Khai thác cát vàng tại TP.HCM phải đóng phí bảo vệ môi trường 7.500 đồng/m3

Quang Sung Thứ bảy, ngày 20/07/2024 12:02 PM (GMT+7)
HĐND TP.HCM khóa X đã thông qua Nghị quyết quy định mức thu, đơn vị tính phí bảo vệ môi trường đối với từng loại khoáng sản áp dụng tại TP.HCM.
Bình luận 0

Tại kỳ họp thứ 17, HĐND TP.HCM khóa X đã thông qua Nghị quyết quy định mức thu, đơn vị tính phí bảo vệ môi trường đối với từng loại khoáng sản áp dụng tại TP.HCM.

Khai thác cát vàng tại TP.HCM phải đóng phí bảo vệ môi trường...- Ảnh 1.

Khai thác cát vàng tại TP.HCM phải đóng phí bảo vệ môi trường 7.500 đồng/m3. Ảnh minh họa: Dân Việt

Theo đó, Nghị quyết này quy định về mức thu, đơn vị tính phí và quản lý sử dụng phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản trên địa bàn TP.HCM. 

Đối tượng áp dụng là các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản theo quy định của pháp luật khoáng sản; các cơ quan nhà nước và tổ chức, cá nhân khác liên quan trong việc quản lý, thu phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản.

Theo nghị định, sẽ có 9 loại khoáng sản nằm trong danh mục đóng phí bảo vệ môi trường. Đối với đất khai thác để san lấp, xây dựng công trình sẽ đóng phí 2.000 đồng/m3; đối với sỏi là 9.000/m3; cát vàng là 7.500 đồng/m3; các loại cát khác là 6.000 đồng/m3.

Đối với đá làm vật liệu xây dựng thông thường đóng phí bảo vệ môi trường 7.500 đồng/m3; đất sét, đất làm gạch, ngói đóng phí 3.000/m3; sét chịu lửa đóng phí 30.000 đồng/tấn; than khác (trừ các loại than antraxit hầm lò; than antraxit lộ thiên; than nâu, than mỡ) đóng phí 10.000 đồng/tấn và cao lanh đóng phí 5.800 đồng/tấn.

Khai thác cát vàng tại TP.HCM phải đóng phí bảo vệ môi trường...- Ảnh 3.

Mức thu và đơn vị tính phí bảo vệ môi trường đối với từng loại khoáng sản áp dụng tại TP.HCM. Ảnh: M.H

Theo Nghị quyết này, tổ chức thu phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản là cơ quan thuế theo quy định của pháp luật về quản lý thuế. Người nộp phí là tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản theo quy định của pháp luật khoáng sản.

Tổ chức, cá nhân được phép khai thác khoáng sản nhỏ, lẻ bán cho tổ chức, cá nhân làm đầu mối thu mua và tổ chức, cá nhân làm đầu mối thu mua cam kết chấp thuận bằng văn bản về việc kê khai, nộp phí thay cho tổ chức, cá nhân khai thác thì tổ chức, cá nhân làm đầu mối thu mua là người nộp phí.

Toàn bộ phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản được nộp vào ngân sách thành phố, được quản lý và sử dụng theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước. Không trích tỷ lệ để lại cho tổ chức thu phí. Nghị quyết này đã được thông qua và chính thức có hiệu lực từ ngày 26/7/2024.

Được biết, kỳ họp thứ 17, HĐND TP.HCM khóa X đã xem xét các tờ trình của Thường trực HĐND và UBND thành phố, báo cáo thẩm tra của các Ban HĐND Thành phố, tiến hành thảo luận và biểu quyết thông qua 38 nghị quyết.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem