Cuối năm, dân văn phòng lao đi buôn kiếm Tết

Trung Hiếu - Thùy Anh Thứ hai, ngày 05/02/2024 06:39 AM (GMT+7)
Cận Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, nhiều nhân viên văn phòng đã quyết định thử sức với vai trò của một nhà kinh doanh “tay ngang” để kiếm thêm thu nhập, có người làm việc xuyên đêm “vì một cái Tết ấm”.
Bình luận 0

Nhà kinh doanh "tay ngang" bán quất xuyên đêm kiếm thêm thu nhập dịp cận Tết. Clip: Trung Hiếu.

Gác việc văn phòng, nhân viên chuyển hướng kinh doanh để kiếm thêm tiền... ăn Tết

Hơn 22 giờ, xe cộ thưa thớt dần trên đường phố cũng là thời điểm anh Nguyễn Văn Cơ (sinh năm 2000, quê Hà Nam) tất bật vận chuyển quất cảnh từ xe ô tô xuống điểm bán trên đường Tố Hữu (Nam Từ Liêm, Hà Nội). Anh bảo: “Việc bán quất thế này thì mình làm đều đặn được 3 năm rồi. Cứ độ ngày 13 - 14 tháng Chạp hàng năm là mình bắt đầu làm, đến ngày 30 Tết mới được nghỉ”.

Chàng thanh niên 24 tuổi tâm sự với phóng viên Dân Việt: “Mình vừa tốt nghiệp Đại học, công việc chính của mình hiện đang là nhân viên văn phòng tại một công ty kỹ thuật. Tuy nhiên, cuối năm hơi ít việc nên mình chuyển sang buôn quất. Mình làm công việc thời vụ này với hy vọng cuối năm kiếm được thêm chút tiền tiêu Tết”.

Vừa nói, anh Cơ vừa chỉ tay vào chiếc lều được quây tạm ngay gần điểm bán quất trên đường Tố Hữu (Nam Từ Liêm, Hà Nội). Anh bảo, nhờ có “người bạn” này mới giúp anh đỡ phải “ăn sương, nằm gió” phần nào trong lúc trông giữ và bán hàng. “Màn, gối, chăn, đệm được mình trang bị đầy đủ để phục vụ những giấc ngủ “chớp nhoáng”. Những ngày đông khách, mình chỉ có thể chợp mắt từ 1-2 tiếng đồng hồ/ngày”.

Thời điểm cuối năm ít việc ở công ty nên anh Cơ chuyển sang buôn quất kiếm thêm thu nhập. Ảnh: Trung Hiếu

Thời điểm cuối năm ít việc ở công ty nên anh Cơ chuyển sang buôn quất kiếm thêm thu nhập. Ảnh: Trung Hiếu

Khi được hỏi về lý do lựa chọn mặt hàng quất cảnh để buôn bán dịp cận Tết, anh Cơ cười đáp: “Bán hàng Tết chỉ có trong một thời gian ngắn khoảng nửa tháng cuối năm âm lịch. Do đó, mình chỉ tập trung vào mặt hàng có nhu cầu cao trong dịp Tết. Nhắc đến Tết là nhắc đến quất cảnh, nhận thấy những năm gần đây, nhiều người thường tìm mua quất bonsai về để trưng Tết tại gia đình nên mình quyết định bán mặt hàng đó vào thời điểm này”.

Tranh thủ ngồi nghỉ ngơi sau khi đón các vị khách tới tìm mua quất cảnh ban đêm, anh Cơ cho biết, công việc bán quất thời vụ đòi hỏi phải có vốn đầu tư lớn nên khi nhận được sự giúp đỡ về mặt tài chính của bố mẹ thì anh mới “bắt tay” vào làm được. “Kinh doanh gì cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro, thuận lợi thì buôn may bán đắt còn không có duyên bán hàng thì có thể “mất trắng”, nhưng tính mình đã quyết thì sẽ làm nên khi có ý tưởng gác việc văn phòng đi “buôn” kiếm Tết và được gia đình ủng hộ là mình thực hiện ngay”.

Theo anh Cơ dự đoán, năm nay, người dân sẽ mua quất cảnh về chơi Tết nhiều nhất từ ngày 25 đến ngày 29 tháng 12 âm lịch. “Ngày cuối năm, mọi người nhộn nhịp đón năm mới còn mình thì phải 22 giờ đêm mới rục rịch dọn hàng. Xong việc, mình đi xe máy về quê, hy vọng là sẽ đón kịp giao thừa với gia đình. Nếu không thì cũng đành chịu, chỉ mong đủ tiền để có một cái “Tết ấm” là vui rồi”.

“Cày cuốc” kinh doanh xuyên đêm để tăng thu nhập dịp cận Tết

Cũng là một nhân viên văn phòng, từ nhiều năm nay, mỗi dịp Tết đến Xuân về, chị Trần Kiều Dung (36 tuổi, quê Tuyên Quang) đều phải xoay ra “cày cuốc” thêm bằng việc kinh doanh xúc xích, mọc viên. Tết “gõ cửa” với nhiều khoản cần chi tiêu, chị Dung chủ động ứng phó bằng cách tranh thủ thời gian không phải đến cơ quan sẽ “toàn tâm toàn ý” cho công việc “tay trái”.

Chị Dung thường đăng bài lên mạng xã hội để tìm kiếm thêm khách hàng. Ảnh: Trung Hiếu.

Chị Dung thường đăng bài lên mạng xã hội để tìm kiếm thêm khách hàng. Ảnh: Trung Hiếu.

“Buổi tối sau khi cơm nước xong thì mình vừa tranh thủ gọi điện mời bạn bè mua hàng rồi đăng bài viết quảng cáo lên mạng xã hội cho sản phẩm mình bán. Khi đã có đơn thì mình lại tất bật làm “xuyên đêm” để kịp giao hàng tới tay khách cho đúng hẹn. Tết nhiều người có nhu cầu mua xúc xích, mọc viên để biếu tặng nên thu nhập của mình từ công việc kinh doanh này cũng “tương đối” ổn.”, chị Dung tiếp lời.

Trao đổi với phóng viên Dân Việt, chị Dung cho biết, năm nay, công việc tại cơ quan bận rộn hơn mọi năm, nên khi đã nhận nhiều đơn đặt hàng xúc xích, mọc viên, chị mới “cật lực” làm hàng với số lượng lớn trong 1 lần chứ không có thời gian làm rải rác từ sau Tết dương lịch như những năm trước.

Theo chị Dung, nhiều người có nhu cầu mua xúc xích, mọc viên để biếu tặng dịp Tết nên thu nhập của chị từ công việc kinh doanh này cũng “tương đối” ổn. Ảnh: NVCC.

Theo chị Dung, nhiều người có nhu cầu mua xúc xích, mọc viên để biếu tặng dịp Tết nên thu nhập của chị từ công việc kinh doanh này cũng “tương đối” ổn. Ảnh: NVCC.

“Từ rằm tháng Chạp tới nay mình cũng bán được khoảng 50kg xúc xích rồi. Ngoài bạn bè, người thân, hàng xóm, nhiều anh chị ở cơ quan biết mình kinh doanh mặt hàng này thêm thì cũng ủng hộ luôn. Đồ nhà làm ra, đảm bảo an toàn vệ sinh nên mọi người rất thích”, chị Dung vui vẻ.

Chia sẻ về kinh nghiệm kinh doanh cuối năm, chị Dung nói: “Tùy thuộc vào khả năng kinh tế mà mỗi người nên tìm một mặt hàng để buôn bán phù hợp. Khi kinh doanh thêm sản phẩm xúc xích, mọc viên, mình cũng đã phải xác định rất rõ xem mọi người có nhu cầu mua mặt hàng này trước Tết bao nhiêu ngày. Từ đó mới sắp xếp được thời gian để làm việc và nghỉ ngơi hợp lý. “Cày cuốc” cật lực dịp cuối năm nhưng mình cũng phải ăn, ngủ khoa học để giữ sức khỏe nữa”.

Về xu hướng "chân trong chân ngoài" của công chức hiện tại, bà Nguyễn Thị Lan Hương - Chuyên gia lao động việc làm cho rằng, điều này không lạ. Bà Hương nói: "Tiền lương thấp, thu nhập của đại bộ phận người lao động từ công chức, viên chức, đến công nhân lao động đều giảm vì thế 'đói đầu gối phải bò' ai cũng phải kiếm kế mưu sinh để sinh sống. Làm một nghề không đủ sống thì phải làm nhiều nghề". 

Cũng theo bà Hương, Bộ Luật lao động không quy định cấm lao động được làm việc ở nhiều nơi. Tuy nhiên, các doanh nghiệp, công ty, đơn vị đều có quy định nội bộ, yêu cầu lao động phải 'toàn tâm toàn ý' với công việc. Điều này có thể được thể hiện dưới hình thức như khuyến khích lao làm việc cũng có thể thể hiện dưới hình thức đưa ra các chỉ tiêu định mức để lao động phải tuân thủ. 

"Luật không cấm, nhưng lao động nên hoàn thành công việc của mình rồi mới nên làm thêm "chân ngoài", bà Hương nói. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem