Kinh tế nóng nhất: Ngân hàng Nhà nước bơm bao nhiêu tiền ra thị trường?

P.V (tổng hợp) Thứ ba, ngày 31/08/2021 19:40 PM (GMT+7)
Ngân hàng Nhà nước bơm hơn 127.000 tỷ đồng ra thị trường là thông tin kinh tế nóng nhất hôm nay. Việc được bổ sung lượng tiền lớn đã khiến thanh khoản hệ thống tiếp tục duy trì trạng thái dồi dào. Điều này thể hiện rõ nhất tại lãi suất VND liên ngân hàng tuần trước khi lãi suất các kỳ hạn đồng loạt giảm mạnh.
Bình luận 0

Kinh tế nóng nhất: Ngân hàng Nhà nước bơm bao nhiêu tiền ra thị trường?

Tính theo tỷ giá mua 23.125 đồng/USD, Ngân hàng Nhà nước đã bơm ra thị trường hơn 127.000 tỷ đồng (tương đương 5,5 tỷ USD) trong giai đoạn tháng 7-8, thấp hơn mức dự kiến ban đầu là gần 162.000 tỷ đồng (tương ứng 7 tỷ USD)... 

Số liệu được Công ty Chứng khoán SSI ghi tại bản báo cáo thị trường tiền tệ trái phiếu gần nhất cho thấy, trong tuần cuối cùng của tháng 8, kênh giao dịch thị trường mở (OMO) tiếp tục không phát sinh giao dịch.

Trong khi đó, các hợp đồng bán ngoại tệ kỳ hạn 6 tháng đã kết thúc với tổng giá trị thực hiện ước tính khoảng 5,5 tỷ USD, thấp hơn so với lượng đăng ký do có một số hợp đồng bị huỷ ngang. Tương đương, trong 2 tháng vừa qua (tháng 7 và tháng 8), thị trường đã đón nhận thêm hơn 127.000 tỷ đồng thông qua kênh đáo hạn ngoại tệ.

Việc được bổ sung lượng tiền lớn đã khiến thanh khoản hệ thống tiếp tục duy trì trạng thái dồi dào. Điều này thể hiện rõ nhất tại lãi suất VND liên ngân hàng tuần trước khi lãi suất các kỳ hạn đồng loạt giảm mạnh.

Trong tuần qua, mặt bằng lãi suất liên ngân hàng tiếp tục giảm 0,06-0,1 điểm %, kết tuần ở 0,75%/năm cho kỳ hạn qua đêm và 0,9%/năm cho kỳ hạn 1 tuần. Như vậy, mặt bằng lãi suất liên ngân hàng đã giảm khoảng 0,15 điểm % trong tháng 8, với nguyên nhân chính là thanh khoản hệ thống dồi dào nhờ nguồn cung tiền Đồng từ hợp đồng bán ngoại tệ.

Trong khi đó, NHNN cho biết lãi suất bình quân thị trường liên ngân hàng đến ngày 27/8 chỉ ở mức 0,64%/năm với kỳ hạn qua đêm và 0,68%/năm với kỳ hạn 1 tuần, thấp hơn 0,02-0,06 điểm % so với cuối tuần liền trước.

Các chuyên gia tại SSI Research cho rằng mặt bằng lãi suất cho vay sẽ tiếp tục duy trì ở mức thấp thời gian tới, trong khi lãi suất huy động sẽ chịu áp lực tăng nhẹ bởi thông tư quy định tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn sẽ có hiệu lực vào tháng 10 tới.


Kinh tế nóng nhất: Ngân hàng Nhà nước bơm bao nhiêu tiền ra thị trường? - Ảnh 1.

Lãi suất cho vay tại nhiều ngân hàng đã giảm tiếp trong tháng 8 sau đợt giảm lãi suất đồng loạt hồi giữa tháng 7. Ảnh: Zing

Ngoài lãi suất cho vay có xu hướng giảm kể trên, tỷ giá USD/VND trong nước cũng ghi nhận giảm tuần qua.

Trong đó, xu hướng giảm giá của đồng bạc xanh ghi nhận trên cả 2 thị trường ngân hàng thương mại và tự do.

Cụ thể, tỷ giá USD/VND niêm yết của các ngân hàng thương mại đã giảm 35 đồng/USD ở cả 2 chiều tuần qua, xuống mức 22.650 - 22.880 đồng/USD (mua vào - bán ra).

Trong khi đó, tỷ giá tự do giảm 10 đồng/USD ở chiều mua vào và 30 đồng/USD chiều bán ra, giao dịch ở 23.040 - 23.140 đồng/USD.

Đến nay, VND đã tăng giá tới 1,4% so với cuối năm 2020 và là một trong những đồng tiền có diễn biến tốt nhất trong khu vực. Theo số liệu từ cơ quan quản lý, cán cân hàng hóa nhập siêu đã được hỗ trợ bởi dòng vốn FDI giải ngân và kiều hối, giúp tỷ giá duy trì mức thấp như hiện nay.

Lập tổ công tác đặc biệt gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa thành lập Tổ công tác đặc biệt tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Theo quyết định của Thủ tướng, Phó thủ tướng Lê Minh Khái làm Tổ trưởng Tổ công tác này. Tổ phó gồm ba bộ trưởng: Kế hoạch & Đầu tư, Tài chính, Lao động, thương binh & xã hội.

Thành viên Tổ công tác là lãnh đạo các bộ, ngành và tuỳ thuộc yêu cầu nhiệm vụ, Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư có thể mời thêm lãnh đạo một số cơ quan trung ương, địa phương, hiệp hội, chuyên gia.

Tổ công tác sẽ giúp Chính phủ, Thủ tướng nghiên cứu, chỉ đạo, phối hợp giải quyết những việc quan trọng, liên ngành trong tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Tổ công tác sẽ nắm bắt, tiếp nhận thông tin, tổng hợp các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp và người dân; đề xuất với Thủ tướng giải quyết những vấn đề cấp bách có tính liên vùng, liên ngành cần gỡ khó.

Dự án nghỉ dưỡng 177 tỷ của ‘bầu’ Đệ được lùi tiến độ 3 năm

Dự án Khu du lịch sinh thái Hải Lĩnh của Tổng CTCP Hợp Lực được lùi thời gian triển khai từ quý I/2022 - quý II/2025, muộn hơn 3 năm so với kế hoạch ban đầu.

Kinh tế nóng nhất: Ngân hàng Nhà nước bơm bao nhiêu tiền ra thị trường? - Ảnh 2.

Ảnh minh hoạ. Nguồn: Nhà đầu tư

UBND tỉnh Thanh Hóa đã có quyết định số 3313 về việc chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư Dự án Khu du lịch sinh thái Hải Lĩnh của Tổng CTCP Hợp Lực (công ty của ông Nguyễn Văn Đệ) tại phường Hải Lĩnh, TX. Nghi Sơn. 

Theo đó, UBND tỉnh Thanh Hóa chấp thuận điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án như sau: Giai đoạn 1 (giải phóng mặt bằng toàn bộ khu đất, san lấp, đầu tư hạ tầng giao thông và xây dựng các hạng mục: 1 khách sạn tiêu chuẩn 3 sao; 1 nhà điều hành; 1 nhà hàng và bar; khu spa; 10 căn hộ nghỉ dưỡng; khu vui chơi giải trí thể thao và một số hạng mục công trình phụ trợ) sẽ được khởi công xây dựng trong quý I/2022; Hoàn thành, đưa dự án đi vào hoạt động quý I/2023.  

Giai đoạn 2 (xây dựng 1 khách sạn tiêu chuẩn 4 sao; 28 căn hộ nghỉ dưỡng, khu vui chơi giải trí, thể thao và các hạng mục phụ trợ) sẽ khởi công xây dựng trong quý II/2023; Hoàn thành đi vào hoạt động quý II/2025.

UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu Tổng CTCP Hợp Lực có trách nhiệm khẩn trương hoàn thành các hồ sơ, thủ tục, khởi công xây dựng, đưa dự án vào hoạt động đảm bảo tiến độ đúng với các nội dung chủ trương đầu tư dự án đã được chấp thuận; tuân thủ nghiêm các quy định về bảo vệ môi trường và các quy định của pháp luật khác có liên quan.

Giá tôm giảm sâu, lãnh đạo tỉnh Cà Mau lo đứt gãy chuỗi cung ứng

Kinh tế nóng nhất: Ngân hàng Nhà nước bơm bao nhiêu tiền ra thị trường? - Ảnh 3.

Thu hoạch tôm càng xanh tại Cà Mau. Ảnh: Thuỷ sản Việt Nam

Ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết, hiện giá tôm Cà Mau giảm từ 8.000 - 23.000 đồng/kg. Các size tôm thẻ chân trắng cũng giảm sâu. Nông dân chỉ hòa vốn, thậm chí thua lỗ. "Một số ý kiến cho rằng chuỗi sản xuất tôm bị gãy đổ là có cơ sở”, ông Sử quan ngại.

Ngoài ra, mực tươi, mực khô các loại giảm 30% giá. Cá ngoài chợ giảm từ 20-29%. "Nhìn vào đây, có thể thấy dịch bệnh ảnh hưởng đến người dân thế nào", ông Sử nói thêm.

Lãnh đạo tỉnh Cà Mau cho biết, có lúc, tỉnh phải thay đổi biện pháp quản lý. Sự thay đổi này tác động từng lúc đến hoạt động sản xuất, thậm chí có lúc rất khó khăn cho các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu.

“Đến nay, chúng tôi đã tổ chức cho gần 40 doanh nghiệp chế biến nông sản với gần 10.000 công nhân. Tổng số công nhân của Cà Mau là 40.000 người, hoạt động trong các khu công nghiệp. Từ đó, có thể thấy khâu sản xuất đang bị giảm mức độ", ông Sử dẫn giải.

Để giải quyết những khó khăn này, ông Sử kiến nghị Ngân hàng Nhà nước có những chính sách mạnh mẽ hơn để hỗ trợ người dân thông qua doanh nghiệp. Khi doanh nghiệp được hỗ trợ thì họ sẽ duy trì kết nối được với nông dân, tránh gãy đổ chuỗi sản xuất.

Hải Phòng thành lập Hiệp hội Logistics 

UBND TP Hải Phòng vừa có Quyết định 2416 cho phép thành lập Hiệp hội Logistics Hải Phòng. Hiệp hội là tổ chức xã hội - nghề nghiệp, hoạt động theo Điều lệ được Chủ tịch UBND thành phố phê duyệt, chịu sự quản lý nhà nước, Sở Công Thương và các cơ quan quản lý nhà nước khác khi có hoạt động liên quan.

Kinh tế nóng nhất: Ngân hàng Nhà nước bơm bao nhiêu tiền ra thị trường? - Ảnh 4.

Việc thành lập Hiệp hội Logistics Hải Phòng góp phần thực hiện mục tiêu đưa Hải Phòng trở thành một trung tâm dịch vụ Logistics mang tầm quốc gia và quốc tế. Ảnh VTC

Hiệp hội có tư cách pháp nhân, được sử dụng con dấu riêng và được mở tài khoản theo quy định, tự đảm bảo kinh phí và các điều kiện hoạt động theo đúng quy định của pháp luật. Hiệp hội có trách nhiệm tổ chức Đại hội, thông qua Điều lệ, bầu Ban lãnh đạo, Ban kiểm tra và hoàn thành các thủ tục trình Chủ tịch UBND thành phố phê duyệt theo quy định.

Việc thành lập Hiệp hội Logistics Hải Phòng là bước ngoặt quan trọng cho chiến lược phát triển Logistics thành phố, đáp ứng được nguyện vọng chính đáng của các hội viên hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ Logistics trên địa bàn thành phố, nhằm hợp tác, liên kết, hỗ trợ và giúp đỡ lẫn nhau trong việc phát triển ngành nghề, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, phù hợp với xu thế phát triển chung, góp phần thực hiện mục tiêu đưa Hải Phòng trở thành một trung tâm dịch vụ Logistics mang tầm quốc gia và quốc tế.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem