Khóa tu mùa hè có tính nhiệm mầu ở chùa Am Vàng ở xã Đặng Xá, huyện Gia Lâm
Hà Nội: Những khóa tu mùa hè ở chùa Am Vàng
Nguyễn Hải Tiến
Thứ năm, ngày 08/07/2021 05:16 AM (GMT+7)
Kim Âu nghĩa là Am Vàng. Chùa Kim Âu có nghĩa chùa Am Vàng hay Am Vàng tự. Vì chùa nằm trên địa bàn thôn Kim Âu, xã Đặng Xá, huyện Gia Lâm, TP Hà Nội nên người dân nơi đây thường gọi là chùa Kim Âu để khách thập phương dễ phân biệt.
CLIP: Bên trong chùa Kim Âu, xã Đặng Xá, huyện Gia Lâm, TP Hà Nội.
Chùa Kim Âu lưu giữ nhiều nét xưa cổ kính
Qua các văn bia cổ còn lưu lại tại, thì chùa Kim Âu, xã Đặng Xá, huyện Gia Lâm được xây dựng từ Triều đại nhà Trần (thế kỷ thứ 13).
Theo các bậc cao nhiên trong làng, trước đây chùa Am Vàng được xây dựng rất to, có tường xây xung quanh, ngoài tường có ao hồ mặt nước tĩnh lặng, tạo lên một không gian thâm nghiêm, cổ kính.
Theo phong thủy, ao hồ biểu tượng cho phần âm, nhà chùa tượng cho phần dương. Nhờ có âm, dương cân đối, mà chùa được bền vững qua thời gian. Mặt khác, khi xưa các chùa thường xuyên có dầu đèn hương khói, dễ xảy ra hỏa hoạn. Vì vậy ao hồ còn là nơi chứa nước cứu hỏa khi cần.
Trải qua nhiều biến cố thăng trầm của lịch sử đất nước, chùa Am Vàng đã được trùng tu, phục dựng nhiều lần.
Gần đây nhất, chùa Am Vàng được trùng tu vào cuối những năm 1990 của thế kỷ 20. Và liên tục được gia cố tôn tạo mỗi năm thêm một vài hạng mục công trình.
Đến nay chùa Am Vàng có qui mô diện tích chừng 2.000m2, gồm chùa chính, nhà tổ và nhà khách.
Từ ngoài vào là cổng Tam Quan bề thế nối liền với dãy tường cùng các cột trụ biểu xây bao quanh chùa.
Phía trong cổng Tam Quan là khoảng sân rộng nối vào chùa chính. Bên phải và trái sân chùa có lầu Quan Âm và lầu chuông.
Chùa chính gồm ba gian. Phía trước có hệ thống cửa lùa. Hai bên đều có hiên và cửa gỗ. Gian thứ nhất và gian thứ hai đối diện nhau.
Bộ khung đỡ mái gồm bốn bộ vì kèo. Hai bộ vì kèo giữa làm kiểu "chồng rường giá chiêng". Hai bộ vì kèo hồi làm kiểu "kèo kìm quá giang". Mái phân "thượng nhị hạ tam",…
Dù đã trùng tu phục dựng nhiều lần. Nhưng hiện nay chùa Am Vàng vẫn giữ được nhiều nét xưa cổ kính, và bảo tồn được khá nhiều đồ gỗ, đá và đồ đồng cổ như: Các tượng A Di Đà, Quan Thế Âm, Đại Thế Trí, Đức Ông, Thánh Hiền, Địa Tạng, Tòa Cửu long và Thích ca sơ sinh, bức Đại tự "Thần công", chuông đồng "Am Vàng tự chung" còn nguyên quai niên hiệu năm 1868.
Đặc biệt tại chùa Kim Âu còn giữ được 14 tấm bia đá có kích thước từ (27-50)cm x (35-84)cm, niên đại từ năm 1639 – 1872.
Cũng như mọi ngôi chùa ở làng quê Việt Nam khác, chùa Am Vàng dựng lên chủ yếu để thờ Phật, thờ Mẫu và thờ Tổ. Theo đó, hàng năm gần như tháng nào chùa Am Vàng cũng có tế lễ. Hoạt động tế lễ của chùa cũng là để quy tụ lòng dân, hướng tới cái thiện, tiêu trừ cái ác.
Xuất gia nhưng không quên góp sức với cộng đồng
Tác giả viết bài này cũng như nhiều người dân khác, lâu nay vẫn nghĩ: Xuất gia là tách rời cõi tục, chỉ chuyên tâm theo niềm tin, tín ngưỡng tâm linh.
Nhưng sau tìm hiểu tại chùa Am Vàng, chúng tôi đã ngộ ra: Nhà chùa vẫn luôn hướng về nguồn cội dân tộc. Nhà chùa vẫn chung tay góp sức cùng nhà nước các cấp, xây dựng tương lai đất nước tươi đẹp.
Một trong những hoạt động nổi bật nhất của chùa Am Vàng là: Từ năm 2017 đến nay, nhà chùa đã tổ chức được 12 lớp "Khóa tu Mùa hè".
Mỗi lớp khóa tu thu hút 600-700 học sinh vị thành niên 8-16 tuổi đến từ khắp các tỉnh, thành phố miền Bắc như, Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Tuyên Quang, Phú Thọ, Lào Cai, Yên Bái,...Thời gian tổ chức các khóa tu chỉ tập trung vào những tháng các em được nghỉ hè. Mỗi khóa tu kéo dài trong 5 ngày.
Đến với "Khóa tu Mùa hè", các em sẽ được ăn ngủ tại chùa, mặc đồng phục màu lam của nhà chùa, được trang bị đầy đủ các đồ vệ sinh cá nhân (khăn mặt, kem và bàn chải đánh răng và dày dép các loại). Trong thời gian thực hành khóa tu, các em được dùng các đồ ăn chay, nhưng vẫn đảm bảo đủ dưỡng chất.
Đặc biệt các em còn được các anh/chị sinh viên tình nguyện, đến từ các trường đại học trong khu vực, giảng dạy kỹ năng sống. Bao gồm các nội dung: Kính thầy, mến bạn; hiếu nghĩa với mẹ cha; ăn ngủ đúng giờ; thức dậy phải tự gập chăn, gối gọn gàng.
Các em cũng phải học cách rửa bát, rửa chén và lau dọn nhà cửa. Và các em cũng được học các lễ nghi phép tắc,…
Chị Lê Thị Thu Hương ở Ý Yên, tỉnh Nam Định phấn khởi khoe: Khóa tu Am Vàng tự như có phép nhiệm mầu. Sau tham gia Khóa tu Mùa hè 5 ngày, con trai nhà tôi đã thay đổi hẳn tính cách. Cháu biết phụ giúp mẹ nấu cơm, rửa bát, lau nhà. Và cháu rất ngoan. Trước đó thì thôi rồi! Bướng ơi là bướng.
Chị Nguyễn Thị Định ở Gia Lâm, Hà Nội cũng vô cùng sung sướng. Thấy 2 con trai sau khi kết thúc khóa tu Mùa hè ở Am Vàng tự đã biết được đạo hiếu làm con, biết nỗi vất vả của cha mẹ. Và các con của chị biết coi trọng sức lao động và tiền bạc.
Được biết, cuối năm 2020 vừa qua, chùa Am Vàng còn ủng hộ trực tiếp trên 600 triệu đồng cho hơn 1.000 hộ ở 2 tỉnh Quảng Nam và Đà Nẵng bị ảnh hưởng thiên tai bão lụt.
Trụ trì chùa Am Vàng - Sư thầy Thích Đàm Tuệ cho hay: Dự kiến 1-2 năm tới, nhà chùa sẽ mở thêm khóa tu cho sinh viên các trường đại học. Các khóa tu này có các nội dung, nâng cao nhân cách sống, đạo nghĩa vợ chồng, trách nhiệm nêu gương của cha, mẹ với con cái. Nhằm chuẩn bị hành trang vững chắc cho các em trước khi bước vào đời.
Đến chùa không thể quên đình
Nếu như chùa là nơi giải tỏa tâm linh, tập hợp những tấm lòng hướng thiện thì đình là chốn sinh hoạt văn hóa truyền thống. Theo đó Đình Kim Âu thờ Thành hoàng làng là Linh Lang Đại Vương. Đình được xây kề bên Am Vàng tự tạo lên một quần thể đi tích lịch sử văn hóa, tâm linh bề thế, thuận tiện cho khách thập phương đến hành hương và du lịch.
Xưa kia đình Kim Âu là một công trình kiến trúc to lớn nổi tiếng trong vùng. Với lối kiến trúc kiểu chữ "công", gồm tiền đình, phương đình và hậu cung.
Qua thời gian, đình Kim Âu đã được tôn tạo lại, chỉ còn nghi môn, phương đình và hậu cung vẫn mang nguyên dáng nét xưa cổ kính.
Cũng như chùa Am Vàng. Đình Kim Âu vẫn lưu giữ được rất nhiều sắc phong và cổ vật như, ngai thờ, bài vị, cửa võng, câu đối, bia đá, một cuốn thần tích của đình, và gần chục sắc phong của các đời vua triều Nguyễn.
Theo Thần tích đình Kim Âu ghi lại việc tôn thờ Thành hoàng Linh Lang cho thấy: Ngài là một nhân vật quen thuộc trong tín ngưỡng của người dân ở đồng bằng Bắc bộ. Sự tích về nhân vật huyền thoại này được ghi chép nhiều trong sử sách và lưu truyền rộng rãi trong dân gian.
Tại mỗi vùng quê sự tích về Ngài đều mang những tương đồng và đôi chút dị biệt của địa phương. Thần tích của đình Kim Âu cũng vậy - Ngài Linh Lang Đại vương được ghi lại là người có công đánh đuổi giặc ngoại xâm, bảo vệ đất nước và cuộc sống dân làng,...
Hiện nay, người dân thôn Kim Âu, vẫn duy trì được lễ hội rước kiệu Thành hoàng Linh Lang vào các ngày 10 đến 12 tháng 3 (âm lịch) hàng năm. Đây là nét đẹp truyền thống, uống nước nhớ nguồn của dân tộc Việt Nam. Lễ hội nhằm tôn vinh, ghi nhớ công ơn những người đã giúp dân, giúp nước, xây dựng và bảo vệ non sông đất nước.
"Quần thể đình-chùa Kim Âu – Am Vàng đã được UBND thành phố Hà Nội công nhận là di tích lịch sử văn hóa năm 2008", bà Nguyễn Thị Thu Hằng – Trưởng ban Văn hóa xã Đặng Xá cho biết.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.