Hàng loạt "ông lớn" ô tô giảm doanh số kỷ lục, Chính phủ có cho giảm 50% phí trước bạ?

An Linh Thứ sáu, ngày 14/04/2023 17:11 PM (GMT+7)
Honda, Toyota, Thaco, Trường Hải đồng loạt mất doanh số bán xe hàng nghìn, đến chục nghìn chiếc chỉ trong 3 tháng đầu năm khiến cho những cảnh báo gần đây về giai đoạn trầm lắng quan ngại của ngành xe hơi sau đại dịch trở thành hiện thực.
Bình luận 0

Đúng như dự đoán của giới chuyên gia, tiêu thụ ô tô du lịch tại Việt Nam suy giảm rất mạnh, theo Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), cùng một số nhà sản xuất ô tô Việt Nam, 3 tháng qua, lượng xe bán ra suy giảm trên 30%, thị trường suy giảm gần 22.000 chiếc so với cùng kỳ năm trước.

Doanh số bán xe giảm 30%, nhiều ông lớn ô tô vỡ trận!

Theo VAMA, 3 tháng đầu năm, doanh số xe du lịch bán ra khoảng 46.600 chiếc, giảm gần 22.000 chiếc so với cùng kỳ năm trước, trong đó xe sedan 5 chỗ ngồi chỉ đạt doanh số 11.600 chiếc, suy giảm hơn 12.000 chiếc so với cùng kỳ năm trước, xe SUV bán được hơn 15.400 chiếc, suy giảm hơn 5.500 chiếc, xe Crossover bán ra chỉ hơn 5.900 chiếc, suy giảm hơn 3.300 chiếc.

Hàng loạt "ông lớn" ô tô suy giảm doanh kỷ lục, Chính phủ có cho giảm 50% phí trước bạ? - Ảnh 1.

Xe trong nước suy giảm doanh số kỷ lục, nhiều "ông lớn" ngành này mất từ hàng nghìn, đến chục nghìn chiếc xe trong quý I/2023 (Ảnh minh hoạ)

Các hãng xe lắp ráp, nhập khẩu có mặt tại Việt Nam đều suy giảm doanh số rất mạnh, trong đó doanh số của Kia (Trường Hải) lắp ráp suy giảm mạnh nhất, chỉ bán được hơn 8.600 chiếc, giảm 8.100 chiếc, giảm gần 50% so với cùng kỳ năm trước; thương hiệu Toyota cũng chỉ bán ra được hơn 13.500 chiếc, suy giảm hơn 5.000 chiếc so với cùng kỳ năm trước.

Các dòng xe của Honda cũng chỉ bán ra được hơn 4.300 chiếc, giảm gần 5.000 chiếc so với cùng kỳ năm trước, Hyundai Thành Công bán ra hơn 12.700 chiếc, giảm hơn 3.100 chiếc; Mazda của Thaco bán ra được hơn 6.800 chiếc, giảm hơn 2.200 chiếc; các hãng khác như Mitsubishi bán ra được hơn 7.000 chiếc, giảm gần 2.000 chiếc, Suzuki bán được hơn 3.500 chiếc, suy giảm hơn 1.500 chiếc…

Điểm chung dễ nhận thấy là trong quý I/2023 doanh số các hãng xe đều suy giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2022 và cả năm 2021. Điều này cho thấy, sự khó khăn lớn của doanh nghiệp xe trong nước khi sức mua suy giảm so với ngay cả thời điểm khi dịch Covid-19 bùng phát tại Việt Nam.

Trong quý I/2022, doanh số tiêu thụ xe hơi tại Việt Nam là khoảng 68.450 chiếc, trong khi đó quý I/2021, doanh số tiêu thụ xe hơi tại Việt Nam cũng đạt khoảng 49.400 chiếc, cao hơn mức tiêu thụ hơn 46.600 chiếc trong 3 tháng qua.

Theo đại diện doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp xe hơi tại Việt Nam, khó khăn kinh tế và lãi suất tăng cao là nguyên nhân khiến doanh số xe tại Việt Nam giảm sút. Mặc dù thời gian qua, nhiều hãng xe đã cho giảm giá bán tại thị trường trong nước song sức cầu yếu, việc giảm giá bán không tác động nhiều đến doanh số. Dự kiến nếu kinh tế quý II, III tiếp tục khó khăn, doanh số bán xe hơi trong nước có thể tiếp tục suy giảm.

"Nếu tình hình kinh tế tiếp tục khó khăn trong quý II, III/2023 và lãi suất tiêu dùng, mua sắm xe vẫn cao, thị trường xe vẫn rất khó khăn. Nếu không có các động thái giảm phí trước bạ, doanh nghiệp cũng phải giảm giá bán xe, nhưng từ đó cũng giảm sản lượng sản xuất để bảo toàn và cân bằng vốn. Có thể, bài toán doanh số năm 2023 của nhiều doanh nghiệp sẽ vỡ trận", đại diện doanh nghiệp nói trên cho biết.

Trái ngược với thị trường xe trong nước, hoạt động nhập khẩu xe hơi từ nước ngoài về Việt Nam vẫn thuận lợi, lượng xe nhập vẫn tăng tăng trên 77% so với cùng kỳ. Cụ thể, theo báo cáo của Tổng cục Hải quan, hết tháng 3/2023, tổng lượng xe nhập về Việt Nam ước đạt hơn 42.000 chiếc, kim ngạch trên 920 triệu USD, tăng 18.300 chiếc so với cùng kỳ năm trước.

Riêng xe dưới 9 chỗ ngồi, lượng nhập hơn 34.800 chiếc, tăng hơn 14.000 chiếc so với cùng kỳ năm trước, tăng trên 67% về lượng xe nhập. Các thị trường cung cấp xe nhiều nhất cho Việt Nam vẫn là Thái Lan, Indonesia với gần 80%, Trung Quốc là trên 10%, sau đó là Nhật Bản, Mỹ…

Như vậy, có thể nói bức tranh thị trường ô tô tại Việt Nam đang có hai mặt đối lập, xe trong nước và doanh nghiệp xe trong nước đang hết sức khó khăn do doanh số suy giảm mạnh, hầu hết ở các phân khúc, mẫu. Trong khi đó, các doanh nghiệp xe nhập khẩu vẫn tăng trưởng mạnh mẽ về doanh số và lượng xe nhập vào Việt Nam. Tình thế này buộc các doanh nghiệp phải chọn lựa giải pháp giảm giá, mở rộng ưu đãi để bán hàng nhằm tăng doanh số, lợi nhuận. Tuy nhiên, trong bối cảnh doanh nghiệp khó khăn, cầu về xe đang yếu giải pháp này rất khó hiệu quả.

Theo một số doanh nghiệp xe hơi tại Việt Nam, việc suy giảm xe trong nước có hai nguyên nhân chủ quan là do nền kinh tế khó khăn, lãi suất tăng nên suy giảm nhu cầu xe hơi của người tiêu dùng. Ngoài ra, chính sách giảm 50% phí trước bạ không được gia hạn, mất công cụ kích cầu cho xe trong nước, dẫn đến giảm sức hấp dẫn.

Trong tháng 2/2023, VAMA, cùng một số doanh nghiệp, một số tỉnh như Ninh Bình, Quảng Nam đề xuất Chính phủ gia hạn chính sách giảm phí trước bạ 50% với xe trong nước đăng ký lần đầu như đã áp dụng trong 5 tháng đầu năm 2022. Tuy nhiên, mới đây, Bộ Tài chính trong văn bản góp ý với Chính phủ đã đề xuất không nên gia hạn chính sách này vì cho rằng chính sách này khiến Việt Nam có thể bị các nước kiện lên WTO vì phân biệt quốc gia. Hiện, Chính phủ đang cân nhắc, xem xét đưa ra chính sách nói trên trong bối cảnh tăng trưởng quý I/2023 đang thấp, sự suy giảm, phá sản của doanh nghiệp ngày một tăng và bản thân doanh nghiệp ô tô trong nước cũng đang đối lập với khó khăn về vốn sản xuất, lẫn chi phí.

Giải thích về hiện tượng hàng loạt hãng xe, trong đó có nhiều ông lớn như Honda, Toyota, Thaco, Thành Công đều giảm doanh số liên tiếp trong 3 tháng đầu năm 2023, chuyên gia ô tô Nguyễn Minh Đồng cho rằng: "Các quý đầu tiên năm mới đều suy giảm doanh số, năm 2022, 2021 sở dĩ doanh số cao là do các hãng giảm giá mạnh, cộng với Nhà nước giảm 50% phí trước bạ nên nhu cầu mua xe tăng cao. Năm 2023, kinh tế vừa khó khăn, công cụ kích cầu lại không còn, dù doanh nghiệp có giảm giá nhiều mẫu, dòng xe, nhưng cũng không thể kéo doanh số lên được".

Về giải pháp, theo vị này, doanh nghiệp cần công cụ kích cầu mua sắm xe hơi, trong đó có phí trước bạ (đang được đề xuất lên Thủ tướng). Ngoài ra, doanh nghiệp cần giảm giá xe hơi trong nước nhằm hạ giá, mở rộng phạm vi tiếp cận của khách hàng.

Cũng theo ông Đồng, mặc dù có đề xuất giảm 50% phí trước bạ từ VAMA, doanh nghiệp, nhưng bối cảnh ngân sách khó khăn như hiện nay; đồng thời nền kinh tế đang hồi phục và trở lại bình thường, rất khó để Chính phủ ban hành chính sách biệt đãi giảm 50% phí trước bạ cho xe trong nước. Dù rất khó khăn, nhưng các doanh nghiệp phải tự cân đối và thay đổi các kế hoạch nhằm vượt qua thời kỳ khó khăn, không thể dựa vào chính sách, ưu đãi của Nhà nước như giai đoạn đầu năm 2022, 2021. 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem