Kéo giá nhà xuống mức vừa "túi tiền" của số đông người dân

Trần Kháng Thứ năm, ngày 29/10/2020 12:37 PM (GMT+7)
Trong khi giá nhà hiện nay trên thị trường đang cao hơn hàng chục lần so với thu nhập trung bình của người dân, thì giải pháp kéo giá nhà xuống phù hợp với đại đa số nhu cầu người dân đang là vấn đề có tính cấp bách.
Bình luận 0

Căn hộ dưới 2 tỷ "biến mất" khỏi thị trường

Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) vừa có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan có liên quan đề xuất một số giải pháp kéo giá nhà giảm xuống.

Theo ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch HoREA nhận định, căn hộ có giá vừa túi tiền khoảng 2 tỷ đồng trở xuống (25-30 triệu đồng/m2) và căn hộ nhà ở xã hội hầu như vắng bóng trên thị trường TP.HCM trong hai năm qua.

"Hiện nay, căn hộ trung cấp (2 phòng) có giá khoảng 2,5 tỷ đồng (35 triệu đồng/m2), cao hơn khoảng trên dưới 20 lần so với thu nhập trung bình của các hộ gia đình, cá nhân có khả năng dành dụm được khoảng 8-12 triệu đồng/tháng, khoảng trên dưới 100 triệu đồng/năm", ông Châu cho biết.

Kéo giá nhà xuống mức vừa "túi tiền" của số đông người dân - Ảnh 1.

Giá nhà ở phù hợp nhu cầu của đại đa số người dân gần như vắng bóng trên thị trường. (ảnh minh hoạ)

Phân tích về giá nhà hiện nay, Chủ tịch HoREA Lê Hoàng Châu cho rằng, giá nhà đang được cấu thành từ tiền sử dụng đất, thời gian thực hiện thủ tục hành chính, chi phí quản lý và năng lực của chủ đầu tư dự án nhà ở, chi phí không tên trong quá trình chuẩn bị đầu tư, thực hiện dự án.

Dẫn chứng về chi phí tài chính, HoREA ví dụ, một dự án nhà ở có tổng mức đầu tư 3.000 tỉ đồng, thực hiện trong ba năm, trong đó phải vay 30% là 900 tỉ đồng, lãi suất vay 11%/năm, thì chi phí trả lãi vay khoảng 300 tỉ đồng, bằng 10% tổng mức đầu tư. Nếu dự án nhà ở thương mại được triển khai thực hiện suôn sẻ trong ba năm, thì chi phí quản lý doanh nghiệp thường chiếm khoảng 5%/giá thành. 

Đáng chú ý, theo HoREA những chi phí "không tên" thường được các chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại tính vào trong khoản chi phí dự phòng. Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, cho biết giá trị các khoản chi phí "không tên" là không hề nhỏ, nhưng do không đảm bảo tính hợp pháp của khoản  chi, nên không được tính vào chi phí đầu tư dự án. Và cuối cùng chủ đầu tư vẫn tính vào giá bán mà người mua nhà phải gánh chịu.

Nhìn nhận về giá căn hộ tăng cao, ông Nguyễn Văn Đính, phó chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho biết, trong 2 năm trở lại đây tại Hà Nội, TP.HCM gần như không có dự án mới được phê duyệt. Các dự án đô thị và nhà ở đã được phê duyệt chủ trương đầu tư từ giai đoạn trước cũng gặp nhiều khó khăn trong phê duyệt quy hoạch, cấp phép xây dựng, đủ điều kiện tham gia thị trường.

"Do khan hiếm nguồn cung trong khi lượng cầu rất cao dẫn đến giá căn hộ tại TP.HCM tăng vọt trong quý 3, trong đó giá căn hộ trung cấp ở TP.HCM từ 40-45 triệu đồng/m2", ông Đính nói.

Loạt kiến nghị góp phần kéo giảm giá nhà

Để có thể kéo giá nhà xuống mức phù hợp, HoREA kiến nghị Hiệp hội đề nghị thay đổi cách thu tiền sử dụng đất dự án nhà ở thương mại, chuyển thành sắc thuế đánh trên "hành vi chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp thành đất ở", với thuế suất có thể bằng khoảng 15-20% giá đất trong Bảng giá đất.

Đồng thời, để bù đắp hụt thu ngân sách nhà nước và tạo nguồn thu ổn định, bền vững cho ngân sách nhà nước, Hiệp hội nhất trí với ý kiến của Bộ Tài chính đề xuất đánh thuế bất động sản.

Kéo giá nhà xuống mức vừa "túi tiền" của số đông người dân - Ảnh 3.

HoREA đưa ra hàng loạt kiến nghị góp phần kéo giảm giá nhà.

Một giải pháp được HoREA kiến nghị là Chính phủ nên xem xét giảm mức thu tiền bảo vệ đất lúa tối thiểu 50% bảng giá đất, theo Khoản 2 Điều 5 Nghị định 35/2015, nhất là trong bối cảnh bảng giá đất được điều chỉnh phù hợp với giá thị trường.

Đối với các dự án nhà ở thương mại tại TP.HCM, HoREA đề nghị chính quyền TP.HCM ban hành quy trình chuẩn về đầu tư xây dựng gồm bốn bước để xác định thời gian thực hiện từng thủ tục hành chính, nhằm rút ngắn thời gian làm thủ tục.

Quan trọng nhất là Chính phủ sớm triển khai đề án phát triển nhà ở thương mại giá thấp với các cơ chế, chính sách ưu đãi về tiền sử dụng đất, thuế, tín dụng, để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư các dự án nhà ở thương mại có mức giá căn hộ không quá 20 triệu đồng/m2 ở các tỉnh và không quá 22-25 triệu đồng/m2 ở các đô thị loại I, đô thị đặc biệt.

HoREA cho rằng, nếu thực hiện các giải pháp trên người thu nhập thấp và trung bình sẽ có cơ hội mua được nhà ở các đô thị, vừa đảm bảo an sinh xã hội về nhà ở lâu dài, vừa phát triển thị trường bất động sản theo hướng minh bạch, lành mạnh, ổn định và bền vững.

Trước sự lệch pha cung cầu, Bộ Xây dựng đang nghiên cứu và trình Chính phủ ban hành hàng loạt giải pháp để hạ nhiệt giá nhà. Theo đó, bộ này đang gấp rút hoàn thành dự thảo nghị quyết về phát triển nhà ở giá thấp (giá bán dưới 20 triệu đồng/m2 và diện tích tối đa 70 m2/căn hộ). 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem