HTX trồng đủ các loại rau dưa an toàn thu gần tỷ đồng mỗi năm
HTX trồng đủ các loại rau dưa an toàn thu gần tỷ đồng mỗi năm
Hà Thanh
Thứ ba, ngày 22/12/2020 19:01 PM (GMT+7)
Với đa dạng các loại rau dưa được trồng trên quy mô diện tích lớn, HTX rau củ quả an toàn Dương Thành ở xóm Nguộn, xã Dương Thành, huyện Phú Bình do ông Nguyễn Văn Quân làm giám đốc sau 3 năm đi vào hoạt động đến nay đã có thu nhập gần tỷ đồng mỗi năm.
Xã Dương Thành vốn là vùng trồng rau truyền thống của huyện Phú Bình, từ nhiều năm nay bà con nhân dân đã cơ bản bám với nghề trồng rau để mưu sinh. Nay nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật và sản xuất nên chất lượng và năng suất ngày càng được nâng lên, đáp ứng nhu cầu và đòi hỏi cao hơn của thị trường.
Đến thăm HTX rau củ quả an toàn Dương Thành ở xóm Nguộn đúng lúc cà chua đang vào vụ và bắt đầu chín rộ. Ông Nguyễn Văn Quân - Giám đốc HTX cho biết: Gia đình ông đã có thâm niên trồng rau hơn 40 năm nay từ khi ông đi bộ đội trở về. Tháng 12/2017 nhằm liên kết tạo ra sản phẩm an toàn chất lượng để tiêu thụ trên thị trường ông Quân đã thành lập HTX rau củ quả an toàn Dương Thành với 7 thành viên tham gia. Đến nay, qua quá trình kết nạp thêm số lượng thành viên đã nâng lên con số 14. Ngoài ra, HTX còn liên kết với một số HTX ở Bắc Giang để cùng nhau phát triển sản xuất.
Đến thời điểm này, tổng diện tích trồng rau của cả HTX là 2ha với đa dạng các loại rau, trong đó chủ yếu là dưa chuột, cà chua, rau cải, su hào, bắp cải…
Ông Quân cho biết: Thời điểm vụ đông này, HTX của ông chủ yếu trồng các loại dưa chuột, dưa lê, cà chua với số lượng lớn. Còn các loại rau như rau cải được trồng trái vụ vào thời điểm tháng 7 hàng năm vì thời điểm này rau bán được giá hơn.
Hiện nay đối với cà chua được ông Quân thực hiện cấy ghép với các loại cà như cà gai leo, cà tím để tăng năng suất, chất lượng, tăng khả năng chống chịu sâu bệnh, kéo dài thời gian thu hoạch và dễ chăm sóc hơn. Tuy nhiên chỉ thực hiện ghép vào các tháng 7, 8,9 trong năm và yêu cầu phải có nhà mát để giữ cho nhiệt độ luôn ổn định trong khoảng từ 19 – 25oC. Có được kỹ thuật ghép này là do ông được học hỏi kinh nghiệm qua quá trình đi tham quan ở Vĩnh Phúc và được hướng dẫn từ giảng viên trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên. Ngoài ra ông còn tiến hành cấy ghép đối với cả các loại dưa như dưa chuột, dưa lưới.
Theo ông Quân chia sẻ, đối với kỹ thuật cấy ghép này mặc dù tương đối đơn giản nhưng đòi hỏi phải nhanh tay nhanh mắt, nếu không cây ghép rất dễ chết, do đó phải gieo bằng khay. Thông thường phải gieo gốc ghép trước 10 ngày sau đó mới gieo gốc được ghép. Khi mới ghép cần hòa nước phun sương tưới cho gốc cây, tránh để nước vào mắt, sau 4 ngày ghép thì đem ra ngoài trời để thử nhiệt độ rồi sau khoảng 15 ngày ghép trong nhà mát thì đem ra trồng. Ưu điểm của phương pháp này là cây rau quả sau khi ghép không bị sâu bệnh, không chết héo và đặc biệt không cần sử dụng bất cứ loại thuốc nào nên hoàn toàn yên tâm và đảm bảo về độ an toàn. Thời gian từ lúc trồng đến lúc thu hoạch là 2,5 tháng, tính cả thời gian ghép là 4 tháng, trong đó thời gian thu hoạch quả kéo dài 6 tháng, do đó với HTX của ông Quân cà chua lúc nào cũng có quanh năm.
Hiện nay, thị trường bán rau của HTX chủ yếu đi Hà Nội, Hải Phòng và tại địa bàn Thái Nguyên. Các sản phẩm của HTX chủ yếu bán cho các cửa hàng nông sản lớn trên địa bàn, trong đó sản phẩm bán dễ nhất là dưa chuột với giá bán buôn ở thời điểm gần nhất 20.000đ/kg, và sản phẩm có giá trị cao nhất là dưa lưới với giá trung bình từ 35.000 – 40.000đ/kg. Năm 2019, doanh thu của HTX đạt 1,6 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí lãi khoảng 700 triệu đồng. Nhờ đó, HTX đã tạo công ăn việc làm cho 29 lao động thường xuyên với thu nhập bình quân 5 triệu đồng/người/tháng. Theo ông Quân, dự kiến sắp tới HTX sẽ mở cửa hàng trưng bày và giới thiệu sản phẩm trên địa bàn huyện Phú Bình nhằm tăng lượng khách hàng tiếp cận với sản phẩm.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.