Long An: Tập tành làm ao nổi nuôi tôm, nông dân nuôi 4 vụ trúng cả 4

Trần Cửu Long Thứ sáu, ngày 27/11/2020 13:46 PM (GMT+7)
Thời gian gần đây, nhiều nông dân ở tỉnh Long An đã dốc vốn đầu tư ao nổi nuôi tôm. Đây là mô hình sản xuất tốn kém nhiều chi phí đầu vào, nhưng cũng có thể sinh lời tiền tỷ.
Bình luận 0

Xã Tân Phước Tây (Tân Trụ) - một xã lâu nay chỉ nuôi tôm quảng canh (bán công nghiệp) giờ cũng đã có nông dân tập tành đầu tư ao nổi nuôi tôm theo hướng công nghiệp.

"Thuyền to, sóng to"

Theo UBND xã Tân Phước Tây, hiện xã này có khoảng 300ha nuôi tôm, chủ yếu là quảng canh. Tuy nhiên, khoảng 1 năm nay, tại ấp 5 đã có 2 nông dân đầu tư ao nổi nuôi tôm theo hướng công nghiệp.

Ông Sáu Đê (Trần Văn Đê) - 1 trong 2 nông dân đầu tư ao nổi cho biết, ông vừa bán vụ tôm 5 tấn thu về 600 triệu đồng. Liên tiếp 4 vụ tôm gần đây, ông Sáu Đê đều có lãi. Theo ông Sáu Đê, doanh thu này có được là nhờ trước đó ông đầu tư ao nổi 200m3 để thuần con giống.

Đầu tư ao nổi nuôi tôm, nông dân trúng lớn - Ảnh 1.

Nông dân nuôi tôm công nghệ cao theo công nghệ ao nổi, nuôi 2 giai đoạn ở Long An. Ảnh: T.C.L

Hiện,tỉnh Long An có hơn 400 hộ đầu tư các mô hình nuôi tôm ứng dụng CNC với hơn 200ha. Ông Nguyễn Thanh Toàn - Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi Thú y và Thủy sản tỉnh Long An cho biết, mô hình nuôi tôm ứng dụng CNC năng suất bình quân khoảng 20 tấn/ha/vụ. Nếu nuôi đạt có thể lãi trên 2 tỷ đồng/ha/năm.

"Khoảng năm trước tui bỏ ra 100 triệu đồng làm ao nổi để thuần con giống. Ao nổi này có khả năng chứa 250.000 con tôm post. Sau 20-25 ngày thuần tôm post, tui cho ra ao nuôi. Mô hình nuôi tôm theo 2 giai đoạn này tuy đầu tư tốn kém nhưng đã phát huy hiệu quả kinh tế, tỷ lệ tôm nuôi sống đạt hơn 80%" - ông Sáu Đê chia sẻ.

Ngoài ao nổi thuần con giống, ông Sáu Đê còn có hai ao nuôi khoảng 4.000m2. Hai ao này luân phiên vừa lắng vừa nuôi tôm.

Gần đó, ông Út Hồng (Trần Văn Hồng) cũng đầu tư ao nổi thuần tôm giống. Theo ông Út Hồng, có hai yếu tố rất quan trọng để nuôi tôm đạt chất lượng và sản lượng là nước và con giống. "Sau khi đầu tư ao nổi thuần con giống, gần như tui đã loại khỏi rủi ro từ con giống rồi" - ông Út Hồng cho biết.

Theo ông Trần Văn Niêm - Trưởng ấp 5, hiện ấp 5 có khoảng 100ha nuôi tôm. Tuy nhiên, vì nuôi theo lối quảng canh nên rủi ro cao, phần lớn nông dân bị thua lỗ. Việc đã có nông dân đầu tư ao nổi nuôi tôm và trúng lớn đang đem lại nhiều hy vọng thành công cho nông dân nuôi tôm.

Trong khi đó, tại huyện Cần Giuộc, ông Lê Văn Bông (xã Phước Vĩnh Tây) cũng đã đầu tư nuôi tôm công nghệ cao (CNC) với diện tích 1,6ha. Theo ông Bông, nếu so với cách nuôi truyền thống, nuôi tôm ứng dụng CNC theo 3 giai đoạn mang lại hiệu quả cao hơn hẳn. 

"Tôm không chỉ được cung cấp đầy đủ ôxy, lớn nhanh, chống dịch bệnh tốt, mà còn giảm hiện tượng chết giai đoạn ương, không cần dùng thuốc kháng sinh mà vẫn làm sạch được đáy ao, hạn chế được rất nhiều rủi ro" - ông Bông thổ lộ.

Đầu tư ao nổi nuôi tôm, nông dân trúng lớn - Ảnh 3.

Ông Sáu Đê kiểm tra tôm giống đang thuần trong ao nổi trước khi đưa ra ao nuôi. Ảnh: Trần Đáng

Phước Vĩnh Tây là một trong những địa phương có diện tích nuôi tôm lớn của huyện Cần Giuộc. Hiện tổng diện tích nuôi tôm của toàn xã khoảng 850ha. Trong đó, nông dân nuôi tôm ứng dụng CNC hoàn chỉnh 12ha. Gần đây, việc nuôi tôm mang lại hiệu quả rất khả quan cho nông dân. Đối với những diện tích nuôi tôm ứng dụng CNC, năng suất tôm trung bình khoảng 15 tấn/ha, cao gấp 6 lần so với nuôi tôm theo kiểu truyền thống.

Nhân rộng mô hình

Chủ tịch UBND huyện Cần Đước Huỳnh Văn Quang Hùng cho biết, thực hiện Đề án Phát triển nuôi tôm nước lợ của tỉnh giai đoạn 2020-2025, UBND tỉnh hỗ trợ Cần Đước trên 285 tỷ đồng đầu tư xây dựng công trình hạ tầng vùng nuôi tôm CNC. Ngoài ra, ngành nông nghiệp tiếp tục vận động những hộ dân có điều kiện, đầu tư mô hình nuôi tôm công nghiệp.

Theo bà Đinh Thị Phương Khanh - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Long An, trong giai đoạn 2020-2025, tỉnh sẽ xây dựng vùng nuôi tôm nước lợ tập trung tại các huyện Cần Đước, Cần Giuộc, Tân Trụ và Châu Thành, phấn đấu đưa ngành tôm phát triển bền vững.

Nguồn vốn để đầu tư phát triển vùng nuôi tôm nước lợ của tỉnh Long An giai đoạn 2020-2025 dự kiến là hơn 1.244 tỷ đồng. Trong đó, vốn Trung ương gần 588 tỷ đồng dùng để cải tạo nâng cấp, đầu tư mới cơ sở hạ tầng vùng sản xuất giống, vùng nuôi tôm thí điểm, tập trung. 

Nguồn vốn ngân sách tỉnh là 33,4 tỷ đồng dùng cho việc quan trắc, cảnh báo môi trường, giám sát dịch bệnh, chuyển giao khoa học công nghệ, xúc tiến thương mại. Vốn huy động từ nguồn xã hội hóa hơn 624 tỷ đồng để tập trung cải tạo, nâng cấp, đầu tư mới hạ tầng cơ sở nuôi tôm, mua con giống, thức ăn, thiết bị.

Bà Khanh cho biết, tỉnh sẽ tập trung khai thác hiệu quả diện tích nuôi tôm nước lợ hiện có, kết hợp với tổ chức lại sản xuất dựa trên cơ sở áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ, đầu tư nuôi theo hướng CNC để tăng vụ (3-4 vụ/năm), tăng năng suất, chất lượng, giá trị, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

"Tỉnh đầu tư toàn diện vào tất cả các khâu trong chuỗi giá trị sản phẩm để phát triển ngành tôm bền vững, tạo khối lượng sản phẩm lớn, giá trị cao, đáp ứng được yêu cầu của các thị trường trong nước và xuất khẩu" - bà Khanh chia sẻ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem