Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
"Việc bán hàng qua sàn thương mại điện tử bước đầu có thể khó khăn, vì mình phải xây dựng nền móng, ghi dấu với khách hàng. Khi đã xây dựng được nền móng vững chắc thì bán hoa lan tương đối dễ, lúc đó khách hàng sẽ tự tìm đến mình", chị Liêu Thị Kim Phượng - Giám đốc HTX Vườn Lan Việt thổ lộ.
Chị Phượng cho biết, HTX Vườn lan Việt (TP.Thủ Đức, TP.HCM) thành lập vào năm 2020, nhằm phát triển ngành lan dendro, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước, giảm lượng giống nhập khẩu từ Thái Lan. Ngoài cách bán hàng truyền thống, HTX còn đẩy mạnh bán hàng qua sàn thương mại điện tử, để tiếp cận thị trường rộng hơn.
Tại HTX Vườn lan Việt việc bán hàng qua sàn thương mại điện tử được đầu tư khá bài bản. Chị cho biết, hiện tại HTX đang bán hàng qua các kênh, như: Trang web, Shopee, Lazada và Facebook. Hiện nay, những sản phẩm được HTX Vườn Lan Việt chủ yếu là hoa lan giống và các chậu lan cắm sẵn.
Chị Phượng nhìn nhận, việc bán hàng online đã giúp HTX rất nhiều trong khâu thương mại sản phẩm. Nhờ thương mại điện tử, những sản phẩm cây giống của HTX đã đi đến khắp nơi trên cả nước. Thậm chí, nhiều sản phẩm hoa lan đã bán sang tận nước Úc.
"Người Việt mình ở nước ngoài rất thích trồng lan. Tuy nhiên tại nước Úc, việc chuyển thực vật vào bị kiểm tra rất khắt khe. Với hoa lan, hiện nay Úc chỉ cho nhập lan dendro hàng công nghiệp, ươm trong chai, chưa cho nhập hoa lan dạng cây con", chị Phượng bộc bạch. Tất cả các cây ươm gửi sang Úc đều đảm bảo chất lượng.
"Vừa qua, một số người Việt ở Mỹ có nhắn tin, ngỏ ý đặt hàng chuyển sang Mỹ. Tuy nhiên, HTX chưa tìm hiểu kỹ thị trường Mỹ nên chưa dám mạnh dạn lấn sân", chị Phượng chia sẻ.
Theo chị Phượng, hiện nay hầu hết các sản phẩm hoa lan của HTX Vườn Lan Việt chỉ bán trên các sàn thương mại điện tử và đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn.
Trước đó, Sở NNPTNT TP.HCM đã tổ chức Hội nghị gặp gỡ và đối thoại với các doanh nghiệp, HTX nông nghiệp, các nhà đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp với chủ đề "Liên kết tiêu thụ nông sản thông qua thương mại điện tử" trong khuôn khổ "Ngày hội Kết nối giao thương F&B 2023 – F&B Networking Fair".
Hội nghị này nhằm tạo điều kiện gặp gỡ giữa các doanh nghiệp, HTX nông nghiệp với các nhà đầu tư, các kênh phân phối để trao đổi, thảo luận việc tiêu thụ các sản phẩm nông sản TP.HCM theo hình thức tiêu thụ trực tuyến trên sàn thương mại điện tử. Một trong những đơn vị hoạt động thương mại điện tử tham gia Hội nghị là Sendo và Zafaco.
Bà Nguyễn Thị Yến Chi, Chánh văn phòng sàn thương mại điện tử Sendo cho biết, sàn này đang thực hiện dự án riêng mang tên "Sendo Farm" nhằm cung cấp giải pháp kinh doanh online cho các nông hộ, HTX, doanh nghiệp nông nghiệp.
"Các HTX chưa quen, chúng tôi hỗ trợ rất nhiều để đưa sản phẩm lên Sendo Farm. Nhà cung cấp là HTX, nông hộ, đơn vị phân phối sẽ cung cấp sản phẩm trực tiếp cho chúng tôi, chúng tôi vận hành và phân phối đến khách hàng", bà Yến Chi nói.
Tại hội nghị, Phó giám đốc Sở NNPTNT TP Dương Đức Trọng lưu ý, hiện nay thương mại điện tử đang là xu hướng mua sắm được nhiều người tiêu dùng chọn lựa. Do đó, để góp phần nâng cao doanh số bán hàng, cũng như hiệu quả kinh tế cao doanh nghiệp, HTX nông nghiệp không nên bỏ qua liên kết với kênh tiêu thụ này.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.