Gần 200 đại biểu cùng thảo luận phát triển bền vững nghề nuôi cá lồng bè trên biển

Bùi My Thứ sáu, ngày 09/09/2022 19:57 PM (GMT+7)
Tại diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp diễn ra trong hai ngày 8-9/9 ở TP.Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh, các đại biểu đã sôi nổi thảo luận về các tiến bộ kỹ thuật, giải pháp khoa học công nghệ nhằm phát triển bền vững nghề nuôi cá lồng bè trên biển...
Bình luận 0

Ngày 9/9, tại TP.Cẩm Phả, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Sở NNPTNT tỉnh Quảng Ninh tổ chức diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp "Ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật phát triển bền vững nghề nuôi cá lồng bè trên biển".

Gần 200 đại biểu cùng thảo luận phát triển bền vững nghề nuôi cá lồng bè trên biển - Ảnh 1.

Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp "Ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật phát triển bền vững nghề nuôi cá lồng bè trên biển". Ảnh: Bùi My

Diễn đàn có sự tham gia của các chuyên gia ngành thủy sản, đại diện Trung tâm Khuyến nông đến từ 5 tỉnh thành phố (Quảng Ninh, Hải Phòng Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh), Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản 1, Viện Nghiên cứu Hải sản, Viện Tài nguyên và Môi trường biển, Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam, Công ty TNHH DE HEUS, Tập đoàn nhựa SUPER Trường Phát,…

Đặc biệt, trong 200 đại biểu tham gia diễn đàn, có khoảng 140 đại biểu là nông dân đến từ các tỉnh, thành phố trên.

Tiềm năng nuôi biển lớn

Phát biểu tại diễn đàn, ông Hoàng Văn Hồng - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết, nước ta có những lợi thế về vị trí địa lý do bờ biển nước ta kéo dài trên 3.260km với trên 1 triệu km2 vùng đặc quyền kinh tế biển, hơn 4.000 hòn đảo, nhiều eo vịnh… Chính những điều này đã tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển nghề nuôi biển nước ta.

Gần 200 đại biểu cùng thảo luận phát triển bền vững nghề nuôi cá lồng bè trên biển - Ảnh 2.

Các đại biểu trao đổi, thảo luận về vấn đề liên quan đến ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật phát triển bền vững nghề nuôi cá lồng bè trên biển. Ảnh: Bùi My

Tiềm năng nuôi hải sản trên biển của Việt Nam là rất lớn nhưng chưa khai thác được nhiều. Do vậy, nuôi biển là một trong những hướng đi quan trọng cho ngành thủy sản, cần được đẩy mạnh phát triển trong thời gian tới.

Nuôi hải sản trên biển có nhiều hình thức: Nuôi lồng, nuôi bãi triều, nuôi dây cọc. Các đối tượng nuôi cũng rất phong phú, đa dạng như: cá biển, giáp xác, nhuyễn thể, rong biển... Trong đó, nuôi lồng bè được coi là một hình thức thông dụng, thích ứng và hiệu quả nhất với người nuôi biển gần và xa bờ.

Hiện nay, hình thức nuôi lồng bè đang phát triển mạnh mẽ tại các địa phương như: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Kiên Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu...

"Nhờ những chính sách khuyến khích của nhà nước, trong những năm qua, nghề nuôi biển chuyển biến mạnh mẽ, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao đời sống cho người dân, phát triển kinh tế xã hội vùng biển, hải đảo.

Mặc dù nghề nuôi cá lồng bè trên biển đã và đang đạt được những kết quả nhất định, tuy nhiên, thực tế sản xuất hiện nay cho thấy có những khó khăn, tồn tại trong công tác quy hoạch, tổ chức sản xuất, áp dụng đúng quy trình kỹ thuật, chất lượng đầu vào, vấn đề thức ăn và môi trường, việc liên kết, mở rộng thị trường tiêu thụ...

Do vậy, các bộ, ban, ngành, địa phương cần cùng nhau đưa ra những giải pháp phù hợp để phát triển bền vững nghề nuôi cá lồng bè trên biển", ông Hoàng Văn Hồng cho hay.

Gần 200 đại biểu cùng thảo luận phát triển bền vững nghề nuôi cá lồng bè trên biển - Ảnh 3.

Các đại biểu tham quan trang trại nuôi biển và trải nghiệm STP tại đảo Phất Cờ, xã Hạ Long, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: Bùi My

Ông Đỗ Đình Minh, Chi Cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Ninh cho biết, hiện nay, Quảng Ninh đã tập trung chỉ đạo và hình thành những vùng nuôi trồng thủy sản tập trung với các đối tượng chủ lực có giá trị kinh tế cao.

Đặc biệt Quảng Ninh còn phát triển nghề nuôi trai cấy ngọc và hoạt động nuôi trồng thủy sản kết hợp du lịch. 

Thời gian tới, Quảng Ninh sẽ tập trung đầu tư phát triển nuôi biển theo quy mô công nghiệp, hiện đại đưa Quảng Ninh trở thành trung tâm thủy sản của miền Bắc; tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, dịch vụ các vùng nuôi biển tập trung xa bờ tại Quảng Ninh. Phát triển các mô hình trang trại nuôi biển quy mô công nghiệp gắn với du lịch sinh thái kết hợp trải nghiệm.

Để phát triển bền vững nghề nuôi cá lồng bè trên biển

Tại diễn đàn, các đại biểu đã cùng trao đổi, thảo luận tập trung vào một số vấn đề: Các tiến bộ kỹ thuật, giải pháp khoa học công nghệ nhằm phát triển bền vững nghề nuôi cá lồng bè trên biển, trong đó tập trung về quy trình công nghệ nuôi và sản xuất con giống, vấn đề thức ăn và dinh dưỡng phục vụ nuôi biển; việc áp dụng công nghệ mới, vật liệu nuôi biển thích hợp và kỹ thuật lắp đặt; Vấn đề kiểm soát, quản lý môi trường biển...

Các đại biểu cũng đặc biệt quan tâm đến các vấn đề: Xây dựng đề án phát triển vùng nuôi; Cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển; Quy hoạch, quản lý, tổ chức sản xuất nghề nuôi cá lồng bè trên biển tại các địa phương; Công tác đào tạo nguồn nhân lực, thông tin tuyên truyền; Liên kết tiêu thụ sản, mở rộng thị trường, xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu sản phẩm.

Gần 200 đại biểu cùng thảo luận phát triển bền vững nghề nuôi cá lồng bè trên biển - Ảnh 4.

Các ô lồng HDPE nuôi cá tại trang trại nuôi biển và trải nghiệm STP. Ảnh: Bùi My

Kết luận diễn đàn, ông Hoàng Văn Hồng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật phát triển bền vững nghề nuôi cá lồng bè trên biển.

Thông qua diễn đàn, kiến nghị Trung tâm Khuyến nông Quốc gia sẽ tiếp thu và tập hợp các ý kiến từ diễn đàn báo cáo lãnh đạo bộ NNPTNT về những chủ trương, chính sách nhằm phát triển bền vững nghề nuôi cá lồng bè trên biển trong thời gian tới.

Đề nghị Sở NNPTNT các tỉnh tiếp tục tham mưu lãnh đạo tỉnh, thành phố nhằm cụ thể để thúc đẩy, phát triển nuôi cá lồng bè trên biển.

Các doanh nghiệp dựa trên thông tin, kết quả từ diễn đàn để đề xuất, đặt hàng các nội dung, liên kết hợp tác với hệ thống khuyến nông, các hợp tác xã, người sản xuất để cung ứng các dịch vụ đầu vào và bao tiêu tiêu thụ đầu ra.

Đối với các hợp tác xã, người sản xuất cần căn cứ vào thông tin của diễn đàn để tổ chức sản xuất một cách có hiệu quả. Đồng thời, liên hệ với các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ đầu vào,…

Gần 200 đại biểu cùng thảo luận phát triển bền vững nghề nuôi cá lồng bè trên biển - Ảnh 5.

Rong sụn phát triển tốt, đạt độ trưởng thành chỉ sau 2-2,5 tháng nuôi. Ảnh: Bùi My

Trước đó, ngày 8/9, trong khuôn khổ diễn đàn, các đại biểu đã đi tham quan trang trại nuôi biển và trải nghiệm STP tại đảo Phất Cờ, xã Hạ Long, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh. Đây là farm mẫu do Tập đoàn nhựa Super Trường Phát phát triển, gồm 3 phân khu: Khu điều hành, khu nuôi trồng và khu trải nghiệm.

Trong đó, khu điều hành là hệ thống nhà nổi bằng composite với hệ nâng nổi từ HDPE, tích hợp các không gian tiện ích cơ bản. Khu nuôi trồng là hệ thống các khu vực nuôi trồng thủy sản đa dưỡng tích hợp (IMTA), kết hợp nuôi nhiều loài trong cùng một khu vực. Khu trải nghiệm gồm các công trình phục vụ hoạt động trải nghiệm cho ngư dân, khách tham quan.

Đây là mô hình áp dụng công nghệ mới có nhiều ưu điểm nổi trội so với mô hình nuôi lồng gỗ truyền thống, đặc biệt là trong điều kiện sóng lớn, mưa bão.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem