Không thể chấp nhận đại lý bán xăng nhỏ giọt vì chiết khấu 0 đồng!

An Linh Thứ hai, ngày 29/08/2022 15:05 PM (GMT+7)
Theo các chuyên gia và người trong cuộc, việc doanh nghiệp xăng dầu nêu các chuyện lùm xùm về chiết khấu 0 đồng, khó nhập hàng để từ đó hạn chế hoặc giảm lượng xăng dầu bán ra là khó thể chấp nhận được.
Bình luận 0

Xăng dầu lùm xùm chuyện chiết khấu 0 đồng!

Trên diễn đàn xăng dầu, rất nhiều đại lý bán lẻ xăng dầu kêu khó nhập xăng dầu và nêu thực trạng họ bị các đầu mối, thương nhân phân phối chiết khấu 0 đồng. Điều này dẫn đến tình trạng bán xăng phải bù lỗ, do chi phí nhân công, mặt bằng và giá vốn mỗi ngày không được tính vào giá xăng.

Nhiều doanh nghiệp kêu có thể phải giảm lượng xăng bán ra do khó khăn nhập về hoặc do không đủ xăng dầu cung cấp từ đối tác, thương nhân.

Không thể chấp nhận đại lý bán xăng nhỏ giọt vì chiết khấu 0 đồng! - Ảnh 1.

Theo các chuyên gia, người trong cuộc, không thể chấp nhận việc đại lý bán lẻ tận dụng chiết khấu 0 đồng hoặc khan hiếm hàng để giảm lượng bán ra. (Ảnh: Hữu Nghị)

Một đại lý xăng dầu tại Quảng Trị nêu, tổng đại lý chiết khấu xăng -500 đồng/ lít, dầu diesel - 1.000 đồng/ lít nhưng đại lý gọi hàng không có.

Hay một đại lý tại Đắk Nông cho biết, hiện trạng đại lý nhập hàng chiết khấu 0 đồng từ khá lâu, nhưng gần đây dù chấp nhận chiết khấu như vậy, thậm chí có thời điểm chiết khấu âm, song đơn hàng không giao đủ. Đại lý phản ánh thì tổng đại lý và đối tác cũng "chịu", thậm chí không bắt máy.

Theo một số đại lý kinh doanh xăng dầu, việc chiết khấu âm, 0 đồng và khan hiếm xăng liên quan trực tiếp đến xu hướng giá xăng tăng lên trong thời gian tới.

"Giá xăng dầu trong nước dự đoán có thể tăng trở lại nên chúng tôi nghi ngờ doanh nghiệp đầu mối, tổng đại lý giữ hàng, đề nghị cơ quan quản lý thị trường, Bộ Công Thương vào cuộc để giải đáp các nghi vấn, vướng mắc", đại diện đại lý xăng dầu H.Petro cho biết.

Thực tế, hiện tượng doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu kêu khó nhập xăng dầu, thậm chí họ chịu chiết khấu 0% từ đơn vị phân phối khiến càng bán, càng lỗ. Trong khi đó, do đợt điều chỉnh giá xăng dầu đúng ngày nghỉ lễ nên dời đến ngày 5/9, vì vậy, đại lý lỗ càng thêm lỗ, rất khó khăn.

"Nhiều đại lý doạ đóng cửa, bán xăng nhỏ giọt bởi có muốn bán hàng bình thường thì phải có hàng nhập đủ. Nếu cần đối chứng, đối chiếu, chúng tôi sẽ đưa ra các hoá đơn, chứng từ để chứng minh", đại diện đại lý xăng dầu bán lẻ cho hay.

Theo một số chuyên gia, tình trạng khan hàng, chiết khấu 0 đồng có thể liên quan đến đà tăng của giá xăng dầu trong thời gian sắp tới. Tuy nhiên, không thể dựa vào khan hàng, chiết khấu 0 đồng để giảm sản lượng bán ra, bóp nghẹt thị trường.

"Kinh doanh có lỗ, có lãi, trong kinh doanh xăng dầu đều có các quy định về ổn định thị trường, ổn định nguồn cung. Không thể dựa vào chiết khấu 0 đồng, dẫn đến lỗ mà không bán. Phải có trách nhiệm với thị trường, tự chủ về nguồn cung và lượng bán ra", vị chuyên gia từ Hiệp hội xăng dầu nói.

Theo vị chuyên gia này, "chiết khấu cao thấp là chuyện của doanh nghiệp, có lúc nọ, lúc kia, quan trọng nhất là bài toán ổn định thị trường".

Một số đại lý xăng dầu và chuyên gia xăng dầu kiến nghị cơ quan quản lý tháo gỡ quy định đại lý bán lẻ chỉ được mua xăng dầu từ một nhà phân phối. Điều này dễ nảy sinh độc quyền, không tạo tính cạnh tranh.

"Cần mở quy định cho phép đại lý bán lẻ được phép nhập xăng dầu từ 2 nhà cung cấp, giúp đa dạng nguồn cung, cạnh tranh giá và chất lượng", vị chuyên gia xăng dầu cho biết. 

Trước đó, như Dân Việt đưa tin, ngày 26/8, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chủ trì họp trực tuyến với Tổng cục Quản lý thị trường và các địa phương, đơn vị về bảo đảm nguồn cung xăng dầu.

Tại đây, ông Diên khẳng định, không thể có chuyện đứt gãy nguồn cung xăng dầu và thiếu hụt xăng dầu. Gần đây dư luận dồn dập thông tin thiếu xăng, đứt gãy xăng dầu do hàng loạt đầu mối bị tước giấy phép nhập khẩu xăng dầu.

Ông Diên khẳng định: Trong lúc giá giảm mà lại bảo thiếu nguồn cung. Thế giới đang cần bán, bán với giá rẻ, Việt Nam thì giảm thuế nên giá cũng rẻ. Như vậy, nguồn cung của thế giới đang dồi dào, nguồn cung trong nước lúc này cũng không thiếu. Vậy nhưng lại có thông tin cho rằng đang đứt gãy nguồn cung thì hết sức phi lý".

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương: "Chúng ta phải nói thẳng là vi phạm pháp luật mà đã vi phạm thì bị xử lý là chuyện đương nhiên. Bằng chứng là chúng ta đã tạm tước giấy phép trong thời gian gần 1,5 tháng thì thị trường có vấn đề gì không? Mà tại sao trong hai ngày qua lại rộ lên cho rằng thiếu nguồn cung. Nếu chúng ta không phân biệt rạch ròi thông tin, không phân biệt đâu đúng, đâu sai vô hình trung chúng ta làm hỏng thị trường, làm hỏng tình hình, tiếp tay cho những hoạt động phát sinh".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem