Không được thanh toán tiền mặt: Ngân hàng miễn phí, doanh nghiệp gật đầu

H.Anh Thứ tư, ngày 09/06/2021 08:05 AM (GMT+7)
Ngoài việc đa dạng hình thức thanh toán không dùng tiền mặt, các ngân hàng thương mại cũng đua nhau giảm phí, miễn phí qua kênh thanh toán điện tử. Vì vậy, các khoản phí này không còn là gánh nặng với doanh nghiệp.
Bình luận 0

Cục Thuế TP.HCM vừa có công văn kiến nghị Chính phủ xem xét quy định các tổ chức áp dụng thanh toán không dùng tiền mặt với tất cả các giao dịch bán ra và mua vào, không giới hạn tổng giá trị thanh toán.

Trong khi đó, quy định tại Luật thuế giá trị gia tăng hiện hành, giá trị từ 20 triệu đồng trở lên, các tổ chức phải thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt.

Phí không còn gánh nặng, doanh nghiệp "gật đầu" thanh toán không dùng tiền mặt

Là kế toán viên tại một doanh nghiệp xuất nhập khẩu trên đại bàn xã Anh Khánh- Hoài Đức - TP.Hà Nội, chị Phan Thủy cho biết, hầu hết các giao dịch mua/bán hàng của doanh nghiệp có giá trị hàng chục triệu đồng đều đã được doanh nghiệp thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt qua ngân hàng như Ủy nhiệm chi, thanh toán thẻ hay thanh toán điện tử (trực tuyến).

Lý do, theo chị Thủy ngoài việc đa dạng hình thức thanh toán không tiền mặt, các ngân hàng thương mại thời gian qua cũng đua nhau giảm phí, miễn phí giao dịch qua ngân hàng.

Đơn của như Techcombank, ngân hàng này miễn phí toàn bộ dịch vụ chuyển tiền từ năm 2016 và vẫn duy trì chính sách này cho đến bây giờ.

Từ cuối năm 2019, khách hàng TPBank có thể chuyển tiền trong hệ thống hay liên ngân hàng mà không mất một đồng phí nào.

Seabank, MB hay VIB cũng áp dụng những chính sách tương tự.

Không được thanh toán tiền mặt: Doanh nghiệp "gật đầu", ngân hàng "còng lưng" bù lỗ? - Ảnh 1.

Đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, trong vài năm trở lại đây, cuộc đua miễn phí dịch vụ ngân hàng trở nên rầm rộ, đặc biệt là dịch vụ chuyển tiền trên kênh ngân hàng điện tử. (Ảnh: Agribank)

Và mới đây nhất, "ông lớn" Agribank cũng nhập cuộc, miễn phí giao dịch chuyển tiền trong nước cho tất cả khách hàng cá nhân và doanh nghiệp của ngân hàng trên toàn quốc.

"Đối với doanh nghiệp, chi phí là một trong những thước đo quan trọng. Các giao dịch thanh toán qua ngân hàng như cà thẻ, chuyển khoản,... được nhiều ngân hàng miễn phí dịch vụ, nên doanh nghiệp không ngại nếu như buộc phải thực hiện tất cả các giao dịch mua/bán với đối tác qua các kênh thanh toán không dùng tiền mặt, trong điều kiện cơ sở hạ tầng thuận lợi", chị Thủy nêu quan điểm.

Mức giao dịch mua bán hàng hóa giá trị từ 20 triệu phải thanh toán bằng thẻ đã đặt ra từ nhiều năm, nhưng theo thời gian, hiện nay chắc chỉ còn 10 triệu, vài năm nữa sẽ xuống 5 triệu rồi về mức 2-3 triệu đồng. Hiện tại cần xem xét đến thực tế, chưa cần thiết phải thay đổi theo hướng bắt buộc mọi giao dịch đều không dùng tiền mặt.

Luật sư Trương Thanh Đức

Thừa nhận phí không còn là gánh nặng nếu doanh nghiệp thực hiện tất cả các giao dịch trên nền tảng số của các ngân hàng, ông Nguyễn Hoàng Linh, kế toán viên tại Công ty TNHH Thái Phú cho biết, ban lãnh đạo doanh nghiệp rất ủng hộ việc hạn chế thanh toán bằng tiền mặt.

"Ngưỡng 20 triệu đồng trở lên các tổ chức phải thanh toán qua ngân hàng đã áp dụng quá lâu, khi cơ sở hạ tầng phục vụ việc thanh toán không tiền mặt chưa phát triển.

Đến nay, hạ tầng thanh toán cho phép thực hiện các giao dịch nhanh chóng, thuận lợi, rất nhiều doanh nghiệp quy mô nhỏ như Thái Phú sử dụng kênh thanh toán trực tuyến với các đơn hàng 5 triệu, 10 triệu chứ không còn sử dụng tiền mặt", anh Linh nói.

Ngân hàng đang chịu chi phí 

Vậy còn các ngân hàng thì sao?

Theo chia sẻ của Phó Tổng giám đốc một ngân hàng thương mại, hiện ngân hàng không thu phí thanh toán thẻ hay chuyển tiền của cá nhân hay tổ chức nào. Chính vì vậy, tất cả các khoản chi phí phát sinh từ những giao dịch kể trên đều là do ngân hàng chi trả.

"Việc miễn phí chuyển tiền cho khác hàng, mỗi năm ngân hàng phải chi trả khoảng 350 tỷ đồng.  

Tất nhiên, ở một góc độ khác thì ngân hàng cũng sẽ thu về những lợi ích nhất định từ tệp khách hàng doanh nghiệp. Vì vậy, ngân hàng vẫn khuyến khích doanh nghiệp giao dịch qua kênh điện tử", vị lãnh đạo này chia sẻ.

Không được thanh toán tiền mặt: Doanh nghiệp "gật đầu", ngân hàng "còng lưng" bù lỗ? - Ảnh 3.

Miễn phí chuyển tiền, nhiều ngân hàng "hy sinh" lợi nhuận (Ảnh: LT)

Khảo sát của Dân Việt cho thấy, trên thị trường hiện nay chỉ còn một vài ngân hàng không thu phí thanh toán qua thẻ nhưng với những giao dịch qua kênh điện tử, ngân hàng vẫn duy trì một khoản phí nhất định, phổ biến từ 0,01% - 0,015%, tối thiểu là 10.000 đồng/món (giao dịch) đối với các giao dịch có giá trị dưới 500 triệu và tối đa lên tới 1 triệu đồng đối với các giao dịch lớn hơn của các doanh nghiệp.

Đặt trong bối cảnh hiện nay khi áp lực cạnh tranh giữa các ngân hàng ngày càng lớn, bài toán mà các ngân hàng đối mặt khi "tận thu" phí đó là, sức "hấp dẫn" của ngân hàng đối với doanh nghiệp ngày càng thu hẹp.

Thực tế cũng đã chứng minh. Nhiều doanh nghiệp cho biết, doanh nghiệp ngày càng có rất nhiều lựa chọn, dễ dàng chuyển từ ngân hàng này sang ngân hàng khác để được sử dụng dịch vụ có chất lượng tốt hơn, chi phí hợp lý hơn. Miễn phí chuyển tiền, thanh toán trực tuyến cũng là một trong những tiêu chí được doanh nghiệp ưu tiên khi lựa chọn ngân hàng.

"Nếu quy chiếu theo biểu phí hiện tại của một số ngân hàng thì với một lệnh thanh toán giao dịch mua hàng chỉ vài triệu đồng, phí chuyển tiền tối thiểu cũng đã lên tới 10.000 đồng. Có những đơn hàng giá trị lớn, phí giao dịch lên tới hàng trăm nghìn. Dù giao dịch giá trị lớn hay giá trị nhỏ, doanh nghiệp sẽ không bao giờ muốn bỏ ra khoản chi phí này", chị Thúy nhấn mạnh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem