Hà Nam: Gà Móng đặc sản thơm ngon quý hiếm như vậy, vì sao cả xã chỉ có vài chục hộ nuôi?

Thứ sáu, ngày 20/11/2020 06:49 AM (GMT+7)
Gà Móng được xác định là giống con nuôi bản địa đặc sản của xã Tiên Phong trước kia (nay là xã Tiên Sơn), thị xã Duy Tiên, tỉnh Hà Nam. Mặc dù đã được bảo tồn nguồn gen bản địa quý hiếm, có chỉ dẫn địa lý, xây dựng thương hiệu, song giống gà Móng đặc sản quý này vẫn chưa phát triển như mong muốn.
Bình luận 0

Từ cách đây hơn 10 năm, gà Móng đã được bảo tồn nguồn gen bản địa quý hiếm, có chỉ dẫn địa lý và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm. Đây là những điều kiện cần thiết để phát triển nhân rộng cả về quy mô chăn nuôi và tổng đàn. 

Tuy nhiên, “chăn nuôi gà Móng hiện vẫn chỉ dừng lại ở mức độ nhỏ lẻ và chưa phát huy được hiệu quả” - đó là ý kiến nhìn nhận của ông Lê Đức Thủy - Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Tiên Phong, Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi gà Móng Tiên Phong.

Hà Nam: Gà Móng đặc sản thơm ngon quý hiếm như vậy, vì sao cả xã chỉ có vài chục hộ nuôi? - Ảnh 1.

Chăn nuôi gà Móng đặc sản tại hộ chị Hoàng Thị Hương, HTX Tiên Phong (Duy Tiên, Hà Nam).

Qua tìm hiểu tại HTX Tiên Phong, đàn gà Móng sinh sản hiện nay duy trì khoảng 7.000 con, ở mức thấp trong nhiều năm trở lại đây. Đa phần đàn gà đẻ được chăn nuôi nhỏ lẻ tại các hộ dân với số lượng dưới 100 con/hộ. 

Cả vùng chỉ có khoảng 50 hộ có đàn gà Móng đẻ từ 100 con trở lên. Như hộ chị Hoàng Thị Hương, có diện tích vườn khá rộng có thể phát triển đàn gà Móng lên 200 – 300 con. Tuy nhiên, nhiều năm nay chị Hương chỉ nuôi khoảng 80 con gà Móng, gồm cả gà đẻ và gà thịt. 

Theo chị Hương, việc chăn nuôi chủ yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của gia đình, nên không có ý định phát triển đàn gà Móng thương phẩm cung cấp cho thị trường.

Ngay với trang trại của anh Nguyễn Văn Thắm, là nơi được chọn thực hiện bảo tồn gen gà Móng cũng không duy trì ổn định về số lượng. Hiện nay, tổng đàn gà Móng tại trang trại có khoảng 2.000 con, trong đó gà sinh sản chiếm 60%. 

Được biết, giai đoạn cao điểm, trang trại chăn nuôi gà Móng của anh Thắm duy trì trên 5.000 con, với hơn 2.000 gà sinh sản. Anh Thắm cho biết: Trang trại vẫn đang duy trì được đàn gà Móng bố mẹ. Tuy nhiên, do nhiều yếu tố dẫn đến số lượng đàn gà lên, xuống theo từng thời điểm. Có giai đoạn giá gà thịt xuống thấp, gia đình phải bán bớt một phần.

Có một số nguyên nhân dẫn đến gà Móng không phát huy được giá trị và hiệu quả như mong muốn. Nổi lên là vấn đề thị trường tiêu thụ sản phẩm chưa được mở rộng. Sản phẩm gà Móng thịt phần lớn vẫn bán cho nhu cầu tiêu dùng nhỏ lẻ của người dân trong vùng và các vùng lân cận. 

Đã có 1 vài hộ chăn nuôi trên địa bàn đưa được sản phẩm gà Móng đặc sản vào các nhà hàng tại thành phố Hà Nội, nhưng số lượng tiêu thụ khá khiêm tốn và không ổn định. Đồng thời, gà Móng cũng chịu tác động chung của giá cả các loại gia cầm khác trên thị trường. 

Có thời điểm, giá một kg gà Móng thương phẩm chỉ 70 - 80 nghìn đồng, người chăn nuôi không có lãi.

Một vấn đề nữa dẫn đến gà Móng đặc sản chưa thực sự phát triển là do có đặc tính riêng chỉ phù hợp với điều kiện nuôi thả tự nhiên. Điều này đòi hỏi hộ nuôi phải có diện tích đất vườn đủ rộng, trong khi đó do nhu cầu tách hộ của các gia đình không gian sống của giống gà này theo đó cũng bị thu hẹp dần. 

Cùng với đó, gà Móng có thời gian nuôi khá dài, để có chất lượng thịt ngon cần từ 8 tháng trở lên, gấp 2 lần so với các giống gà khác, trong khi trọng lượng của gà lại không tăng lên tương ứng với thời gian nuôi. 

Do vậy, một con gà Móng thịt bảo đảm đủ thời gian nuôi và cho chất lượng ngon phải có giá bán cao gấp gần 2 lần gà bình thường, đòi hỏi khách hàng tiêu thụ phải có điều kiện kinh tế.

Đơn cử, một con gà Móng có trọng lượng 3 kg, nuôi trong vòng một năm, thấp nhất người nuôi phải thu được 450 nghìn đồng mới có lãi. Như vậy, không phải người tiêu dùng nào cũng bỏ ra số tiền đó để mua gà về ăn hằng ngày. 

Ngoài ra, nhiều nơi người dân mua gà Móng về nuôi sau đó tự nhân giống dẫn đến thị trường tiêu thụ cả gà thịt và gà giống đều giảm. 

Cũng theo ông Lê Đức Thủy, trước đây, khi người dân bên ngoài chưa tự nhân giống, đàn gà Móng bố mẹ tại Tiên Phong phát triển rất mạnh, cao điểm lên đến 30.000 con. Một hộ chỉ cần nuôi 200 - 300 gà Móng bố mẹ đã có nguồn thu nhập tốt.

Tại HTX Tiên Phong vẫn có thể đáp ứng sản phẩm gà Móng với số lượng hàng chục nghìn con cho nhu cầu tiêu dùng. Vấn đề chính là làm thế nào để sản phẩm đặc sản này có thị trường và giá bán ổn định. Có như thế mới có thể duy trì, phát triển giống gà Móng đặc sản, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân địa phương.


Mạnh Hùng (Báo Hà Nam)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem