Tổng Giám đốc vàng SJC: Từ khi giao thương hiệu vàng, lợi nhuận công ty sụt giảm mạnh

Huyền Anh Thứ bảy, ngày 30/07/2022 21:20 PM (GMT+7)
Từ khi giao thương hiệu vàng, SJC mất hoàn toàn các lợi thế về kinh doanh và khi Nghị định được ban hành, lợi nhuận ròng của SJC giảm, từ hơn 300 tỷ-gần 400 tỷ/năm tới giờ chỉ đạt 74-80 tỷ lãi ròng...
Bình luận 0

Đó là khẳng định của bà Lê Thúy Hằng - Tổng Giám đốc Công ty SJC tại buổi họp với các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp kinh doanh vàng về công tác quản lý thị trường vàng.

Công ty SJC không hưởng lợi

Bà Lê Thúy Hằng - Tổng Giám đốc Công ty SJC cho biết, từ năm 2012 thương hiệu SJC được Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) lựa chọn là thương hiệu vàng quốc gia. Do đó, việc sản xuất vàng miếng được NHNN quản lý rất chặt chẽ trong tất cả các khâu của quy trình, bắt đầu từ cân đo sản phẩm, kiểm tra series, đốt nấu và dập ra vàng miếng.

SJC là đơn vị đã được chọn là thương hiệu quốc gia nên luôn luôn tuân thủ đúng các quy định của NHNN. Giá để gia công các miếng vàng chỉ là 140.000 đồng cho một lượng.

Khẳng định "không thao túng, làm giá", Tổng Giám đốc SJC "kể khó" vì được chọn là thương hiệu vàng quốc gia - Ảnh 1.

Toàn cảnh buổi họp với các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp kinh doanh vàng về công tác quản lý thị trường vàng. (Ảnh: SBV)

Vấn đề chênh lệch giá vàng, bà Hằng nhấn mạnh công ty SJC hoàn toàn không có lợi.

"Công ty hoàn toàn tuân thủ theo chỉ đạo của NHNN. Trong 10 năm qua SJC không được dập một miếng vàng nào từ nguyên liệu. Từ khi giao thương hiệu vàng, SJC mất hoàn toàn các lợi thế về kinh doanh và khi Nghị định được ban hành, lợi nhuận ròng của SJC giảm, từ hơn 300 tỷ đồng tới gần 400 tỷ đồng/năm tới giờ chỉ đạt 74-80 tỷ đồng lãi ròng. Như vậy, công ty chỉ hoàn thành kế hoạch doanh số và lợi nhuận của thành phố, UBND thành phố giao để có quỹ lương cho người lao động", Tổng Giám đốc Công ty SJC cho hay.

Về giá vàng trên thị trường, theo bà Hằng, SJC không phải người thao túng hay làm giá. Bởi giá vàng do cung - cầu của thị trường quyết định.

Bà Hằng cho rằng, tất cả các đơn vị kinh doanh vàng đều hiểu không có đơn vị nào thao túng giá vàng. Việc đầu tiên khi lấy giá vàng là tham chiếu giá vàng thế giới, sau đó theo cung - cầu thực tế của thị trường, quyết định ra giá vàng. Không đơn vị nào có thể tự chủ động định giá trên thị trường.

Thực tế, trên thị trường, các đơn vị tổ chức tín dụng, các doanh nghiệp kinh doanh vàng có thể có quyền từ chối mua và bán, nhưng SJC vì đã được lựa chọn là thương hiệu vàng miếng quốc gia nên đối với tất cả các nhu cầu mua - bán trên thị trường SJC đều phải thực hiện. Tất cả những khuyến mại, hậu mãi của miếng vàng miếng SJC đều thực hiện đúng quy định.

Bà Lê Thúy Hằng cho biết, số lượng vàng trên thị trường còn rất ít, bởi có những năm, những thời điểm, giá nguyên liệu và giá vàng SJC thấp hơn hoặc bằng, các thương hiệu trong nước nấu vàng miếng của SJC để sản xuất vàng nhẫn và nữ trang.

Đặc biệt, năm 2019, thị trường vàng xuất đi nước ngoài rất nhiều cho nên lượng vàng SJC trên thị trường hiện nay còn rất ít. Nguồn cung hiện tại không có trong khi nhu cầu thị trường có, do vậy tạo ra độ chênh về giá so với vàng thế giới.

Theo bà Lê Thúy Hằng, vàng miếng SJC vẫn thể hiện được chất lượng, uy tín của mình và được khách hàng lựa chọn. Nếu thời gian tới cho các thương hiệu khác cùng dập vàng miếng thì cũng là một điều tốt. Công ty nào uy tín, chất lượng thì được thị trường và người dân lựa chọn.

Khẳng định "không thao túng, làm giá", Tổng Giám đốc SJC "kể khó" vì được chọn là thương hiệu vàng quốc gia - Ảnh 2.

SJC vì đã được lựa chọn là thương hiệu vàng miếng quốc gia nên đối với tất cả các nhu cầu mua - bán trên thị trường SJC đều phải thực hiện. (Ảnh: SJC)

Về vàng miếng SJC, đứng về phương diện kinh doanh, ông Đỗ Minh Phú - Chủ tịch Công ty Doji, đại diện cho TPBank cũng cho rằng, không có doanh nghiệp nào muốn giá vàng tăng quá cao, rất rủi ro vì người dân sẽ bán lại.

Theo đó, các doanh nghiệp, các ngân hàng đều mong muốn giá vàng ở trạng thái tương đối bình ổn, bảo đảm hoạt động kinh doanh an toàn, lượng vàng cung ra trên thị trường nằm trong khả năng kiểm soát được.

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nói gì?

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng đánh giá, chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới cũng như chênh lệch giữa giá vàng miếng SJC và các loại vàng miếng khác là phù hợp. Sự chênh lệch là do chênh lệch giá nguyên liệu nhập khẩu và nguồn cung hạn chế.

Từ năm 2014 đến nay, NHNN không đưa thêm vàng ra thị trường, nên vàng miếng SJC trong lưu thông thậm chí còn được chuyển hóa sang vàng nguyên liệu để phục vụ cho sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ. Các loại vàng trang sức mỹ nghệ này còn được đem xuất khẩu.

Ngoài ra, do nguồn cung bị giảm, giá vàng thế giới tăng cao, các doanh nghiệp phải phòng thủ, dự trữ vàng do không biết giá vàng thế giới biến động như nào. Việc mua nguyên liệu giá cao thì sẽ phải bán cao hơn.

Khẳng định "không thao túng, làm giá", Tổng Giám đốc SJC "kể khó" vì được chọn là thương hiệu vàng quốc gia - Ảnh 3.

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng. (Ảnh: SBV)

Đối với câu hỏi chênh lệch giá SJC và ngoài SJC vào túi ai? Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, có thể khẳng định là không có vào doanh nghiệp nào vì doanh nghiệp chỉ ăn chênh lệch mua vào bán ra. Nếu người dân lựa chọn SJC thì mua giá cao hơn và khi bán sẽ bán giá cao hơn.

"Ngoài ra, không một doanh nghiệp nào có thể thao túng vàng SJC để có thể chênh lệch lên đến mấy triệu đồng như vậy. Vấn đề này các cơ quan quản lý đã có thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp khi được phản ánh trên báo chí, truyền thông", Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh.

Bà Lê Thị Thúy Sen - Vụ trưởng Vụ Truyền thông nhấn mạnh, Vụ truyền thông đã tổng hợp dư luận về chính sách với vàng trên nguyên tắc khách quan từ nhiều nguồn khác nhau như báo chí, các buổi làm việc với các chuyên gia… Có ý kiến đặt câu hỏi vì sao lại có hiện tượng chênh lệch giá vàng với SJC và vàng quốc tế từ 15-20 triệu đồng/lượng? Có hay không lợi ích nhóm, tiền chênh đó ai được hưởng lợi? Tại sao không xóa bỏ độc quyền sản xuất vàng miếng… Chính sách vàng cần có sự điều chỉnh cho phù hợp với tình hình hiện nay để kéo giá vàng SJC về gần giá vàng thế giới?

Nhưng nhiều ý kiến lại cho rằng kết quả đạt được trong công tác quản lý thị trường vàng theo Nghị định 24 hiện nay đang phát huy tác dụng đặc biệt là góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, chống vàng hóa, và làm cho người dân "chán vàng" và thay đổi thói quen dùng vàng làm phương tiện thanh toán và đo giá trị với tài sản khác, loại vàng ra khỏi phương tiện thanh toán. Đây là nỗ lực rất lớn của chính sách vàng và thực hiện theo thông lệ quốc tế chuyển hóa vàng thành nguồn lực phát triển kinh tế.

Bà Lê Thị Thúy Sen nhấn mạnh nhiều ý kiến đưa ra việc xem xét điều chỉnh được chính sách quản lý thị trường vàng thì cần cân nhắc những lợi ích mang lại như: Lợi ích đối với nền kinh tế, lợi ích của người dân, lợi ích đối với doanh nghiệp kinh doanh vàng. Khi xác định được những vấn đề này một cách rõ ràng thì mới xem xét tới việc có điều chỉnh chính sách hay không.

Về chênh lệch giá vàng nhiều ý kiến cho rằng chênh cao là so với giá SJC còn so với vàng vật chất 4 số 9 thì chỉ chênh 2 triệu đồng/lượng. Do vậy khẳng định giá vàng chênh quá cao so với thế giới là thông tin chưa toàn diện. Và người dân có thể thay vì mua vàng thương hiệu SJC thì có thể mua vàng thương hiệu khác.

Tuy nhiên thói quen nhiều người vẫn mua vàng SJC vì thực tế mua cao thì lại bán cao. Và dư luận cũng phản ánh trong thời gian gần đây giá vàng SJC đã giảm khoảng 5-7 triệu đồng/lượng. Và hiện nay mặc dù diễn biến giá vàng trên thế giới phức tạp nhưng không có hiện tượng người dân đổ xô đi mua vàng như trước kia.

Thực tế, vàng cũng là một trong những nguyên nhân gây ra bất ổn vĩ mô thời kỳ trước đây.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem