Hớt hải đuổi theo ô tô mời khách mua đào Tết, tiểu thương ngậm ngùi vì “công như công cốc”
Hớt hải đuổi theo ô tô mời khách mua đào, tiểu thương ngậm ngùi vì “công như công cốc”
Trung Hiếu - Thùy Anh
Thứ ba, ngày 06/02/2024 14:07 PM (GMT+7)
Ngày 27 Tết, hàng trăm tiểu thương trên đường Lạc Long Quân (Tây Hồ, Hà Nội) đứng rao bán đào với đủ các dáng thế. Dòng người qua lại tham quan, trả giá không ngớt nhưng không nhiều người chọn được cây với giá ưng ý mang về.
Không khí tại chợ hoa đào trên đường Lạc Long Quân (Tây Hồ) ngày 27 Tết. Clip: Trung Hiếu.
Đuổi theo ô tô mời khách mua đào Tết, tiểu thương ngậm ngùi vì kết quả "không như ý"
Ghi nhận của PV báo Dân Việt, không khí tại chợ hoa đào trên đường Lạc Long Quân (Tây Hồ) ngày 27 Tết rất nhộn nhịp. Hầu như tất cả các cành đào được bày bán tại đây đều đã bung nở hoa. Dù lượng khách tới tham quan, trả giá khá đông nhưng nhiều người dời đi chỉ sau ít phút “mặc cả” không thành công.
Anh Dương Kim Thông (24 tuổi, quê Phú Thọ) đang nhặt những bông hoa đào đã nở quá độ khỏi các cây đào của mình. Giọng trầm buồn, anh chia sẻ với PV: “Mình thấy lượng mua giảm hơn rất nhiều so với những ngày trước rồi, như mọi hôm thì giờ này cũng bán được mấy cây, nhưng mà hôm nay thì chưa đi được cây nào”.
Bán đào thất thốn ở đây từ đầu tháng 12 âm lịch, anh Thông cho biết, đến thời điểm này, anh đã giảm giá “rất sâu”, nhưng khách chủ yếu đến xem và hỏi giá chứ không mua. “Đợt trước có cây được khách thuê với giá hơn 10 triệu đồng, giờ xuống chỉ còn 6 - 7 triệu đồng thôi mà vẫn rất ít khách “chốt đơn””.
Anh Thông dự đoán, sức mua đào của khách từ giờ đến cuối năm ngày càng giảm. “Vì giờ cũng sát Tết lắm rồi, người ta cũng đi mua ít rồi. Thêm nữa, như mọi năm thời tiết lạnh thì hoa chưa nở, nhưng năm nay trời nóng hơn, lại đang có hiện tượng nồm ẩm nên hoa “nở bung” hết cả, nhiều khách họ sợ chưa hết Tết hoa đã tàn nên họ cũng ngại mua”.
Theo quan sát của phóng viên, tranh thủ lúc thưa khách, có người bán cầm đào chạy đuổi theo chiếc ô tô qua đường để mời khách mua hàng, tuy nhiên sau khi hỏi giá, vị khách này lại “dứt áo ra đi”.
Chị Ngọc Hà, một người bán đào tại đây tâm sự: “Như hàng năm, những cành đào mini là dễ tiêu thụ nhất, vì phù hợp để cắm bàn thờ gia tiên, thổ địa và có mức giá phù hợp với túi tiền của nhiều người. Song, lượng khách năm nay tới mua mặt hàng này đa phần đều mặc cả, dù tôi không hề nói thách giá”.
Kinh tế khó khăn, khách “tiết kiệm” tiền mua quất, đào Tết trưng ngày Tết
Tranh thủ ngày nghỉ lễ, chị Ngọc Diệp (Ba Đình, Hà Nội) cùng chồng đi chọn đào về nhà trưng Tết. Chợ hoa Lạc Long Quân (Tây Hồ, Hà Nội) đã là điểm thứ ba chị đặt chân tới tham quan, nhưng vẫn chưa tìm được cành đào ưng ý. Chị Diệp chia sẻ: “Mình lên chợ hoa này vì nghĩ đây sẽ là điểm có nhiều hoa bán đẹp nhất, do đây là chợ ở khu trung tâm. Năm nay thị trường đào, quất có giá bán sêm sêm nhau, nếu bán cao quá thì dân cũng không có tiền mua vì kinh tế khó khăn”.
Vừa thảo luận với chồng để lựa chọn cành đào ưng ý, chị Diệp vừa tiếp lời: “Năm nay thời tiết trước Tết hơi lạnh, bây giờ lại nóng lên, hoa đào cũng nở nhiều nên là việc chọn mua chọn mua của tôi cũng hơi khó hơn mọi năm. Gia đình tôi rất thích hoa đào, nên dù kinh tế khó khăn nhưng sẽ cố gắng tìm được một cành phù hợp với túi tiền để đem về nhà trưng cho có không khí ngày Tết”.
Là người có thói quen chơi quất cảnh ngày Tết từ nhiều năm nay, chị Từ Thị Thoa (40 tuổi, Hà Đông) cũng phải mất nhiều ngày dạo khắp các khu chợ cây cảnh trên địa bàn thành phố Hà Nội để khảo sát giá cả. Chị Thoa cho biết: “Từ khi bắt đầu nghỉ lễ, tôi “lượn như cá cảnh” khắp các chợ nhưng đều không tìm mua được cây quất ưng ý”.
“Mức giá thì tại các điểm bán đều tương đương nhau, những chậu bonsai mini nhỏ có giá từ 300.000 - 400.000 đồng, có chậu rẻ hơn thì là 150.000 đồng. Nhưng cái tôi lăn tăn mà vẫn chưa quyết mua là về chất lượng. Tôi đặt mục tiêu là từ giờ đến hết 28 Tết là phải mua được cây ưng ý, sau đó còn về dọn dẹp sửa soạn nhà cửa đón Tết nữa”, chị Thoa quả quyết.
Chia sẻ với phóng viên về mong muốn trong dịp Tết Nguyên đán năm nay, anh Dương Kim Thông - người bán đào trên đường Lạc Long Quân tâm sự: “Mất công mang đào từ trên Sapa về Hà Nội để bán Tết, mình chỉ mong sao từ giờ đến ngày cuối năm bán được thêm bao nhiêu hay bấy nhiêu. Bán được nhiều hàng thì mới xứng đáng với công sức lao động cả tháng nay chứ nếu “ế hàng” thì buồn lắm. Lúc ấy, mình lại phải thuê xe chở cây lên vườn ở Sapa để trồng lại và cuối năm sau lại đem về”.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.