài chính công bố là hơn 3.219 đồng/ kg, nhưng giá thóc bán trên thị trường hiện là 6.650 đồng/ kg, Bộ này nhận định mức giá này giúp người nông dân có lợi nhuận trên 100%.
Thưa GS Võ Tòng Xuân, trong báo cáo của Bộ Công Thương, cơ quan này dẫn giá thành sản xuất bình quân thóc của Bộ Tài chính công bố là hơn 3.219 đồng/ kg, nhưng giá thóc bán trên thị trường hiện là 6.650 đồng/ kg, Bộ này nhận định mức giá này giúp người nông dân có lợi nhuận trên 100%. Đứng ở góc độ người nghiên cứu nhiều năm về lĩnh vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn, ông tiếp nhận quan điểm này như thế nào?
- Tôi xuống nói chuyện với bà con nông dân, họ nói giá lúa như vậy nhưng đâu có lời 100% đâu?
Giá thành 1 kg thóc, mỗi nơi mỗi tính một khác nhau, cái mà cơ quan Nhà nước chưa tính hết là khấu hao sản xuất và chi phí. Công lao động của người nông dân họ không tính, họ chỉ tính phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, máy dụng cụ làm đất, công cụ để gặt hái, phun thuốc bây giờ sử dụng máy bay không người lái (drone)… Mới chỉ tính này thôi, còn công người nông dân chưa được tính vào đó.
Vấn đề ở đây, tôi nghĩ phân bón và thuốc trừ sâu và chi phí nhân công trong sản xuất lúa gạo hiện nay rất cao, nếu tính chi phí giá thành sản xuất bình quân của Bộ Tài chính chỉ hơn 3.200 đồng/ kg không hiểu họ tính như thế nào? Nếu cộng trừ đơn giản thôi, giá phân bón, thuốc trừ sâu đang cao như hiện nay thì giá bán thóc cũng chiếm gần hết giá này.
Đấy là chưa kể tiền vay ngân hàng cũng phải trả lãi, người tính 3.219 đồng/ kg không biết họ có đưa hết những chi phí mà người nông dân bỏ ra hay chưa? Tôi thấy chưa đúng và chưa sát với tình hình sản xuất hiện nay.
Vậy, theo ông hiện nay giá thóc sản xuất bình quân hiện nay phải là bao nhiêu mới hài hoà, tính hết chi phí của người nông dân?
- Giá lúa luôn phải cao hơn giá thành sản xuất, đó là nguyên tắc. Giá thành sản xuất phải tính cho đầy đủ chi phí và công lao động vào giá thành. Với mức thấp nhất, tôi nghĩ giá thành sản xuất bình quân phải hơn 4.000 đồng/kg thóc, không thể có giá hơn 3.200 đồng được.
Và mức giá chỉ hơn 3.200 đồng/ kg thì làm gì ra được? Có nước nào giá thóc rẻ như Việt Nam không? Nếu tính giá thóc bình quân 4.000 đồng/ kg, so với giá bán hiện nay như Bộ Công Thương công bố là hơn 6.650 đồng, giá người nông dân được lời cũng chỉ rất thấp so với mức chi phí họ bỏ ra và công sức.
Trong khi đó, giá gạo bán ra hiện nay, mức thấp nhất cũng phải 15.000 đồng/ kg, cao nhất là hơn 45.000 đồng/ kg. Vậy, nếu so sánh, giá gạo đã gấp gần 3 lần so với giá thóc của người nông dân bán ra. Vậy giá trị gia tăng từ chuỗi thóc sang gạo ai được lợi hơn cả, rõ ràng là doanh nghiệp chế biến, say sát và đóng gói.
Người nông dân tạo ra hạt gạo, một nắng hai sương và không nhiều người giàu lên bằng hạt gạo. Đa số người dân chỉ trồng lúa ở mức đủ ăn, chu cấp cho gia đình và bán đi phần còn thừa để trang trải cuộc sống.
Khá nhiều người bất bình, không tán thành với cách đánh giá trên của Bộ Công Thương cũng như cách thức điều hành xuất khẩu gạo thời gian qua, trong đó có việc giới hạn xuất khẩu gạo?
- Nếu tôi là Nhà nước, giá thóc bán hơn 6.650 đồng/ kg, để có giá gạo bán buôn bình quân là 500 USD/tấn (tương đương hơn 11.500 đồng/kg), giá gạo bán lẻ hiện nay khoảng từ 15.000 đồng đến giá loại đắt nhất hơn 45.000 đồng/kg thì giá thóc bán với giá 6.650 đồng/ kg kia bán ra vẫn còn thấp.
Phải làm sao để người nông dân được lời nhiều hơn trong chuỗi giá trị hạt gạo. Lúc này là lúc phải tính kinh tế cho người nông dân, đừng để họ mãi chịu thiệt, phải tuân thủ kinh tế thị trường… cung nhiều, cầu ít thì giá rớt, còn cung ít hoặc vẫn vậy, mà cầu nhiều quá thì giá cao.
Hiện nay, thị trường gạo thế giới hiện nay đang lên giá, gạo thế giới chỉ có Việt Nam và Thái Lan quyết định giá và lượng. Trong khi đó, gạo cao sản của Thái sẽ không ngon bằng Việt Nam. Nếu Philippines họ mua gạo, họ cũng muốn mua của Việt Nam.
Trong khi đó, Trung Quốc, Philippines, Indonesia, Malaysia cũng thiếu gạo, có nhu cầu nhập cao. Ở các thị trường khác như Trung Đông, châu Phi càng thiếu nhiều hơn nữa. Nam Mỹ, trong đó có Cuba cũng đang thiếu gạo… khi giá gạo thế giới đang tăng rất cao.
Lúc này là lúc có thể bán gạo giá cao, từ đó phải bán giá bán thóc cao hơn 6.650 đồng để cho người nông dân hưởng lợi. Chúng ta chịu nợ người nông dân vì họ hy sinh quá nhiều, tăng giá gạo bán mà không tăng giá lúa, thóc mua của người nông dân, vẫn để giá thóc lúa quá thấp là có tội với họ, không thể có giá thóc quá thấp như vậy được!
Bộ Công Thương hiện muốn kiểm soát lượng gạo bán ra, họ lo doanh nghiệp bán hết gạo, lo thiếu lương thực. Cái này tôi cho rằng không nên lo lắng, không đúng với cơ chế thị trường và bắt người nông dân phải chịu thiệt.
Theo tính toán của tôi, 70% người dân nước ta sản xuất lúa gạo, có đủ gạo ăn, chỉ còn 30% người lao động không làm nông nghiệp phải đi mua gạo, thóc… Như vậy, chỉ cần tính đủ gạo cho 30% người không làm nông nghiệp thôi, còn lại phải cho xuất khẩu gạo khi giá cao chứ.
Phải tuân thủ tính và cơ chế thị trường, người nông dân đã mấy mươi thập kỷ phải đeo đẳng gánh nặng "an ninh lương thực" trên đầu, trên cổ trong khi gia cảnh họ vẫn nghèo.
Giá gạo thương phẩm bán lẻ trên thị trường hiện nay so với giá thóc là rất cao, giá rẻ nhất cũng là 15.000 đồng/kg, trung bình là từ 18.000 đến 30.000 đồng/kg, cao nhất là 45.000 đồng/kg, rõ ràng mức giá rất cao nếu so với giá thóc, người nông dân đang đứng ở cuối chuỗi giá trị gia tăng hạt gạo, thưa ông?
- Đúng, người chế biến, bán gạo luôn lời hơn người nông dân ở chênh lệch giá gạo. Tôi được biết, gạo ST25 bán tại Việt Nam có giá 35.000 đến 45.000 đồng/ kg, tính ra khoảng 2 USD/kg.
Loại gạo ngon nhất của thế giới cũng chỉ là 1.200 USD/tấn (tương đương 1,2 USD/kg, tương đương 27.600 đồng/kg), gạo ngon của Thái Lan cũng chỉ bán 900 USD/tấn (0,9 USD/kg, tương đương 20.000 đồng/kg)…
Giá gạo ngon tại Việt Nam cao hơn so với nước ngoài nên thương lái, phân phối đều để gạo lại Việt Nam để bán kiếm lời hơn so với xuất khẩu bởi khi họ xuất, không ai mua với giá 1.800 USD/tấn nên chỉ bán trong nước và cũng nghịch lý rằng dù là nước sản xuất, xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới mà giá gạo ngon bán trong nước lại đắt đỏ.
Người nông dân hiện nay hầu như sản xuất dựa vào chi phí đi thuê, mua từ làm đất, phân bón, phun thuốc bảo vệ thực vật, thu hoạch… nên chi phí đội lên rất lớn. Người nông dân chỉ trồng lúa để ăn thôi, chứ không ai nghĩ trồng lúa bán, làm giàu cả.
Nói cách khác người nông dân hiện nay trồng lúa để cho trung gian lấy tiền xài! Họ lời ít, chứ không có lời nhiều như các vị nghĩ.
Kinh nghiệm nhiều năm nghiên cứu về lúa gạo, tôi có thể khẳng định, trong chuỗi giá trị gia tăng cho sản xuất hạt gạo, người nông dân đang đứng ở cuối chuỗi giá trị lúa gạo, sao nói họ hưởng lợi 100%.
Các báo cáo về người nông dân, về cây lúa, hạt gạo phải đúng, đủ và kịp thời cho Chính phủ để có những sách lược đúng đắn cho sản xuất, kinh doanh, tránh những kết luận chưa đúng, cảm tính và không sát thị trường bởi ai cũng biết đang có hiện tượng người nông dân không thiết tha, bỏ bê đồng ruộng, cây lúa vì gánh nặng chi phí hoặc chuyển đổi cây trồng, đi kiếm kế sinh nhai khác.
Trân trọng cảm ơn Giáo sư về cuộc trao đổi này!
Vui lòng nhập nội dung bình luận.