HoREA: Sugar daddy, sugar baby... cũng "có mối quan hệ tiềm ẩn rủi ro cho hoạt động của tổ chức tín dụng"

Quốc Hải Thứ sáu, ngày 24/11/2023 15:29 PM (GMT+7)
Theo HoREA, hiện nay có những cá nhân không phải là người "có quan hệ huyết thống hoặc quan hệ hôn nhân hoặc có quan hệ theo pháp luật", mà chỉ có "quan hệ xã hội" như bố đường (sugar daddy), gái bao (sugar baby), trai bao,… cũng có mối quan hệ tiềm ẩn rủi ro cho hoạt động của tổ chức tín dụng.
Bình luận 0

Tiếp tục góp ý một số quy định của dự thảo Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi) gửi Quốc hội và Ngân hàng Nhà nước, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đề nghị bổ sung giải thích từ ngữ về "người có liên quan" là tổ chức, cá nhân có quan hệ trực tiếp hoặc gián tiếp với tổ chức, cá nhân khác do có quan hệ hôn nhân, quan hệ theo pháp luật hoặc người bị lệ thuộc về lợi ích hoặc là bên yếu thế.

Sugar daddy, sugar baby... cũng "có mối quan hệ tiềm ẩn rủi ro cho hoạt động của tổ chức tín dụng" - Ảnh 1.

HoREA bổ sung thêm nhiều quy định liên quan đến dự thảo Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Ảnh minh họa: STB

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, khoản 38 Điều 4 đã bổ sung nhiều trường hợp tổ chức, cá nhân là "người có liên quan" có quan hệ trực tiếp hoặc gián tiếp với tổ chức, cá nhân khác trong hoạt động tín dụng cần được kiểm soát bao gồm các pháp nhân, cá nhân "có quan hệ lợi ích, quan hệ phụ thuộc" hoặc các cá nhân "có quan hệ hôn nhân" hoặc "do quan hệ pháp luật" nhưng chưa bao quát đầy đủ.

Cụ thể, đoạn mở đầu khoản 38 giải thích từ ngữ "người có liên quan" cần bổ sung cụm từ "có mối quan hệ tiềm ẩn rủi ro cho hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài" để bảo đảm đầy đủ ý nghĩa theo ngữ pháp.

Tại các điểm a, b, c, d, đ, e khoản 38 quy định theo hình thức "liệt kê" nên có thể "liệt kê" chưa đầy đủ do "chưa chốt hạ" một số trường hợp pháp nhân, cá nhân "có quan hệ lợi ích, quan hệ phụ thuộc" để "quét" đầy đủ các đối tượng là "người có liên quan" có mối quan hệ tiềm ẩn rủi ro cho hoạt động của tổ chức tín dụng.

"Vụ án Vạn Thịnh Phát đã cho thấy rất rõ các trường hợp "người thuộc quyền, nhân viên, tài xế…" hoặc pháp nhân là doanh nghiệp "độc lập" về hình thức thì không phải là "công ty mẹ, công ty con, công ty liên kết…", cũng không phải là người "có quan hệ hôn nhân" hoặc "do quan hệ pháp luật" mà "có quan hệ lợi ích, quan hệ phụ thuộc", nhưng tất cả đều do "một người, một trung tâm điều hành", ông Châu dẫn chứng.

Ngoài ra, thực tiễn hiện nay còn cho thấy có những "tổ chức" không phải là "pháp nhân" hoặc có những "cá nhân" không phải là người "có quan hệ huyết thống hoặc quan hệ hôn nhân hoặc có quan hệ theo pháp luật", mà chỉ có "quan hệ xã hội" cũng tiềm ẩn rủi ro.

"Chẳng hạn, các trường hợp như "bố nuôi" (sugar daddy), gái bao (sugar baby), trai bao… được khái quát tại điểm g khoản 38 quy định các trường hợp "pháp nhân, cá nhân khác" và cũng "có mối quan hệ tiềm ẩn rủi ro cho hoạt động của tổ chức tín dụng", ông Châu bổ sung.

HoREA đề nghị sửa đổi, bổ sung điểm g khoản 38 Điều 4 Dự thảo Luật các tổ chức tín dụng theo hướng: "Pháp nhân, cá nhân khác có mối quan hệ lợi ích, quan hệ phụ thuộc, quan hệ xã hội tiềm ẩn rủi ro cho hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được xác định theo quy định nội bộ của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoặc theo yêu cầu bằng văn bản của Ngân hàng Nhà nước thông qua hoạt động thanh tra, giám sát hoặc theo quy định của pháp luật về phòng, chống rửa tiền".

Một kiến nghị khác cũng đặc biệt quan trọng là việc đề nghị bổ sung quy định về "phá sản tổ chức tín dụng" do kinh doanh thua lỗ và không thuộc trường hợp "tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt".

Theo ông Lê Hoàng Châu, Điều 179 dự thảo Luật các tổ chức tín dụng, quy định trường hợp "phá sản tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt", nhưng chưa quy định trường hợp "phá sản tổ chức tín dụng do kinh doanh thua lỗ, mất khả năng thanh toán" và không thuộc trường hợp "phá sản tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt".

Bởi lẽ, theo quy định tại khoản 3 Điều 5 Luật Phá sản 2014 đối với trường hợp "Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, hợp tác xã có nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán", mà tổ chức tín dụng cũng là doanh nghiệp cũng có thể có "yêu cầu mở thủ tục phá sản khi mất khả năng thanh toán".

Do đó HoREA đề nghị bổ sung khoản 4 (mới) Điều 179 dự thảo Luật các tổ chức tín dụng, như sau: "Phá sản tổ chức tín dụng mất khả năng thanh toán, không thuộc trường hợp phá sản tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt theo quy định của Luật này và pháp luật về phá sản".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem