Honda và Nissan đàm phán sáp nhập: Chuyên gia chỉ rõ lý do "sống còn"
Honda và Nissan đàm phán sáp nhập: Chuyên gia chỉ rõ lý do "sống còn"
Nguyễn Thịnh
Thứ năm, ngày 19/12/2024 06:11 AM (GMT+7)
Trong bối cảnh các hãng xe Nhật Bản đang phải vật lộn với sự trỗi dậy mạnh mẽ của các đối thủ đến từ Trung Quốc, thông tin về việc Honda và Nissan đàm phán sáp nhập đã thu hút sự chú ý lớn của ngành công nghiệp xe hơi toàn cầu.
Đây không chỉ là câu chuyện riêng của hai thương hiệu Honda và Nissan, mà còn phản ánh những áp lực và thách thức lớn đang đè nặng lên toàn bộ ngành ô tô Nhật Bản.
Người Nhật, vốn nổi tiếng với sự cẩn trọng và bảo thủ, đang phải trả giá đắt khi tỏ ra chậm chạp trong quá trình điện hoá. Khi các hãng xe Trung Quốc ngày càng thống trị thị trường nhờ các mẫu xe điện giá rẻ, hiện đại thì Nhật Bản lại tỏ ra loay hoay với chiến lược và công nghệ sẵn có của mình.
Tại Trung Quốc - thị trường ô tô lớn nhất thế giới, các thương hiệu Nhật Bản đang dần mất chỗ đứng. Không chỉ dừng lại ở đó, sự lấn át này còn có nguy cơ lan rộng ra toàn cầu, khi các thương hiệu Trung Quốc ngày càng mở rộng sự hiện diện ở Đông Nam Á, châu Âu và Mỹ Latinh.
Áp lực buộc Honda và Nissan phải sáp nhập
Trao đổi với PV Dân Việt, chuyên gia xe Quang Anh nêu lý do đầu tiên, rằng đây chính là áp lực buộc phải sáp nhập: "Việc Honda và Nissan đàm phán sáp nhập không phải là một lựa chọn, mà gần như là một sự bắt buộc mang tính sinh tồn. Cả hai hãng đều đang đối mặt với những vấn đề nghiêm trọng về chi phí vận hành, đổi mới công nghệ và năng lực cạnh tranh".
Vị chuyên gia này phân tích, Nissan, dù từng là một trong những hãng tiên phong với mẫu xe điện Leaf, giờ đây lại tụt hậu trong cuộc đua xe điện khi không đưa ra được sản phẩm mới đủ sức cạnh tranh. Trong khi Honda, dù có dòng xe hybrid khá phổ biến, nhưng cũng chậm trễ trong việc phát triển xe thuần điện (BEV). Cả hai hãng đều đang gánh chịu áp lực lớn từ sự sụt giảm doanh số toàn cầu và thiếu một chiến lược rõ ràng để đối phó với sự thay đổi nhanh chóng của ngành công nghiệp.
Honda và Nissan đã có các cuộc đàm phán sơ bộ về việc hợp nhất, dự báo có thể đưa ra thông báo vào ngày 23 tháng 12 sắp tới.
"Sự hợp lực giữa Honda và Nissan, nếu thành công, có thể giúp họ tiết kiệm chi phí nghiên cứu và phát triển, đồng thời tận dụng được lợi thế của nhau trong các mảng thị trường khác nhau. Tuy nhiên, thương vụ này cũng tiềm ẩn nhiều thách thức, từ việc đồng nhất văn hóa doanh nghiệp đến khả năng tái cấu trúc danh mục sản phẩm và mở rộng thị phần", ông Quang Anh nói.
Ở góc cạnh thứ hai, chuyên gia xe Quang Anh cho rằng, tại khu vực Đông Nam Á, nơi người Nhật vẫn có lợi thế lớn nhờ hệ thống phân phối mạnh mẽ và sự ưa chuộng từ khách hàng, thương vụ sáp nhập này có thể mang đến nhiều thay đổi đáng kể. Còn ở Việt Nam, Nissan, Honda và Mitsubishi đều là những cái tên quen thuộc, nhưng không ai trong số họ thực sự có được vị thế mạnh mẽ như "người đồng hương" Toyota hay "người hàng xóm" Hyundai.
Honda chủ yếu dựa vào các mẫu xe phổ biến như CR-V và City, nhưng doanh số không quá nổi bật trong vài năm gần đây. Nissan, dưới sự hỗ trợ từ đơn vị phân phối mới, đang cố gắng phục hồi nhưng kết quả vẫn rất hạn chế và gần như mất hút trên thị trường. Mitsubishi, dù có Xpander và X-Force là những mẫu xe bán chạy hàng đầu phân khúc, cũng chưa đủ để giúp thương hiệu này bật lên trong cuộc đua thị phần.
"Nếu Honda và Nissan sáp nhập, sự hợp nhất này có thể tạo ra những mẫu xe với mức giá và công nghệ cạnh tranh hơn, từ đó tăng sức hút với khách hàng Việt Nam. Tuy nhiên, nếu không có chiến lược phối hợp hiệu quả và triển khai nhanh chóng, rất có thể thị trường Việt Nam sẽ tiếp tục chứng kiến sự lép vế của liên minh này trước sự lấn lướt của các thương hiệu đồng hương như Toyota, Mazda hay các đối thủ tới từ Hàn Quốc và Trung Quốc", ông Quang Anh bày tỏ.
Khủng hoảng của Stellantis và tác động đến Nhật Bản
Nhìn rộng ra, những gì đang diễn ra với Honda và Nissan không chỉ là câu chuyện của riêng họ. Ngành ô tô toàn cầu đang phải đối mặt với sự tái cơ cấu mạnh mẽ, trong đó những hãng chậm chân như Stellantis - tập đoàn sở hữu các thương hiệu lớn như Jeep, Peugeot hay Chrysler - cũng không nằm ngoài vòng xoáy này.
Trong năm 2024, Stellantis đã chứng kiến doanh số toàn cầu giảm 12%, với quý 3 giảm tới 20% so với cùng kỳ năm trước, trong đó Bắc Mỹ giảm 36%. Công ty còn cắt giảm dự báo biên lợi nhuận và chứng kiến giá cổ phiếu giảm tới 44% trong năm. Điều này cho thấy, ngay cả những tập đoàn lớn nếu không đổi mới kịp thời, cũng có thể rơi vào tình trạng khó khăn tương tự như các hãng xe Nhật.
Chuyên gia xe Quang Anh nghi ngại: "Câu hỏi đặt ra rằng nếu Honda và Nissan - hai thương hiệu lớn thứ 2 và thứ 3 của Nhật Bản phải sáp nhập để tồn tại, liệu Toyota, ông lớn dẫn đầu ngành công nghiệp ô tô Nhật Bản, có đứng ngoài xu hướng này?".
Toyota, dù đang dẫn đầu doanh số toàn cầu, lại bị chỉ trích nặng nề vì sự bảo thủ trong chiến lược điện hóa. Hãng vẫn trung thành với động cơ hybrid và nhiên liệu hydro thay vì tập trung hoàn toàn vào xe thuần điện (BEV). Điều này khiến Toyota dần tụt lại trong cuộc đua công nghệ trước những đối thủ như Tesla, BYD...
"Nếu một ngày Toyota buộc phải tìm kiếm một đối tác chiến lược để tồn tại, câu hỏi đặt ra là: Ai sẽ là người họ chọn để hợp tác? Mazda, Subaru hay thậm chí một đối tác ngoài Nhật Bản? Dù chưa đến mức báo động, nhưng nếu không nhanh chóng thay đổi chiến lược, ngay cả Toyota cũng có thể bị cuốn vào làn sóng tái cấu trúc này", ông Quang Anh nhấn mạnh.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.