Hải Dương: Nông dân giúp những hộ bị phong tỏa phun thuốc trừ sâu bảo vệ lúa

Thi Ngọc Thứ hai, ngày 09/08/2021 19:36 PM (GMT+7)
Theo thông tin từ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Hải Dương, hiện nay, sâu cuốn lá nhỏ lứa 6 đang nở rộ trên các ruộng lúa, bệnh bạc lá và đốm sọc vi khuẩn cũng xuất hiện rải rác ở Kinh Môn, Tứ Kỳ và Ninh Giang.
Bình luận 0

Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Hải Dương, trong tháng 8/2021, thời tiết có nắng mưa xen kẽ, mưa dông xuất hiện nhiều hơn. 

Đây là điều kiện thuận lợi cho nhiều loại sâu bệnh phát sinh, phát triển, đặc biệt là bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn và sâu cuốn lá nhỏ trên lúa.

Bà Lương Thị Kiểm, Chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Hải Dương cho biết, hiện sâu cuốn lá nhỏ lứa 6 đang thời kỳ nở rộ với mật độ từ 20 - 25 con/m2, nơi cao từ 30 - 50 con/m2. 

Lứa sâu này có nguy cơ gây hại nặng cho lá đòng và bộ lá công năng của trà lúa mùa sớm, mùa trung, gây ảnh hưởng đến năng suất lúa nếu không phòng trừ kịp thời.

Bên cạnh đó, bệnh bạc lá và đốm sọc vi khuẩn cũng xuất hiện rải rác ở Kinh Môn, Tứ Kỳ và Ninh Giang.

Hải Dương: Ứng phó với sâu bệnh hại lúa trong thời kỳ dịch bệnh Covid-19 - Ảnh 1.

Sâu cuốn lá nhỏ lứa 6. (Ảnh: Thi Ngọc)

Để hạn chế thiệt hại do sâu bệnh gây ra, đồng thời đảm bảo tốt các biện pháp phòng chống dich Covid-19, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đã đề nghị Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp các huyện, thành phố, thị xã theo dõi sát diễn biến sâu bệnh để khoanh vùng và phòng trừ kịp thời, hướng dẫn nông dân phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ, bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn trên lúa với phương châm "đúng trà, đúng giống, đúng diện tích, đúng thời điểm, đúng thuốc".

Tuyệt đối không phun đại trà trên toàn bộ diện tích gây lãng phí, ô nhiễm môi trường và thiệt hại về kinh tế cho người dân.

Cụ thể, đối với sâu cuốn là nhỏ lứa 6 phun trừ trên diện tích lúa mùa sớm có mật độ sâu non từ 20-25 con/m2 và trên diện tích lúa mùa trung có mật độ sâu non từ 40-50 con. 

Căn cứ vào mật độ, diễn biến thực tế của sâu cuốn lá nhỏ, sinh trưởng của các trà lúa của từng địa phương mà khuyến cáo thời điểm phun phù hợp. Chú ý, cao điểm sâu non lứa 6 nở rộ từ ngày 6/8-12/8.

Đối với bệnh bạc lá với bệnh đốm sọc vi khuẩn, các loại thuốc cho bệnh này thường có hiệu lực không cao. 

Bà con nên tăng sức đề kháng cho lúa khỏe, chống chịu tốt với bệnh bằng cách bón phân cân đối, bón đón đòng bằng phân hỗn hợp, ưu tiên bón phân kali, hạn chế bón đạm đơn hoặc phân có hàm lượng đạm cao.

Hải Dương: Hướng dẫn nông dân ứng phó với sâu bệnh hại lúa trong thời kỳ dịch bệnh Covid-19 - Ảnh 2.

Cánh đồng lúa xã Nam Hưng, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương. (Ảnh: Thi Ngoc)

 Đối với bà con nông dân các khu vực bị phong tỏa hoặc cách ly do Covid-19, UBND cấp xã chỉ đạo HTX dịch vụ nông nghiệp, cán bộ khuyến nông cơ cở trao đổi cụ thể và thường xuyên với cán bộ chuyên môn cấp huyện qua điện thoại về tình hình sinh trưởng, phát triển của lúa, diễn biến sâu bệnh hại nói chung và sâu cuốn lá nhỏ nói riêng. 

Từ đó, huyện chỉ đạo phun phòng trừ nếu cẩn thiết. Nếu cần thiết phun thuốc, địa phương phải có phương án cho người dân (không thuộc diện F0, F1, F2) ra đồng phun thuốc theo thời gian khuyến cáo và vẫn phải đảm bảo công tác phòng chống dịch Covid-19.

Với những hộ đang cách ly y tế, có diện tích lúa cần phòng trừ, các tổ chức đoàn thể tại địa phương vận động hội viên, làng xóm với tinh thần tương thân tương ái hỗ trợ làm giúp để bà con tránh bị mất mùa.

Được biết, vụ mùa 2021, toàn tỉnh Hải Dương gieo cấy 55.313 ha lúa, đạt 100,1% so với kế hoạch. Trong đó, trà mùa sớm 25% diện tích, hiện đang trong thời kỳ cuối đẻ nhánh đứng cái; trà mùa trung 67% diện tích, hiện đang đẻ nhánh rộ cuối đẻ; trà mùa muộn 8% đang đẻ nhánh.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem