Hà Nội gỡ khó cho nông dân tham gia các chuỗi liên kết cung ứng, tiêu thụ nông sản
Hà Nội gỡ khó cho nông dân tham gia các chuỗi liên kết cung ứng, tiêu thụ nông sản
Thiên Ngân
Thứ bảy, ngày 12/08/2023 09:32 AM (GMT+7)
Đến nay, Hà Nội đã xây dựng được 926 chuỗi liên kết nông sản, thực phẩm an toàn, tuy nhiên giá trị từ các chuỗi mang lại rất lớn nhưng chưa thật sự bền vững.
Xác định việc xây dựng chuỗi liên kết trong cung ứng và tiêu thụ nông sản là "chìa khoá" thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững, mang lại nhiều lợi ích không chỉ cho doanh nghiệp, người sản xuất mà người tiêu dùng cũng được hưởng lợi, đến nay, Hà Nội đã xây dựng được 926 chuỗi liên kết nông sản, thực phẩm an toàn. Giá trị từ các chuỗi mang lại rất lớn nhưng chưa thật sự bền vững.
Thông tin trên được chia sẻ tại Diễn đàn khuyến nông @ chủ đề liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp năm 2023, do Sở NNPTNT Hà Nội phối hợp với huyện Mỹ Đức tổ chức.
Chuỗi liên kết nông sản, thực phẩm an toàn - Mô hình đem lại nhiều giá trị
Ông Đoàn Đức Dân - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông TP.Hà Nội cho biết, thời gian qua, các mô hình liên kết theo chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn Hà Nội được đẩy mạnh và đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững, nhất là trong bối cảnh biến động thị trường, rào cản thương mại, chi phí sản xuất tăng cao...
Theo đó, Hà Nội đã xây dựng và đang duy trì tốt 926 chuỗi liên kết nông sản, thực phẩm an toàn, điển hình như: Chuỗi gạo Khu Cháy (huyện Ứng Hòa), thịt lợn A-Z của HTX Hoàng Long (huyện Thanh Oai), nấm Kim châm của công ty TNHH xuất nhập khẩu Kinoko Thanh Cao (huyện Mỹ Đức), rau an toàn xã Văn Đức ( Huyện Gia Lâm)...
Các mô hình này đã thực sự mang lại nhiều lợi ích không chỉ cho doanh nghiệp, người sản xuất, mà người tiêu dùng cũng được hưởng lợi thông qua việc được tiếp cận các nông sản an toàn với giá cả cạnh tranh.
Trong bối cảnh chịu nhiều tác động của dịch bệnh cũng như biến động từ thị trường, ngành nông nghiệp Thủ đô đã chủ động triển khai các biện pháp thích ứng với tình hình để duy trì tăng trưởng, như chủ động chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, triển khai các biện pháp kết nối thị trường... Nhờ đó hầu hết các lĩnh vực chính của ngành đều ghi nhận sự tăng trưởng.
Ông Lê Văn Trang - Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức khẳng định: Mỹ Đức được quy hoạch là vùng đai xanh của Thủ đô Hà Nội, do vậy huyện xác định phát triển kinh tế - xã hội theo hướng sản xuất nông nghiệp là nền tảng, du lịch – dịch vụ là mũi nhọn.
Theo đó, huyện tập trung chỉ đạo phát triển nông nghiệp theo hướng an toàn, VietGAP, sản phẩm hữu cơ, trong đó cây lúa vẫn là cây trồng chủ lực với khoảng hơn 7.000ha lúa/vụ. Bên cạnh đó, các diện tích trồng cây ăn quả, cây rau màu, cây dược liệu được chú trọng theo hướng thâm canh, tăng năng suất và chất lượng.
Hiện nay, toàn huyện có 50 sản phẩm nông sản thực phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP và VietGAP, trong đó có 40 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên. Có thể kể đến các thương hiệu nổi tiếng như nấm Kim Châm của Công ty TNHH xuất nhập khẩu Kinoko Thanh Cao; các sản phẩm được làm từ lụa tơ tằm và tơ sen của Công ty dâu tằm tơ Mỹ Đức, đạt tiêu chuẩn từ 3 sao đến 5 sao đã được xuất khẩu sang châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản; bưởi Diễn Bột Xuyên; gạo TH 8 của HTX NN Hồng Sơn, sản phẩm rau sắng Chùa Hương...
Tuy nhiên, theo ông Trang, mặc dù các sản phẩm nói trên đem lại giá trị kinh tế cao nhưng quy mô liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị còn nhỏ lẻ, phân tán, sản phẩm sản xuất theo mùa vụ, không thường xuyên; việc thu hút các doanh nghiệp, HTX đủ tiềm lực tham gia chuỗi liên kết còn gặp nhiều khó khăn…
"Để sản phẩm nông nghiệp có thể đến được với thị trường xa hơn, huyện Mỹ Đức rất cần các chuyên gia, sở, ngành hỗ trợ quảng bá, kết nối, hoàn thiện chuỗi liên kết" - ông Trang đề nghị.
Gỡ khó cho nông dân
Tại diễn đàn, sôi nổi nhất là phần chia sẻ, thảo luận về các kinh nghiệm phát triển chuỗi liên kết nông sản, những khó khăn vướng mắc mà các doanh nghiệp, bà con nông dân hay gặp phải.
Trong đó, khó khăn lớn nhất của bà con là do thiếu kiến thức nên còn e ngại khi áp dụng những kỹ thuật, công nghệ mới; thiếu vốn đầu tư, chưa mạnh dạn tham gia các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ.
Đó cũng là lí do vì sao, trên địa bàn có nhiều sản phẩm nông nghiệp rất tiềm năng nhưng không quảng bá được, giá bán thấp, khiến sản phẩm không có sự đột phá.
Hầu hết ý kiến bày tỏ mong muốn Nhà nước và doanh nghiệp quan tâm, tạo điều kiện cho người dân về nguồn vốn và đẩy nhanh việc liên kết tiêu thụ nông sản, có định hướng kế hoạch sản xuất sát với nhu cầu thị trường để bà con yên tâm đầu tư làm ăn, không còn phải đối mặt với cảnh được mùa thì rớt giá.
Tại hội nghị, các đơn vị doanh nghiệp và nhà sản xuất đã ký kết biên bản ghi nhớ để kết nối tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn huyện Mỹ Đức.
Huyện Mỹ Đức đã quy hoạch 7 vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, với tổng diện tích hơn 314ha; các vùng sản xuất chuyên canh tập trung như: Lúa chất lượng trên 4.500ha; rau an toàn trên 135ha; vùng cây ăn quả 150ha; vùng nuôi trồng thuỷ sản tập trung 750ha; chăn nuôi trọng điểm; khu giết mổ tập trung; Festival hoa Sen tại An Phú và Hương Sơn quy mô trên 500 ha,...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.