Hà Nội: Cách xác định "vùng đỏ", "vùng xanh" để biết nơi nào tiếp tục phải giãn cách xã hội sau 6/9
Hà Nội: Cách xác định "vùng đỏ", "vùng xanh" để biết nơi nào tiếp tục phải giãn cách xã hội sau 6/9
T.A
Thứ sáu, ngày 03/09/2021 08:25 AM (GMT+7)
Bản đồ “vùng đỏ” (thực hiện Chỉ thị 16+); “vùng da cam”, “vùng xanh” (thực hiện Chỉ thị 15+) chưa được TP.Hà Nội công bố. Song, thông qua bản đồ thông tin dịch tễ Covid-19 của TP.Hà Nội cho phép người dân xác định đâu là "vùng đỏ", "vùng xanh" của TP.
Sáng 3/9, theo bản đồ thông tin dịch tễ Covid-19 của TP.Hà Nội, tính từ ngày 29/4 đến 23:03 ngày 2/9 toàn TP có 3.366 ca dương tính, trong đó có 1.615 bệnh nhân đã hồi phục. Hiện còn 16.787 F1, 75.902 F2. Cơ quan chức năng của TP đã lấy 13.336 mẫu xét nghiệm và đang cách ly tập trung 3.410 trường hợp.
Cả 30 quận, huyện, thị xã của TP.Hà Nội đều có ca dương tính. Trong đó, các quận, huyện (có trên 20 ca mắc Covid-19 trở lên) gồm: Thanh Xuân (467 ca), Đông Anh (368 ca), Hoàng Mai (322 ca), Thanh Trì (319 ca), Hai Bà Trưng (250 ca), Hà Đông (128 ca), Ba Đình (103 ca), Hoài Đức (71 ca), Long Biên (51 ca), Gia Lâm (50 ca), Cầu Giấy (43 ca), Quốc Oai (42 ca), Sóc Sơn (36 ca), Nam Từ Liêm (33 ca), Tây Hồ (32 ca), Mê Linh (31 ca), Đan Phượng (30 ca).
Các địa phương có ít bệnh nhân dương tính nhất là Ba Vì (8 ca), Thị xã Sơn Tây (9 ca), Chương Mỹ (9 ca).
Tuy nhiên, trong bản đồ từng quận, huyện màu đỏ như Thanh Xuân, Đông Anh, Hoàng Mai, Thanh Trì, Hai Bà Trưng, Hà Đông, Ba Đình, Hoài Đức cũng chỉ có một số phường, xã tập trung các chùm ca bệnh được đánh dấu (các vùng còn lại không có ca nhiễm). Đơn cử như huyện Đông Anh, các xã có ca bệnh được đánh dấu là Việt Hùng, Bắc Hồng, Nam Hồng, Kim Nỗ, Kim Chung, Đại Mạch, Võng La và Thị trấn Đông Anh.
Các quận, huyện, thị xã còn lại có màu xanh (không có ca nhiễm), vàng (1 - 5 ca), cam (5 - 20 ca) gồm: Long Biên, Tây Hồ, Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Sóc Sơn, Mê Linh, Gia Lâm, Thanh Oai, Thường Tín, Thạch Thất, Chương Mỹ, Sơn Tây, Đan Phượng, Quốc Oai, Ứng Hoà, Mỹ Đức, Phú Xuyên.
Trao đổi với Dân Việt, một chuyên gia dịch tễ của TP.Hà Nội cho biết, bản đồ “vùng đỏ”, “vùng da cam”, “vùng xanh” của Hà Nội sẽ được TP tính toán dựa trên số lượng các ca nhiễm, khu vực các "ổ dịch" và được công bố sớm. Song, việc phân “vùng đỏ” theo ranh giới chung quận, huyện hay phân nhỏ theo các phường, xã đang có các ca F0 sẽ cần cân nhắc, tính toán kỹ hơn.
Cách xác định và phân biệt "vùng xanh", "vùng đỏ"
Chiều 2/9, Thành ủy Hà Nội phát đi thông báo 480 của Thường vụ Thành ủy Hà Nội cho biết Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã thống nhất với đề xuất của Ban Cán sự Đảng UBND TP.Hà Nội về phòng, chống dịch sau đợt giãn cách thứ 3.
Trong đó, thiết lập 3 vùng theo nguyên tắc phân vùng phù hợp với mức độ nguy cơ của dịch và đặc điểm địa lý - dân cư - sinh hoạt - sản xuất.
Đáng chú ý, trên cơ sở phân vùng, đánh giá các khu vực có nguy cơ rất cao - "vùng đỏ" để tiếp tục thực hiện nghiêm giãn cách xã hội theo mức cao hơn Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ với nguyên tắc "ai ở đâu ở đó" để khoanh vùng, truy vết, xử lý, dập dịch triệt để.
Tại các khu vực nguy cơ cao - "vùng cam" và nguy cơ thấp hơn - "vùng xanh" điều chỉnh các biện pháp ở mức cao hơn nguyên tắc Chỉ thị 15 (15+) của Thủ tướng để tổ chức phục hồi sản xuất, kinh doanh và hỗ trợ các khu vực "vùng đỏ", bảo đảm kiểm soát chặt chẽ, phù hợp tình hình dịch bệnh.
Có thể nói, hiện nay, nhiều nơi ở Hà Nội người dân đều đã nghe đến khái niệm "vùng xanh", "vùng cam", vùng đỏ". Trong Công điện số 18/CĐ-UBND ban hành chiều 6/8/2021 (Công điện 18) của UBND TP.Hà Nội cũng nhắc đến các yêu cầu khi thiết lập những vùng này. Vậy "vùng xanh", "vùng cam", vùng đỏ" là gì. Có tất cả bao nhiêu vùng được thiết lập?
Theo Quyết định 2686/QĐ-BCĐQG ngày 31/5/2021 (Quyết định 2686) của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 về việc ban hành "Quy định đánh giá mức độ nguy cơ và các biện pháp hành chính tương ứng trong phòng, chống dịch Covid-19 có nêu cụ thể 4 mức độ nguy cơ được thể hiện tới cấp xã trên bản đồ chống dịch tương ứng với các màu sắc, cụ thể:
Màu xanh: Mức Bình thường mới. Màu vàng: Mức Nguy cơ. Màu cam: Mức Nguy cơ cao. Màu đỏ: Mức Nguy cơ rất cao.
Căn cứ vào công điện 18 của UBND TP.Hà Nội và Quyết định 2686 của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 các vùng xanh, đỏ, vàng được xác định như sau:
Vùng đỏ
Vùng đỏ là khu vực phong tỏa hoặc khu cách ly. Vùng này là vùng tương đối nguy hiểm, người dân không nên đến gần để tránh nguy cơ lây nhiễm Covid-19. Khu vực trong vùng đỏ phải tập trung khoanh vùng, xét nghiệm nhanh, cách ly sớm và thu hẹp phạm vi có dịch, dập dịch nhanh nhất có thể.
Theo Công điện 18, Hà Nội cho phép chính quyền cơ sở quyết định các biện pháp phong tỏa hoặc cách ly y tế với diện tích phù hợp với tình hình diễn biến dịch bệnh và nguy cơ; chủ động quyết định các biện pháp cao hơn đảm bảo không để dịch bệnh lây lan trong khu vực và kiểm soát, khống chế trong thời gian ngắn nhất.
Vùng cam
Vùng da cam được hiểu là vùng nguy cơ cao, có khả năng lây nhiễm Covid-19 lớn. Vùng da cam gồm các nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ quan, đơn vị, chợ, siêu thị, bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh… Theo Công điện 18, tại vùng da cam, Hà Nội cho phép chính quyền cơ sở phê duyệt phương án phòng chống dịch, chỉ cho hoạt động khi đảm bảo các quy định phòng chống dịch.
Vùng vàng
Vùng vàng là khu vực có thể phát sinh khả năng lây nhiễm Covid-19, nguy cơ cao hơn vùng xanh nhưng sẽ thấp hơn vùng cam. Người dân ở địa điểm này nên chú ý bảo vệ mình, hạn chế tiếp xúc với người khác và áp dụng nghiêm túc các biện pháp phòng chống dịch.
Vùng xanh
Bao gồm những xã, huyện, tỉnh không thuộc các vùng nêu trên.
Vùng xanh là vùng không có dịch, vùng bình thường mới, trong khu vực này không có khả năng lây nhiễm Covid-19. Mỗi địa phương sẽ có những cách để khoanh vùng và bảo vệ khu vực vùng xanh khác nhau. Vùng xanh có thể là một ngõ, một khu vực, một hẻm chưa có ca nhiễm Covid-19 nào, được lập chốt chặn và có thông báo ở đầu ngõ, hẻm…
Theo Công điện 18, Hà Nội đề nghị nghị mỗi người dân ngoài việc chấp hành nghiêm các biện pháp phòng chống dịch, chỉ ra ngoài khi thật sự cần thiết. Nhân dân giữ gìn an toàn cho khu dân cư. Chính quyền cơ sở thường xuyên tuyên truyền, kiểm soát việc thực hiện nghiêm các biện pháp giãn cách xã hội, tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, sẵn sàng trong mọi tình huống phát sinh.
Hiện, việc giãn cách xã hội được thực hiện theo 3 văn bản là Chỉ thị 15, Chỉ thị 16 và Chỉ thị 19 của Thủ tướng. Đây là 3 mức độ giãn cách xã hội được các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương chủ động lựa chọn phù hợp với điều kiện dịch bệnh của địa phương mình.
Tuy nhiên, ở một số thời điểm đặc biệt, các địa phương có thể điều chỉnh linh hoạt mức độ giãn cách xã hội dựa trên 3 chỉ thị này, để có Chỉ thị 15+ (cao hơn Chỉ thị 15) và Chỉ thị 16+ (cao hơn Chỉ thị 16). Theo đó, Chỉ thị 15+ được áp dụng gần giống với Chỉ thị 15, nhưng tiệm cận với mức độ giãn cách ở Chỉ thị 16.
Chỉ thị 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định: Không tụ tập 10 người trở lên ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện.
Giữ khoảng cách tối thiểu 2 m giữa người với người tại các địa điểm công cộng (trước đó TP.HCM áp dụng không tụ tập quá 5 người trở lên).
Dừng triệt để các nghi lễ tôn giáo, hoạt động có tập trung từ 20 người trở lên tại các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự.
Dừng tất cả các hoạt động văn hóa, thể thao, giải trí tại các địa điểm công cộng.
Tạm đình chỉ hoạt động các cơ sở kinh doanh dịch vụ trên địa bàn, trừ các cơ sở kinh doanh các loại hàng hóa, dịch vụ thiết yếu.
Hạn chế di chuyển của người dân, nhất là các tỉnh, thành phố có dịch đến các địa phương khác.
Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định: Việc giãn cách thực hiện theo nguyên tắc gia đình cách ly với gia đình, xã cách ly với xã, huyện cách ly với huyện, tỉnh cách ly với tỉnh, mọi người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu.
Dừng hoạt động và các trường hợp khẩn cấp khác; làm việc tại nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu không bị đóng cửa.
Thực hiện nghiêm việc giữ khoảng cách tối thiểu 2 m khi giao tiếp.
Không tập trung quá 2 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện tại nơi công cộng.
Hoạt động vận tải dừng di chuyển từ vùng có dịch đến các địa phương khác; cơ bản dừng hoạt động vận chuyển hành khách công cộng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.