Theo Chi cục PTNT TP.HCM (thuộc Sở NNPTNT TP.HCM), kết quả khảo sát mới nhất cho thấy, có 68/100 HTX nông nghiệp có áp dụng chuyển đổi số vào một trong các hoạt động quản lý, điều hành, sản xuất, kinh doanh.
HTX nông nghiệp phải sống được mới chuyển đổi số
Hiện nay, TP.HCM chưa có chương trình hỗ trợ chuyển đổi số đặc thù, dành riêng cho sản xuất nông nghiệp nói chung và cho HTX nông nghiệp nói riêng. Một số chính sách góp phần hỗ trợ cho các HTX phát triển sản xuất gắn với chuyển đổi số chưa được ban hành, hoặc được ban hành nhưng chậm triển khai thực hiện.
Tại Hội thảo “Chuyển đổi số trong khu vực kinh tế hợp tác, HTX gắn với phát triển nông nghiệp đô thị” do Chi cục PTNT TP.HCM tổ chức, ông Lâm Ngọc Tuấn - Giám đốc HTX rau thủy canh Tuấn Ngọc (TP.Thủ Đức, TP.HCM) cho biết, chi phí đầu tư để chuyển đổi số trong nông nghiệp rất cao. Với mô hình rau thủy canh, chi phí chuyển đối số cho 1.000m2 lên đến tiền tỷ, do đó gây trở ngại cho HTX.
Ông Tuấn cho biết thêm một số hạn chế của việc chuyển đổi số trong nông nghiệp như: Yêu cầu cao về kỹ thuật quản lý, rủi ro sự cố công nghệ, phụ thuộc vào hạ tầng mạng, chi phí bảo trì và nâng cấp hệ thống, rủi ro cao về bảo mật.
Trong khi đó ông Nguyễn Hữu Khoa - Giám đốc HTX rau sạch nên ăn (huyện Hóc Môn, TP.HCM) cũng thừa nhận việc chuyển đổi số đối với HTX nông nghiệp là rất khó.
“HTX trước hết cần phải sống được mới thực hiện chuyển đổi số. Hiện nay, nhiều HTX khó khăn, có khả năng tan rã. Nếu HTX không sống được, thì chuyển đổi số cũng không có ý nghĩa gì”, ông Khoa cho biết.
TS. Hoàng Văn Việt - Viện Phát triển nguồn nhân lực và kinh doanh - Đại học Kinh tế TP.HCM cho biết một số rào cản ứng dụng công nghệ số trong nông nghiệp hiện nay có thể kể đến như chi phí đầu tư cao; thiếu kiến thức và kỹ năng; quy mô nông trại nhỏ lẻ, phân tán, không đồng đều; tâm lý ngại thay đổi, sợ thất bại; cơ sở hạ tầng hạn chế; thiếu hỗ trợ tài chính; chính sách chưa đủ mạnh, nhiều quy định còn phức tạp…
Chuyển đổi số khó nhất là thay đổi nhận thức
Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Hữu Hoài Phú - Phó Giám đốc Sở NNPTNT TP.HCM chia sẻ những khó khăn mà các HTX đang gặp phải. Tuy nhiên theo ông Phú, chuyển đổi số trong các HTX nông nghiệp không cần hiểu quá to lớn, vĩ mô.
“Chuyển đổi số chỉ là giải pháp công nghệ nhằm giảm chi phí, tiết kiệm môi trường và hiệu quả quản trị. Chúng ta nghĩ một cách đơn giản như vậy để dễ thực hiện”, ông Phú nói.
Theo TS. Trần Quý - Viện trưởng Viện Phát triển kinh tế số Việt Nam, chuyển đổi số là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện của cá nhân, tổ chức về cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên môi trường số, công nghệ số. Chuyển đổi số không chỉ là vấn đề công nghệ mà còn là vấn đề nhận thức và thói quen.
Đồng tình với ý kiến trên, ông Phú thừa nhận, một trong những khó khăn lớn nhất của việc chuyển đổi số hiện nay là thay đổi thói quen, thứ hai là chi phí đầu tư.
Ông Phú lấy ví dụ, thời điểm TP.HCM chủ trương tăng đàn bò sữa, nhiều người dân vẫn “chung thủy” với cách vắt sữa bò bằng tay. TP.HCM phải mất nhiều năm, nhiều cuộc hội thảo mới thuyết phục được người dân chuyển từ vắt sữa thủ công, sang vắt bằng máy.
Thời gian tới, Phó Giám đốc Sở NNPTNT TP.HCM yêu cầu các cơ quan liên quan khảo sát lại các HTX nông nghiệp và bắt đầu chuyển đổi số từ những điều kiện hiện có.
“Những nội dung gì trước đây chúng ta làm thủ công, bây giờ sử dụng giải pháp công nghệ, đầu tư một lần, giúp tiết kiệm chi phí về lâu dài”, ông Phú đề nghị.
Sau hội thảo, Phó Giám đốc Sở NNPTNT TP.HCM yêu cầu các đơn vị liên quan tăng cường hoạt động thương mại điện tử, tổ chức các phiên livestream bán hàng. Đồng thời, xây dựng đề án chuyển đổi số cho các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của thành phố để gửi UBND thành phố xem xét.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.