Hội Nông dân tỉnh Đồng Nai xây dựng nhiều mô hình giúp nông dân khởi nghiệp sáng tạo
Hội Nông dân tỉnh Đồng Nai xây dựng nhiều mô hình giúp nông dân khởi nghiệp sáng tạo
Đức Thịnh
Chủ nhật, ngày 26/05/2024 18:51 PM (GMT+7)
Thời gian qua, Hội Nông dân tỉnh Đồng Nai đã tích cực đồng hành cùng nông dân khởi nghiệp sáng tạo, xây dựng nhiều mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao. Các mô hình này đã cho hiệu quả kinh tế cao, mang lại thu nhập tiền tỷ cho nhiều nông dân Đồng Nai.
Mô hình trồng dưa lưới công nghệ cao của anh Mai Thế Hiển (35 tuổi, ngụ ấp Vĩnh Cửu, xã Vĩnh Thanh, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai) là điểm sáng trong phát triển kinh tế ở địa phương. Nhờ có kiến thức cùng quá trình đầu tư bài bản nên vườn dưa lưới hơn 7.000m2 của anh Hiển đã cho lợi nhuận gần 1 tỷ đồng/năm.
Anh Hiển cho biết: Mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng không còn mới đối với những nông dân trẻ hiện nay, nhất là trên địa bàn huyện Nhơn Trạch. Hiện nay, mô hình nhà màng đang được nhiều nông dân triển khai, thực hiện đạt hiệu quả khá cao. Khi mới thực hiện mô hình, anh Hiển phải chi gần 450 triệu đồng để đầu tư vào hệ thống nhà màng, xây trụ bê tông, hệ thống tưới nước nhỏ giọt của Israel nhằm hạn chế sâu bệnh và có sự kiểm soát tốt hơn về chất lượng dưa thành phẩm.
Thông qua nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân, các cấp Hội Nông dân tỉnh Đồng Nai tập trung hỗ trợ nông dân khởi nghiệp xây dựng các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ.
Giai đoạn đầu khi chưa có vốn, anh chỉ làm thử nghiệm trên 700m2, sau 1 năm nhận thấy hiệu quả kinh tế cao, anh mới nâng dần lên 3.000m2 rồi đến 7.000m2 như hiện tại, với tổng kinh phí đầu tư khoảng 3,2 tỷ đồng.
Khi mới khởi nghiệp mô hình, anh Hiển tích cực tham gia các lớp tập huấn khoa học kỹ thuật và các chuyến thăm quan các mô hình thực tế do Hội Nông dân tỉnh Đồng Nai tổ chức để có thêm kiến thức, kinh nghiệm trồng dưa lưới trong nhà màng. Anh Hiển cũng tự nuôi ong để thụ phấn cho dưa lưới nhằm tiết kiệm sức người và tăng năng suất cho vườn dưa lưới.
Theo anh Hiển, vườn dưa lưới đã làm được 8 vụ, trung bình mỗi vụ thu hoạch từ 4,5 - 5 tấn, giá bán sỉ là 25.000 đồng/kg, bán lẻ là 40.000 - 45.000 đồng/kg.
Nhờ linh hoạt trong ứng dụng khoa học kỹ thuật vào làm nông nghiệp, cứ mỗi vụ dưa, gia đình anh Hiển thu lợi nhuận khoảng 35 triệu đồng/1.000m2; sau khi trừ hết các chi phí anh thu được gần 1 tỷ đồng/năm. Nếu duy trì mức lợi nhuận như vậy, chỉ sau 1- 2 năm anh Hiển sẽ hoàn vốn và bắt đầu có lãi.
Không chỉ tổ chức các lớp tập huấn KHKT, Hội Nông dân tỉnh Đồng Nai còn tích cực tổ chức các hội thi nông dân giỏi ứng dụng tiến bộ khoa học và kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp. Anh Cao Xuân Lâm (ngụ ấp 3, xã Xuân Hòa, huyện Xuân Lộc), là một trong những nông dân tích cực tham gia các hội thi này của Hội Nông dân tỉnh Đồng Nai.
Anh Lâm cho biết, trước đây anh chăn nuôi bò sinh sản rồi mạnh dạn chuyển sang nuôi bò vỗ béo và khá thành công với mô hình này. Hiện trang trại của gia đình anh thường xuyên duy trì 200 con bò, mỗi năm cho doanh thu tiền tỷ.
Để chuyên nghiệp hóa trong việc chăn nuôi đàn bò vỗ béo 200 con, anh Lâm đã tìm hiểu về các thiết bị cơ giới phục vụ sản xuất nông nghiệp, mày mò mua thiết bị về tự chế. Từ một chiếc máy cày thông thường, anh đã đầu tư gắn thêm dàn xúc và thiết kế thêm một cái máy băm làm tăng tính năng sử dụng của máy cày. Chiếc máy này gồm có 4 chức năng là băm các chế phẩm nông nghiệp như cỏ, cây bắp, cây mì, mía; trộn thức ăn; xúc thức ăn vận chuyển đến vị trí cho bò ăn và dọn dẹp phân bò.
Ngoài việc băm thức ăn trong chuồng trại, máy còn di chuyển ra tận ruộng, rẫy để băm thức ăn giúp giảm chi phí vận chuyển và giảm nhân công. Trước đây khi chưa sử dụng máy, nuôi 200 con bò, anh Lâm phải thuê 10 công lao động. Từ khi sử dụng chiếc máy này, trang trại của anh Lâm đã giảm được 6 công lao động. Bình quân mỗi tháng, anh Lâm tiết kiệm được gần 50 triệu đồng tiền công lao động.
Năm 2021 anh Lâm đã đoạt giải Nhất tại Hội thi Nông dân giỏi ứng dụng tiến bộ khoa học và kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp tỉnh Đồng Nai với việc ứng dụng công nghệ trong chăn nuôi bò vỗ béo.
Nhiều hoạt động hỗ trợ nông dân khởi nghiệp sáng tạo
Nhiều năm qua, với vai trò trung tâm, nòng cốt của phong trào, các cấp Hội Nông dân tỉnh Đồng Nai đã có nhiều biện pháp tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi; phối hợp tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới...
Hội đã hỗ trợ nông dân vay vốn, mua vật tư nông nghiệp, máy nông cụ theo phương thức trả chậm với lãi suất ưu đãi; hướng dẫn phát triển các hình thức kinh tế tập thể… góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở nông thôn, tăng thêm hộ nông dân khá, giàu, tạo thêm công ăn việc làm và cải thiện đời sống cho hàng ngàn hộ nông dân.
Đáng chú ý, thực hiện đề án "Nâng cao vai trò Hội Nông dân Việt Nam trong việc hỗ trợ nông dân khởi nghiệp sáng tạo giai đoạn 2020 – 2025", trên địa bàn tỉnh Đồng Nai xuất hiện ngày càng nhiều các mô hình nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, cho thu nhập từ vài tỷ đến vài chục tỷ đồng/năm.
Hội Nông dân tỉnh Đồng Nai cũng tăng cường các hoạt động bồi dưỡng, tập huấn kiến thức, kỹ năng trong sản xuất, khởi nghiệp cho hàng chục ngàn lượt hội viên nông dân. Giai đoạn 2020-2023, Hội tổ chức nhiều đoàn tham quan học tập mô hình nông nghiệp công nghệ cao cho cán bộ, hội viên để tiếp cận các điển hình thành công và ứng dụng vào thực tế.
Ngoài ra, để hỗ trợ hội viên nông dân khởi nghiệp, Hội Nông dân tỉnh Đồng Nai đã xây dựng Đề án thành lập Quỹ Hỗ trợ nông dân và được tỉnh cấp cho Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh là 40 tỷ đồng cho giai đoạn 2016-2020. Năm 2020, Hội Nông dân tỉnh tiếp tục xây dựng Đề án "Phát triển nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2021-2025", được ngân sách tỉnh cấp 50 tỷ đồng cho giai đoạn 2021 – 2025.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.