Hợp tác kinh tế Việt - Nga: Kế thừa thành tựu ngành dầu khí, gợi mở các tiềm năng lớn khác

An Linh Thứ tư, ngày 19/06/2024 08:58 AM (GMT+7)
Theo TS Lê Đăng Doanh, hiếm có mối quan hệ nào trên thế giới về hợp tác thăm dò, khai thác dầu khí đặc biệt như Việt Nam - Liên bang Nga trong 40 năm qua. Ông cho rằng, quan hệ kinh tế Việt - Nga không chỉ được phát triển mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực mà còn được đi vào chiều sâu, thực chất.
Bình luận 0

Nhận lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, trong hai ngày 19-20/6, Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin sẽ bắt đầu chuyến thăm Việt Nam.

Với những quan hệ tốt đẹp giữa hai đất nước và nhân dân từ lịch sử, chuyến thăm của Tổng thống Putin được kỳ vọng sẽ thúc đẩy hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước vốn được trải qua nhiều thử thách của lịch sử.

Hợp tác kinh tế Việt - Nga: Kế thừa thành tựu ngành dầu khí, gợi mở các tiềm năng lớn khác- Ảnh 1.

Công trình giàn khoan khai thác dầu thô Vietsovpetro trên biển khẳng định mối quan hệ hợp tác kinh tế và giữ gìn an ninh, chủ quyền trên biển của Việt Nam (Ảnh: PVN).

Kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Nga luôn cân bằng

Ở khía cạnh kinh tế, đầu tư, hợp tác Việt Nam - Liên bang Nga là mối hợp tác chiến lược, hiếm có ở một số ngành trọng điểm như dầu khí, khoa học và công nghệ.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính), kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Nga trong 5 năm qua (2019-2023) luôn ở mức cân bằng.

Cụ thể, năm 2023, Việt Nam xuất khẩu hơn 1,7 tỷ USD hàng hóa sang Nga và nhập khẩu hàng hóa trị giá hơn 1,8 tỷ USD.

Trước đó, năm 2022, Việt Nam xuất khẩu hơn 1,55 tỷ USD và cũng nhập khẩu hơn 1,9 tỷ USD hàng từ Nga. Năm 2021, Việt Nam xuất sang thị trường này hơn 3,2 tỷ USD và nhập hơn 2,3 tỷ USD hàng từ nước này về Việt Nam.

Năm 2020, Việt Nam xuất sang nước này hơn 2,8 tỷ USD và nhập về hơn 2 tỷ USD, năm 2019 con số này lần lượt là gần 2,7 tỷ USD và 1,8 tỷ USD.

Các mặt hàng xuất khẩu lớn của Việt Nam sang Nga chủ yếu là thiết bị điện tử, thủy sản, nông sản. Hàng nhập khẩu từ nước này về Việt Nam chủ yếu là than, máy móc thiết bị và nông sản.

Về hợp tác đầu tư, Nga là đối tác đầu tư FDI thứ 26 của Việt Nam tính đến hết năm 2023, với hơn 983 triệu USD. Vốn đầu tư của Nga tại Việt Nam khá khiêm tốn so với các đối tác lớn trong khu vực châu Á.

Tuy nhiên, hợp tác của Việt Nam và Nga trong một số lĩnh vực đạt thành tựu lớn như lĩnh vực thăm dò, khai thác dầu khí với liên doanh Vietsovpetro. Đây là dự án tiêu biểu nhất trong quan hệ hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Liên bang Nga trong gần 4 thập kỷ đã qua với đóng góp 80% sản lượng dầu khí khai thác của Việt Nam.

Năm 2023, trong báo cáo của PVN, Vietsovpetro đã đạt tổng doanh thu khoảng 54.200 tỷ đồng, vượt 48% kế hoạch năm; lợi nhuận trước thuế khoảng 19.500 tỷ đồng, vượt 86% kế hoạch năm; nộp ngân sách nhà nước ước đạt 28.300 tỷ đồng, vượt 73% kế hoạch năm.

Liên doanh Rusvietpetro giữa Petrovietnam và Zarubezhneft đang thực hiện các hoạt động tìm kiếm thăm dò, phát triển khai thác tại 13 mỏ dầu thuộc 04 lô tại khu tự trị Nhenhexky, có trữ lượng địa chất và trữ lượng thu hồi dầu lần lượt khoảng 244 triệu tấn và 96 triệu tấn.

Kể từ khi thành lập vào năm 2008, hoạt động của Rusvietpetro đã đạt nhiều kết quả tích cực, được đánh giá là một trong những liên doanh có hiệu quả nhất của Petrovietnam ở nước ngoài hiện nay.

Ngoài dự án này, một số tập đoàn, doanh nghiệp Việt Nam cũng hợp tác với doanh nghiệp Nga như TH True Milk hợp tác chăn nuôi bò sữa tại Nga, dự án chăn nuôi bò sữa và nông nghiệp của TH…

Nhiều dư địa hợp tác thương mại 2 nước

Theo giới chuyên gia, hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Nga dù ở mức cao nhất song kinh tế thương mại vẫn ở dạng tiềm năng. Việt Nam có thế mạnh về các loại nông thủy sản, điện tử, viễn thông, trong khi Nga có tiềm năng lớn từ khoáng sản, khi đốt và khoa học công nghệ.


Hợp tác kinh tế Việt - Nga: Kế thừa thành tựu ngành dầu khí, gợi mở các tiềm năng lớn khác- Ảnh 2.

TS Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế trung ương (CIEM)

Trao đổi với PV Dân Việt, chuyên gia kinh tế, TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương nhấn mạnh: Quan hệ kinh tế Việt - Nga không chỉ được phát triển mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực mà còn được đi vào chiều sâu, thực chất.

"Về kinh tế, Liên Xô trước đây và nay là Liên bang Nga là đối tác duy nhất hợp tác với Việt Nam để thăm dò, khai thác dầu khí ngoài khơi. Lĩnh vực vô cùng quan trọng vừa có lợi ích kinh tế, vừa gắn với bảo vệ lợi ích quốc gia, lãnh thổ trên biển Đông", ông Doanh nói.

Quan hệ Việt - Nga phát triển chiều sâu trong các lĩnh vực giao lưu nhân dân, khoa học, kỹ thuật, đào tạo sinh viên và hợp tác an ninh, quốc phòng.

Theo TS Lê Đăng Doanh: Hiếm có mối quan hệ nào trên thế giới về hợp tác thăm dò, khai thác dầu khí đặc biệt như Việt Nga đã trải qua 40 năm qua và luôn phát triển mạnh mẽ. Việt Nam hợp tác cùng Nga trong xây dựng và phát triển ngành khai thác và lọc hóa dầu, chúng ta đã từng bước tự chủ trong xây dựng giàn khoan, tự chủ vận hành, điều hành một số nhà máy lọc dầu trong nước.

Vị chuyên gia này cho rằng, mối quan hệ song phương Việt Nam và Liên bang Nga đang gặp thử thách lớn trước diễn biến phức tạp của tình hình chính trị, an ninh phi truyền thống, từ cuộc chiến giữa Nga và Ucraine, từ quan hệ Nga - phương Tây… Song với tinh thần Việt Nam luôn muốn là bạn, là đối tác tin cậy của các nước, chúng ta có quyền tin tưởng mối quan hệ hợp tác với Nga sẽ tiếp tục được phát triển vì lợi ích hai nước và vì hòa bình, tiến bộ, theo ông Doanh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem