HĐND tỉnh Bình Dương ngày càng góp phần quan trọng phát triển kinh tế xã hội
HĐND tỉnh Bình Dương ngày càng góp phần quan trọng phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an sinh, an ninh, quốc phòng
Nguyên Vỹ
Thứ tư, ngày 27/09/2023 21:50 PM (GMT+7)
Từ những nỗ lực đổi mới về nội dung, phương thức tổ chức; nâng cao tính chuyên nghiệp, chất lượng trong các hoạt động, HĐND tỉnh Bình Dương đã khẳng định vị trí, vai trò là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân.
Vai trò của HĐND tỉnh Bình Dương ngày càng đóng góp quan trọng vào quá trình phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội; đảm bảo chính sách an sinh, an ninh, quốc phòng của tỉnh.
Phát huy vai trò của đại biểu dân cử
Không phải là người Bình Dương, nhưng quá trình gắn bó gần 15 năm, ông Trần Thành Trọng – Phó Chủ tịch Liên đoàn Doanh nghiệp tỉnh đã xem Bình Dương là quê hương thứ hai của mình.
Tại cuộc bầu cử đại biểu HĐND tỉnh Bình Dương nhiệm kỳ 2021 - 2026, ông Trọng được cử tri TP.Thuận An tín nhiệm bầu làm đại biểu HĐND. Ông Trọng xem việc được cử tri tín nhiệm là cơ hội để làm việc vì cộng đồng, góp phần nhỏ cho sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.
Từ đầu nhiệm kỳ (2021 - 2026) đến nay, Bình Dương gặp nhiều khó khăn, thách thức do tác động của đại dịch Covid-19, và tình hình thế giới nhiều biến động.
Ông Trọng kể, khó khăn lớn nhất khi thực hiện vai trò đại biểu là phải dành nhiều thời gian hơn cho việc điều hành doanh nghiệp. Tuy nhiên, ông xem đây là khó khăn khách quan, rồi cũng sẽ qua đi.
"Bên cạnh nỗ lực cá nhân, tôi nhận được nhiều sự tín nhiệm, động viên của người dân và doanh nghiệp; và sự giúp đỡ của Thường trực HĐND tỉnh để hoàn thành nhiệm vụ", ông Trọng nói.
Lần đầu tiên được tham gia HĐND tỉnh, ông thường xuyên tiếp xúc, lắng nghe ý kiến, kiến nghị của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt quan tâm đến những vấn đề phát sinh ở cấp cơ sở.
Thời gian qua, ông Trọng đã có 14 lần kiến nghị trực tiếp hoặc bằng văn bản đến các cơ quan có thẩm quyền, và đã nhận được 13 văn bản và ý kiến trả lời, hầu hết là giải quyết thỏa đáng, hợp lý và hợp pháp.
Thời gian tới, ông Trọng kiến nghị Thường trực HĐND tỉnh cần tổ chức nhiều hơn các cuộc trao đổi học tập kinh nghiệm với HĐND các tỉnh, thành trong và ngoài nước. Bởi vì đây cũng là 1 cách tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng hiệu quả cho biểu không chuyên trách như ông.
"Đồng thời, trong việc giải quyết kiến nghị, tôi kiến nghị các cơ quan trong tỉnh giải quyết nhanh hơn các kiến nghị mà tôi và HĐND tỉnh chuyển đến để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người dân", ông Trọng nói.
HĐND tỉnh Bình Dương thực hiện tốt chức năng giám sát
Thời gian qua, Tổ đại biểu HĐND tỉnh đơn vị TP.Thủ Dầu Một đã thực hiện quá trình giám sát UBND TP.Thủ Dầu Một về việc giải quyết kiến nghị của các hộ dân liên quan đến Dự án Khu dân cư Phú Thuận.
Ông Nguyễn Quốc Cường - Hiệu trưởng trường Đại học Thủ Dầu Một, Tổ trưởng tổ đại biểu HĐND tỉnh đơn vị TP.Thủ Dầu Một cho biết, hoạt động giám sát của Tổ đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm cho các hoạt động về sau.
Theo ông Cường, công tác chuẩn bị cho hoạt động giám sát được Tổ tiến hành sớm và chu đáo. Trong đó, việc lựa chọn vấn đề giám sát là khâu quan trọng đầu tiên.
Tổ đại biểu tổ chức một cuộc họp toàn thể thành viên. Đây là việc hết sức cần thiết trước khi báo cáo Thường trực HĐND tỉnh và ban hành kế hoạch giám sát.
Sau đó là tổ chức buổi làm việc trực tiếp. Tổ đại biểu phát huy vai trò của từng thành viên trong Tổ, tích cực nghiên cứu, phát biểu ý kiến, đặt câu hỏi, mổ xẻ chi tiết từng vấn đề gút mắc. Đồng thời, Tổ lắng nghe lãnh đạo địa phương, cơ quan chuyên môn nêu rõ những khó khăn, đặc biệt là đề xuất phương án xử lý.
Với cách làm này, giám sát chuyên đề của Tổ đại biểu Thủ Dầu Một diễn ra nghiêm túc, trách nhiệm, chất lượng và hiệu quả. "Điều đó đã giúp cho việc đánh giá, kết luận, kiến nghị của đoàn giám sát toàn diện, chính xác và phù hợp với thực tiễn", ông Cường nói.
Thực hiện chức năng giám sát, Thường trực HĐND tỉnh và các ban của HĐND tỉnh tiếp tục có nhiều đổi mới, sáng tạo theo hướng thiết thực, chất lượng, hiệu quả; quy trình tổ chức giám sát chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật.
Bà Nguyễn Thị Thanh Mai - Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh cho biết, công tác giám sát tại Ban được triển khai thực hiện theo chuyên đề, với nội dung giám sát được lựa chọn sát với tình hình thực tế của địa phương. Việc xây dựng báo cáo kết quả giám sát và thông báo kết luận nội dung giám sát phản ánh đúng tình hình thực tế, các kiến nghị, đề xuất cụ thể.
Trong năm 2022, Ban Pháp chế đã tổ chức hiệu quả 2 chương trình giám sát chuyên đề về tình hình, kết quả thực hiện Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI); và công tác thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh. Qua đó, đoàn giám sát đã chỉ ra nguyên nhân, hạn chế, có đề xuất, kiến nghị các giải pháp nhằm nâng cao Chỉ số PAPI trên địa bàn tỉnh Bình Dương.
Nửa nhiệm kỳ đổi mới, thiết thực, hiệu quả của HĐND tỉnh Bình Dương
Ngày 27/9, HĐND tỉnh Bình Dương tổ chức Hội nghị đại biểu HĐND tỉnh khóa X về Sơ kết giữa nhiệm kỳ 2021-2026. Đây là hội nghị có ý nghĩa quan trọng để HĐND tỉnh kịp thời đánh giá những kết quả đạt được; đồng thời đề ra những định hướng để không ngừng đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động.
Theo ông Nguyễn Văn Lộc – Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Dương, nửa nhiệm kỳ đã đi qua trong bối cảnh nhiều biến động, chưa có tiền lệ. HĐND, Thường trực HĐND, các Ban HĐND, đại biểu HĐND tỉnh đã linh hoạt, sáng tạo, đổi mới, nỗ lực thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, và đã đạt được những kết quả tích cực.
HĐND tỉnh Bình Dương đã tổ chức thành công 11 kỳ họp, với 165 Nghị quyết được banh hành. Các Nghị quyết được ban hành đều mang tính thời sự, cấp bách, linh động, sáng tạo, thực sự đi vào cuộc sống, tạo hành lang pháp lý quan trọng cho UBND tỉnh quản lý, điều hành và được nhân dân đồng tình ủng hộ.
Hoạt động giám sát chuyên đề được tổ chức thực hiện có chất lượng, đúng tiến độ đề ra. Nội dung giám sát đúng trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào những vấn đề nổi cộm, sát với tình hình thực tiễn của địa phương.
Công tác thẩm tra của các Ban HĐND tỉnh ngày càng chú trọng về chất lượng, có tính phản biện, thể hiện rõ chính kiến của Ban đối với từng nội dung thẩm tra, giúp HĐND tỉnh có thêm thông tin, căn cứ trong thực hiện chức năng quyết định.
Hình thức tiếp xúc cử tri được đổi mới và đa dạng hóa thông qua nhiều hình thức, cả trực tiếp và trên các nền tảng số; tạo sự thuận lợi cho cử tri và người dân trong việc phản ánh ý kiến, kiến nghị của mình.
"Từ những hoạt động, trên HĐND tỉnh đã thực sự khẳng định vị trí, vai trò là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân; đóng góp quan trọng vào quá trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo chính sách an sinh, an ninh, quốc phòng của tỉnh", ông Nguyễn Văn Lộc nói.
Những dấu ấn trong nửa nhiệm kỳ hoạt động của HĐND tỉnh Bình Dương khóa X (2021 - 2026)
1. Bình Dương là đơn vị đầu tiên trong cả nước tổ chức Hội nghị trao đổi kinh nghiệm hoạt động giữa Thường trực HĐND tỉnh với các cơ quan dân cử của Quốc hội. Hội nghị là bước tiến mới trong công tác học tập, trao đổi kinh nghiệm, đặc biệt là tăng cường học tập, trao đổi kinh nghiệm với các cơ quan Trung ương.
2. Chất lượng và hiệu quả hoạt động giám sát từ đầu nhiệm kỳ đến nay không ngừng được nâng lên, đổi mới cả về hình thức và nội dung, nhất là giám sát chuyên đề.
3. Giám sát của Tổ đại biểu HĐND tỉnh đơn vị TP.Thủ Dầu Một: Đây là lần đầu tiên trong hoạt động của HĐND tỉnh, Tổ đại biểu có một chuyên đề giám sát riêng đối với các cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương nơi ứng cử. Hoạt động này góp phần làm phong phú, đa dạng hình thức, nâng cao hơn nữa hiệu quả chất lượng giám sát của cơ quan dân cử.
4. Đổi mới và đa dạng hóa hình thức tiếp xúc cử tri
- Tiếp xúc cử tri chuyên đề với công nhân, lao động và đội ngũ cán bộ công đoàn trên địa bàn tỉnh Bình Dương với chủ đề "Đồng hành và chia sẻ cùng công nhân lao động và cán bộ công đoàn".
- Tổ chức diễn đàn trẻ em tỉnh Bình Dương với chủ đề "Chung tay giảm thiểu tổn hại trẻ em".
- Tổ chức Chương trình đối thoại với cử tri trên sóng truyền hình và các nền tảng ứng dụng xã hội, với các chủ đề: Thiết chế văn hóa: Góc nhìn từ thực tiễn; Bình Dương - Vì một tương lại an cư lạc nghiệp; Cải cách thủ tục hành chính - Lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm.
5. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động dân cử gắn với thực hiện chuyển đổi số, như: tổ chức các kỳ họp, phiên họp không giấy; sử dụng phần mền điều hành kỳ họp, biểu quyết điện tử; sử dụng phần mền theo dõi xử lý đơn thư khiếu nại tố cáo trên Trang thông tin tổng hợp Đại biểu dân cử tỉnh Bình Dương.
6. Thực hiện tốt các hoạt động xã hội hướng về cử tri và nhân dân: Huy động các nguồn lực hỗ trợ cho người dân ở các huyện, thị xã, thành phố chịu ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19 gây nên; chăm lo gia đình chính sách, hộ nghèo, công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn (hình ảnh thăm, tặng quà cho công nhân, lao động).
Vui lòng nhập nội dung bình luận.