Khôi phục nông nghiệp ở miền Trung sau bão lũ: Điều chỉnh kế hoạch sản xuất, biến nguy thành cơ

Ngọc Vũ Thứ bảy, ngày 28/11/2020 11:51 AM (GMT+7)
“Không để người dân bị thiếu đói, thiếu nước sinh hoạt...” là quan điểm chung mà lãnh đạo Bộ NNPTNT và các tỉnh miền Trung nêu ra tại hội nghị bàn các nhóm giải pháp ngắn hạn và dài hạn nhằm thúc đẩy phục hồi sản xuất nông nghiệp sau thiên tai lịch sử, dị thường. Hội nghị tổ chức tại TP.Đông Hà, tỉnh Quảng Trị, ngày 27/11.
Bình luận 0

Thiệt hại nặng do thiên tai dị thường

Theo báo cáo tại hội nghị, từ giữa tháng 9/2020 đến nay, 8 cơn bão, 2 áp thấp nhiệt đới đổ bộ vào Trung Bộ gây mưa lớn, ngập lũ trên diện rộng. Thời điểm cao nhất, lũ đã khiến 317.000 hộ với 1,2 triệu nhân khẩu tại 7 tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Nam bị ngập, nhiều nơi ngập lụt trên nửa tháng.

Mưa lũ còn gây sạt lở đất, lũ quét ở nhiều nơi cướp đi sinh mạng của hàng trăm người dân, hàng chục cán bộ, chiến sĩ và phá hủy nghiêm trọng nhiều cơ sở hạ tầng.

Khôi phục nông nghiệp ở miền Trung sau bão lũ: Điều chỉnh kế hoạch sản xuất, biến  nguy thành cơ - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường kiểm tra chất lượng cá bố mẹ trước khi hỗ trợ cho tỉnh Quảng Trị nuôi sinh sản, phục vụ cung cấp giống cho nhân dân. Ảnh: N.V

"Thời gian tới, Bộ NNPTNT sẽ cử các đoàn chuyên gia về tỉnh tổ chức tập huấn kỹ thuật, xây dựng mô hình để lan toả hình thức sản xuất mới".

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường

Chủ trì hội nghị, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, tình trạng "bão chồng bão", "lũ chồng lũ" năm nay chưa từng thấy trong lịch sử, là hiện tượng dị thường, với quy mô rộng lớn, cường độ rất mạnh. 

Mưa lũ khiến 22.651ha lúa, cây trồng bị thiệt hại, 2.624ha đất sản xuất bị vùi lấp. Khoảng 1.526 tấn hạt giống lúa, rau màu dự trữ trong dân để chuẩn bị sản xuất vụ đông xuân 2020-2021 bị hư hỏng. Người dân không còn tiền mua hạt giống tái sản xuất.

Ngoài ra, mưa lũ làm 25,6 triệu cây giống, 149.295ha rừng bị gãy, chết; 12.672ha nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại. Hơn 42.717 con gia súc, hơn 4 triệu con gia cầm bị chết, cuốn trôi. Nhiều hồ chứa nước, đập và khoảng 165km đê điều, 46km kè bị xói, sạt lở nặng.

Khoảng 745km kênh mương các loại bị sạt, trôi, bồi lấp, hơn 300 trạm bơm, 800 cống và 340 công trình thủy lợi khác bị hư hỏng.

Sau mưa lũ, cùng với việc hỗ trợ để người dân không bị đói rét trong thời gian trước mắt, vấn đề quan trọng đặt ra là khôi phục sản xuất, đặc biệt là sản xuất nông nghiệp để đảm bảo sinh kế cho người dân. 

Với nhiệm vụ này, đến nay Bộ NNPTNT đã hỗ trợ 23 tấn hạt giống ngô và 28,8 tấn hạt giống rau, lúa, ngô cho 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế. 

Đến ngày 23/11, các doanh nghiệp đã hỗ trợ 140 triệu con tôm thẻ chân trắng, 50 tấn thức ăn, 30 tấn hoá chất, sản phẩm xử lý môi trường cho 480 hộ dân và 600kg cá bố mẹ cho Trung tâm giống của tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị nuôi sinh sản để cung cấp giống cho dân.

Bộ NNPTNT cũng phát 1,8 triệu liều vaccine, 155.000 lít và 225 tấn hoá chất, 15 tấn sản phẩm xử lý môi trường, khử trùng phòng, chống dịch bệnh thuỷ sản; hỗ trợ hơn 1,1 triệu con gà giống các loại 1 ngày tuổi, 19.000 con vịt, ngan 1 ngày tuổi và 300 tấn thức ăn hỗn hợp cho gia cầm kèm gần 2,5 triệu liều vaccine, hoá chất để khôi phục sản xuất chăn nuôi.

Giải pháp ngắn và dài hạn

Bộ NNPTNT đề nghị Chính phủ cần xây dựng chính sách dự trữ giống, thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản và cấp phát cho người dân nuôi trồng thủy sản khi bị thiệt hại trên 70% do thiên tai; sớm hỗ trợ kinh phí cho các tỉnh để khắc phục cấp bách cơ sở bị thiệt hại, nhất là các công trình đê điều, thủy lợi, chống sạt lở bờ biển...

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, cùng các hỗ trợ khẩn cấp, thời gian tới cần tiếp tục triển khai nhanh, mạnh công tác khắc phục sau thiên tai với quan điểm: Không để người dân bị thiếu đói, thiếu nước sinh hoạt; tạo mọi nguồn lực để người dân sớm ổn định sản xuất. 

Tập trung sản xuất những nhu yếu phẩm cần thiết để phục vụ kịp thời; đảm bảo vệ sinh môi trường, không để lây lan dịch bệnh trong chăn nuôi; khử trùng và xử lý môi trường chăn nuôi; sản xuất đảm bảo phù hợp với mùa vụ và thời tiết. 

Trong đó, xem xét bổ sung nhiệm vụ khuyến nông Trung ương đột xuất, đặc thù giúp các tỉnh miền Trung xây dựng các mô hình điểm, khắc phục sản xuất sau bão, lũ ngay từ vụ đông - xuân năm 2021; xây dựng mô hình phục hồi chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng thủy sản sau lũ.

Giải pháp trước mắt, theo Bộ trưởng Cường, Bộ NNPTNT đề nghị Chính phủ hỗ trợ 6.000 tấn hạt giống lúa, 362 tấn hạt giống ngô và 55 tấn hạt giống rau cho 3 tỉnh (Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh) bị ảnh hưởng nặng nề bởi mưa, lũ để tái sản xuất vụ mùa đông - xuân. 

"Chúng ta phải cung cấp giống, tập huấn kỹ thuật giúp người dân tái sản xuất rau màu, gia cầm để nhanh có thu nhập, đó là nhiệm vụ đầu tiên, cấp thiết phải thực hiện" - Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói.

Bộ NNPTNT sẽ phối hợp với các tỉnh tiếp tục thống kê đầy đủ thiệt hại đối với nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi để đề xuất Chính phủ có chính sách hỗ trợ kịp thời cho người dân; đồng thời giúp người dân khôi phục sản xuất, kêu gọi doanh nghiệp, tổ chức hỗ trợ người nuôi về giống, thức ăn, hóa chất.

Đối với những vùng đất bị vùi lấp, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề nghị, nơi nào có thể khôi phục sản xuất cây trồng truyền thống thì khôi phục, nơi nào không thể thì chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Cùng với đó, các địa phương phải khắc phục khẩn cấp công trình đê điều, kênh mương, xử lý sạt lở bờ sông, đê biển, kiên cố hóa hệ thống tưới tiêu, khôi phục công trình thủy lợi nội đồng bị hư hỏng, bảo đảm việc phân phối, tưới nước mặt ruộng; đồng thời đảm bảo số lượng, chất lượng giống cây trồng, đặc biệt là giống lúa, rau màu.

Bộ NNPTNT đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan đẩy nhanh tiến độ mua bù, mua tăng hàng dự trữ quốc gia, nếu mua không kịp thì ứng trước để cấp cho các địa phương khôi phục sản xuất theo đúng lịch thời vụ.

 Bổ sung nguồn lực đầu tư hạ tầng cho vùng nuôi trồng thuỷ sản tập trung, đáp ứng quy định về điều kiện nuôi trồng thủy sản và phòng chống thiên tai. Đầu tư xây dựng hệ thống cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão đảm bảo an toàn, đủ công suất tránh trú bão cho tàu cá; hạ tầng hệ thống giám sát, thông tin tàu cá.

"Chúng ta phải xác định sống chung với bão, lũ, thiên tai là bình thường để điều chỉnh kế hoạch sản xuất, có những gói dự án phát triển phù hợp, chủ động, biến nguy thành cơ. Thời gian tới, Bộ sẽ cử các đoàn chuyên gia về tỉnh tổ chức tập huấn kỹ thuật, xây dựng mô hình để lan tỏa hình thức sản xuất mới" - Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói.  

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem