Kinh tế nóng nhất: Giá USD chợ đen bất ngờ tăng cao, VND sẽ biến động ra sao?

Nguyễn Phương (th) Thứ bảy, ngày 09/10/2021 20:44 PM (GMT+7)
Thông tin kinh tế nóng nhất hôm nay (9/10) gồm: VND sẽ có xu hướng mạnh lên so với USD; Kiến nghị Thủ tướng quyết định chủ trương đầu tư dự án sân bay Sa Pa; Công ty của tỷ phú Trần Bá Dương thành chủ mới của Emart...
Bình luận 0

VND sẽ có xu hướng mạnh lên so với USD

Trong báo cáo phân tích mới đây, chứng khoán VCBS cho biết, trong 9 tháng đầu năm, VND đã tăng giá khoảng 1,5% so với USD. 

Kinh tế nóng nhất: Giá USD chợ đen bất ngờ tăng cao, VND sẽ biến động ra sao? - Ảnh 1.

Các chuyên gia của VCBS dự báo VND sẽ có xu hướng mạnh lên so với đồng USD với mức biến động không quá 2% trong năm 2021. Ảnh CTV

FDI giải ngân trong 9 tháng đầu năm ước đạt 13,28 tỷ USD. Tổng vốn đăng ký mới đạt gần 12,5 tỷ USD (tăng 20,6% so với cùng kỳ), tổng vốn đăng ký thêm đạt 6,4 tỷ USD (tăng 256%), cho thấy sức hút của Việt Nam đối với dòng vốn đầu tư nước ngoài. 

Điểm sáng vẫn thuộc về các hoạt động xuất nhập khẩu. Trong đó, xuất khẩu hàng hoá ước tính đạt 240,52 tỷ USD, tăng 18,8% so với cùng kỳ; nhập khẩu đạt 242,65 tỷ USD (tăng 30,5% so với cùng kỳ). Cán cân thương mại 9 tháng đầu năm ước tính nhập siêu 2,13 tỷ USD khi tháng 9 ghi nhận giá trị xuất siêu trở lại 0,5 tỷ USD. 

Trên thị trường ngoại hối, đáng chú ý, NHNN đã điều chỉnh giá niêm yết mua vào USD về 22.750 đồng/USD (giảm khoảng 80-100 đồng tính toán dựa mức giá chiết khấu mua kỳ hạn). Đồng thời, NHNN đổi phương thức mua giao kỳ hạn 6 tháng về phương thức mua giao ngay, theo đó tạo nguồn cung mới và tức thời cho thị trường. 

VND sẽ có xu hướng mạnh lên so với USD - Ảnh 1.

VCBS cho rằng, ổn định kinh tế vĩ mô cùng động lực tăng trưởng hồi phục là cơ sở để kỳ vọng dòng vốn nước ngoài cùng dịch chuyển dòng vốn sẽ tiếp tục tìm đến Việt Nam. 

Nhóm phân tích kỳ vọng hoạt động xuất khẩu khởi sắc trở lại với các hiệp định thương mại tự do được thực thi toàn diện hơn. Đồng thời, ảnh hưởng của dịch Covid-19 được khắc phục, sản xuất kinh doanh quay trở lại hoạt động, đặc biệt tại các khu công nghiệp được chú trọng và được đẩy mạnh. 

VCBS cũng nhận định, NHNN vẫn sẽ điều hành chính sách linh hoạt và nhất quán hướng tới mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô nói chung và tỷ giá nói riêng. Đồng thời, dự trữ ngoại hối vũng chắc là cơ sở hỗ trợ ổn định tỷ giá. 

Theo đó, các chuyên gia của VCBS dự báo VND sẽ có xu hướng mạnh lên so với đồng USD với mức biến động không quá 2% trong năm 2021. 

Diễn biến tỷ giá ngoại tệ hôm nay: Giá USD chợ đen bất ngờ tăng cao. 

Tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước niêm yết ở mức 23.165 VND/USD.

Tỷ giá USD chợ đen hôm nay ở mức 23.205 - 23.235 đồng (mua – bán).

Tỷ giá Vietcombank hôm nay niêm yết ở mức: 22.630 đồng - 22.860 đồng (mua - bán), không đổi ở cả hai chiều so với phiên giao dịch trước đó.

Kiến nghị Thủ tướng quyết định chủ trương đầu tư dự án sân bay Sa Pa

Kiến nghị vừa được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng - chủ tịch Hội đồng thẩm định liên ngành - báo cáo Thủ tướng.

Kinh tế nóng nhất: Giá USD chợ đen bất ngờ tăng cao, VND sẽ biến động ra sao? - Ảnh 3.

Kiến nghị Thủ tướng quyết định chủ trương đầu tư dự án sân bay Sa Pa. Ảnh GT

Đây là kiến nghị thống nhất sau quá trình tổ chức thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án sân bay Sa Pa theo phương thức đối tác công-tư (PPP) đã đạt sự đồng ý của toàn bộ 16 thành viên hội đồng.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, trong quá trình thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án sân bay Sa Pa, thực hiện yêu cầu của Hội đồng thẩm định liên ngành, UBND tỉnh Lào Cai giải trình, làm rõ thêm các nội dung:

Nguồn vốn ngân sách nhà nước tham gia dự án giai đoạn 1 là 1.193 tỷ đồng, đã nằm trong kế hoạch đẩu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 được Thủ tướng phê duyệt. Trong đó, vốn ngân sách trung ương 600 tỉ đồng, vốn ngân sách địa phương tự cân đối 593 tỷ đồng;

UBND tỉnh Lào Cai đề xuất không áp dụng cơ chế chia sẻ phần giảm doanh thu đối với dự án; bổ sung phương án sơ bộ về kỹ thuật, công nghệ.

UBND tỉnh Lào Cai chịu trách nhiệm về tính chính xác của các thông tin cung cấp tại báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và hiệu quả đầu tư dự án.

Trên cơ sở tổng hợp kết quả phiếu xin ý kiến thành viên hội đồng, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án sân bay Sa Pa sau khi giải trình, bổ sung, hoàn thiện, Hội đồng thẩm định liên ngành nhận định dự án đã có đủ nội dung theo quy định của Luật đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP) và đủ điều kiện để Thủ tướng quyết định chủ trương đầu tư. 

Công ty của tỷ phú Trần Bá Dương thành chủ mới của Emart 

Trong thông tin phát đi ngày 9/10, Thaco - công ty của tỷ phú Trần Bá Dương cho biết giao dịch chuyển nhượng 100% vốn và nhượng quyền độc quyền tiếp quản kinh doanh Emart tại thị trường Việt Nam vừa hoàn tất vào cuối tháng 9. Việc này đồng nghĩa Thaco chính thức thành chủ sở hữu mới của hệ thống siêu thị Emart Việt Nam. Trước đó, hồi tháng 5 hai bên đã ký thoả thuận chuyển nhượng.

Thaco cũng tiết lộ kế hoạch sẽ mở thêm 2 siêu thị tại TP.HCM vào năm 2022 và sẽ mở rộng hệ thống với 10 siêu thị vào năm 2025.

Theo hợp đồng chuyển nhượng, Thaco sẽ điều hành, quản trị và mở rộng hệ thống siêu thị Emart tại Việt Nam. Phía Hàn Quốc sẽ cử đội ngũ quản lý cấp cao và duy trì cung ứng hàng hóa nhãn hiệu riêng từ Hàn Quốc với giá cả cạnh tranh. Như vậy, hoạt động kinh doanh tại Việt Nam của Emart sẽ không có bất kỳ sự thay đổi nào.

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021, theo định hướng chiến lược phát triển thành tập đoàn công nghiệp đa ngành, Thaco lập Công ty cổ phần thương mại và dịch vụ Quốc tế THISO (THISO) để đầu tư phát triển đa dạng các loại hình kinh doanh thương mại dịch vụ (siêu thị, trung tâm hội nghị - tiệc cưới, F&B, vui chơi – giải trí trong nhà...) thông qua hợp tác nhượng quyền, liên doanh liên kết với các đối tác có thương hiệu và tự đầu tư phát triển.

Công ty TNHH Emart Việt Nam được thành lập cuối tháng 10/2014, nhưng việc nghiên cứu thị trường bắt đầu trước đó 3 năm. Emart Việt Nam đã nhiều lần điều chỉnh vốn điều lệ, gần nhất là đầu năm 2018 tăng từ 1.668 tỷ đồng lên 2.711 tỷ đồng (tương đương 124 triệu USD).

Đại siêu thị đầu tiên được khai trương vào cuối năm 2015 tại quận Gò Vấp, TP.HCM với diện tích sử dụng gần 12.000 m2, chia làm hai khu chính là siêu thị và dịch vụ tiện ích như nhà hàng, chăm sóc sức khoẻ, khu vui chơi trẻ em... Ban lãnh đạo Emart từng cho biết, 95% hàng hoá trong siêu thị có nguồn gốc trong nước.

Emart bắt đầu kinh doanh tại Hàn Quốc từ năm 1993, hiện có hơn 160 siêu thị tại Hàn Quốc và các chi nhánh tại Mỹ, Nhật Bản, Việt Nam.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem