Kinh tế trưởng ADB tiết lộ hai tác động từ chính sách lãi suất của Fed, đề xuất "sốc" về kích cầu
Chuyên gia kinh tế trưởng ADB: Tăng lãi suất của Fed và 2 trở ngại lớn của kinh tế Việt Nam
Huyền Anh
Thứ hai, ngày 07/08/2023 14:36 PM (GMT+7)
Ông Nguyễn Bá Hùng, Chuyên gia Kinh tế trưởng ADB tại Việt Nam cho rằng, kích cầu trong nước là chìa khóa để "giải bài toán" tăng trưởng kinh tế trong những tháng cuối năm 2023. Từ phía Chính phủ phải thực hiện chính sách tài khóa triệt để; kích cầu tư nhân cần tính đến giảm lãi suất tiết kiệm.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản (0,25 điểm %) sau phiên họp chính sách kéo dài hai ngày cuối tháng 7 vừa qua. Lãi suất tham chiếu tại Mỹ hiện vào khoảng 5,25-5,5% và là mức cao nhất trong vòng hơn 22 năm qua.
Như vậy, sau một tháng tạm dừng, Fed đã nâng lãi suất trở lại. Đến nay, cơ quan này đã tăng lãi 11 lần kể từ tháng 3/2022 và ra tín hiệu thắt chặt thêm lần nữa trong năm nay nhằm hạ nhiệt lạm phát. Bởi lạm phát của Mỹ hiện vẫn còn cao gấp đôi so với mục tiêu 2%.
Góc nhìn chuyên gia Dân Việt đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Bá Hùng, Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tại Việt Nam xung quanh vấn đề này.
Ông đánh giá thế nào về tác động từ quyết định tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vào phiên họp cuối tháng 7 tới Việt Nam; tác động nào Chính phủ Việt Nam cần lưu tâm nhất, thưa ông?
- Quyết định tăng lãi suất của Fed tạo ra 2 trở ngại chính đối với Việt Nam.
Thứ nhất, ảnh hưởng tiêu cực đến xuất khẩu của Việt Nam. Theo đó, khi Cục Dự trữ Liên bang tăng lãi suất và giữ lãi suất ở mức cao sẽ khiến cho phục hồi kinh tế Mỹ bị chậm lại. Nền kinh tế gặp khó buộc người dân của quốc gia này không mở rộng tiêu dùng, từ đó ảnh hưởng tới nhu cầu nhập khẩu. Trong khi đó, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam. Do đó, dưới tác động của lãi suất, trong thời gian ngắn, xuất khẩu của Việt Nam sẽ tiếp tục gặp khó khăn.
Tác động thứ 2, đó là tác động tiền tệ. Tác động này mang tính gián tiếp, gây ra lưu chuyển dòng vốn giữa các nước, từ đó tạo áp lực tới tỷ giá. Tuy nhiên, tỷ giá ở Việt Nam hiện tại đang được giữ khá ổn định.
Như vậy, Fed tăng lãi suất không quá ảnh hưởng về tiền tệ nhưng có ảnh hưởng về thương mại của Việt Nam. Trong đó, tác động về thương mại của Việt Nam đáng phải lưu tâm. Bởi lẽ, thặng dư thương mại trong 7 tháng đầu năm (đạt 16,48 tỷ USD, theo số liệu của Tổng Cục Thống kê – PV), mặc dù cao hơn so với cùng kỳ (số liệu của Tổng cục Thống kê), song thực tế kim ngạch cả nhập khẩu và xuất khẩu đều sụt giảm đáng kể.
Lũy kế 7 tháng, tổng trị giá kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước đạt gần 374,4 tỷ USD, giảm 13,8% so với cùng kỳ năm trước; trong đó tổng trị giá xuất khẩu giảm 10,3% (tương ứng giảm 22,5 tỷ USD) và tổng trị giá nhập khẩu giảm 17,4% (tương ứng giảm 37,64 tỷ USD).
Điều đó cho thấy, các doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng rất lớn. Đây là nguyên nhân sâu xa làm thời gian qua số đơn hàng của Việt Nam sụt giảm mạnh, nhiều nhà máy giảm giờ làm, thậm chí đóng cửa và sa thải người lao động. Điều này, tác động tới tăng trưởng kinh tế. Trong khi đó, mục tiêu ưu tiên hiện nay của Chính phủ Việt Nam là ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Như ông đề cập, Fed tăng lãi suất những tác động tới tiền tệ của Việt Nam là không lớn. Tuy nhiên, theo quan sát của PV tỷ giá USD/VND đang có dấu hiệu "nóng" hơn; chênh lệch lãi suất USD-VND ngày càng nới rộng. Vậy điều này có đáng quan ngại không, thưa ông?
- Khi Fed duy trì lãi suất cao sẽ tạo áp lực tới các đồng tiền của các quốc gia khác trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, hiện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có vẻ phản ứng chính sách tương đối kịp thời và tương đối đúng hướng. Do đó, tỷ giá USD/VND vẫn kiểm soát được.
Ngoài ra, các yếu tố như thặng dư thương mại dương; dự trữ ngoại tệ tăng lên, dòng FDI vẫn tích cực,… giúp cho Ngân hàng Nhà nước cải thiện hơn dư địa trong điều hành tỷ giá.
Đối với việc chênh lệch giữa lãi suất USD - VND ngày càng nới rộng, hiểu nôm na nhà đầu tư nếu họ được lựa chọn, họsẽ thích giữ tiền USD hơn VND so với trước đây. Với những nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào thị trường chứng khoán chẳng hạn, sẽ có áp lực chuyển dịch một phần tài sản về đồng USD. Tuy nhiên, điều này không đáng quan ngại bởi chênh lệch lãi suất VND - USD chỉ là một yếu tố. Ngoài ra, còn có các yếu tố khác tác động đến quyết định của nhà đầu tư như môi trường kinh doanh, tính ổn định kinh tế vĩ mô,…
Trong bối cảnh hiện nay, Ngân hàng Nhà nước nên ứng xử thế nào, tiếp tục nới lỏng hay thắt chặt tiền tệ?
- Cục Dự trữ Liên bang cân nhắc các điều kiện của nền kinh tế mới quyết định tăng lãi suất. Theo đó, lý do chính Cục Dự trữ Liên bang quyết định tăng lãi suất vào cuối tháng 7 vừa qua là bởi Fed đánh giá lạm phát vẫn ở mức cao và cần phải duy trì lãi suất cao để kiềm chế lạm phát. Đồng thời, nền kinh tế Mỹ cũng đang tương đối ổn định nếu nhìn ở góc độ công ăn việc làm.
Số liệu mới nhất được công bố cho thấy, bảng lương phi nông nghiệp của Mỹ tăng 187.000 đơn trong tháng 7, gần tương đương với mức dự kiến là 200.000 đơn. Tỷ lệ thất nghiệp giảm từ 3,6% xuống 3,5% và lạm phát tiền lương hàng năm, được đo bằng sự thay đổi trong thu nhập trung bình mỗi giờ, giữ ổn định ở mức 4,4%, cao hơn dự đoán của thị trường là 4,2%.
Như vậy, Fed không cảm thấy rằng lãi suất cao không làm ảnh hưởng tới kinh tế, chưa dẫn tới rủi ro suy thoái.
Đối với Việt Nam cũng tương tự, các quyết sách đưa ra phụ thuộc vào điều kiện kinh tế của mình. Ngân hàng Nhà nước sẽ phải cân đối nhiều yếu tố để ra được chính sách, trong đó các chính sách từ bên ngoài chỉ là một điều kiện để cân nhắc mà thôi. Cho đến giờ này chính sách tiền tệ đang được điều hành linh hoạt và đang đi đúng hướng.
Trong thời gian tới, chính sách tiền tệ của Việt Nam vẫn phải cân đối, ủng hộ 2 mục tiêu lớn là ổn định kinh tế vĩ mô và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Tuy nhiên, sẽ có 2 vấn đề Ngân hàng Nhà nước cần phải lưu ý. Thứ nhất, tăng cung tiền hỗ trợ tăng trưởng có ảnh hưởng tới lạm phát không? Tăng cung tiền phải phối hợp với sự tăng trưởng của nền kinh tế thực. Nếu nền kinh tế thực không thay đổi, tăng cung tiền cũng sẽ đẩy vào bong bóng tài sản. Đó là những lý do tại sao phải phối hợp chính sách tiền tệ với tài khóa. Bản thân chính sách tiền tệ mở rộng sẽ không giải được bài toán kinh tế thực.
Hai là, ổn định hệ thống ngân hàng. Không thể tăng cung tiền, thúc đẩy tín dụng mà gây ảnh hưởng tới hệ thống tài chính.
3 động lực tăng trưởng của nền kinh tế gồm: xuất khẩu, đầu tư và tiêu dùng. Xuất khẩu như ông đề cập, trong ngắn hạn tiếp tục gặp khó khăn. Vậy theo ông giải pháp nào để hạn chế tối đa tác động tiêu cực của xuất khẩu tới tăng trưởng?
final4
- Về nguyên tắc, khi nhu cầu thị trường bên ngoài suy giảm, việc điều chỉnh thị trường bên ngoài là việc khó, bởi vì để đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa sản phẩm không phải một ngày một đêm là làm được. Thế nên, việc kích cầu trong nước rất quan trọng để duy trì tăng trưởng khi nhu cầu bên ngoài khó khăn.
Để làm được, từ phía Chính phủ phải quyết liệt thực hiện chính sách tài khóa triệt để hơn nữa ở 2 góc độ.
Góc độ thứ nhất là đầu tư công. Tốc độ giải ngân đầu tư công dù có tiến triển hơn năm ngoái nhưng không đạt kỳ vọng (giải ngân vốn đầu tư công 7 tháng đạt 267,63 nghìn tỷ đồng, đạt 37,85% kế hoạch, tăng 3,38% về tỷ lệ - PV), hoàn toàn có dư địa để đẩy nhanh hơn nữa đầu tư công trong những tháng cuối năm.
Góc độ thứ 2 là các chính sách xã hội. Chính phủ phải chủ động đưa ra các chính sách hỗ trợ như: Hỗ trợ người lao động, trợ cấp thất nghiệp cho lao động bị mất việc; hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ; hỗ trợ về đào tạo lại, đảm bảo việc làm cho lao động mất việc có thể tìm việc khác, chuyển sang những ngành khác có nhu cầu tuyển lao động,... Việc Chính phủ sử dụng các công cụ tài khóa, chi tiêu ngân sách cho các chính sách xã hội cũng là yếu tố có thể kích cầu trong nước. Hiện nay chính sách tài khóa chi tiêu nhiều là tốt.
Đối với cầu tư nhân, để khuyến khích cầu tiêu dùng cần cân nhắc việc giảm lãi suất tiền gửi. Khi giảm lãi suất tiền gửi, người dân ít có động lực để gửi tiết kiệm hơn, có những người nghĩ rằng với lãi suất này không đáng để người ta tiết kiệm, thay vào đó họ dùng tiền đó để chi tiêu nhiều hơn, từ đó kích cầu trong nước.
Hơn nữa, khi lãi suất tiết kiệm giảm, các ngân hàng thương mại mới có điều kiện giảm lãi suất cho vay, chứ không thể duy trì lãi suất huy động ở mức cao và giảm lãi suất cho vay được.
Bằng cách nào có thể khuyến khích/dẫn dòng tiền vào khu vực sản xuất kinh doanh, đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế khi lãi suất trong nước đã hạ rõ rệt, tiền rẻ cũng đã trở lại, thưa ông?
- Lãi suất trong nước giảm rõ rệt nhưng thực tế tín dụng vẫn tăng trưởng chậm. Điều đó cho thấy, những khó khăn hiện nay của doanh nghiệp, nền kinh tế, chỉ chính sách tiền tệ không giải quyết được. Chính phủ phải phối hợp nhiều công cụ chính sách mà chính sách tiền tệ chỉ là một công cụ.
Để khuyến khích dòng vốn vào khu vực sản xuất kinh doanh, mấu chốt vẫn là kích cầu nội địa. Nhu cầu tiêu dùng có tăng, doanh nghiệp bán được hàng mới kích thích nhu cầu tín dụng để mở rộng sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Như vậy, bài toán của chúng ta quay về câu chuyện thúc đẩy chi tiêu Chính phủ và cầu tư nhân. Đối với chi tiêu của Chính phủ, thời gian vừa qua tinh thần Chính phủ là rất quyết liệt, song cần có sự quyết liệt hơn trong thực thi chính sách, có chính sách phải thực hiện triệt để. Ngoài ra, không thể tách trách nhiệm ra khỏi câu chuyện tăng chi tiêu.
Chẳng hạn như vấn đề giải ngân đầu tư công, trong 6 tháng mới chỉ giải ngân được khoảng trên 28% kế hoạch, như vậy còn khoảng 25 tỷ USD không tiêu được. Từ nay tới cuối năm, cần có sự chuyển động rốt ráo ở tất cả các cấp, từ Chính phủ Trung ương đến các Bộ, ngành và xuống tới chính quyền địa phương.
- Trong phiên họp vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết chưa thay đổi mục tiêu về tăng trưởng, như vậy trong 6 tháng cuối năm, phải đạt tăng trưởng khoảng 9%. Ông đánh giá thế nào?
Việc đặt ra mục tiêu tăng trưởng chỉ mang tính định hướng cho nền kinh tế. Bản thân Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đưa ra 3 kịch bản phát triển kinh tế của cả năm. Điều đó cho thấy rằng, Chính phủ cũng ý thức được mục tiêu tăng trưởng phải đi kèm với các biện pháp chính sách. Điều chỉnh hay không điều chỉnh mục tiêu, chắc chắn Chính phủ đã có những cân nhắc nhất định.
Về phía ADB, tháng 7 vừa qua, ADB có điều chỉnh tăng trưởng kinh tế của Việt Nam xuống còn 5,8% - thấp hơn so với các kịch bản Chính phủ báo cáo Quốc hội (trong kịch bản thấp nhất Chính phủ báo cáo Quốc hội, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam là 6% năm 2023).
Tuy nhiên, đó chỉ là con số dự báo. Kết quả thực tế hoàn toàn phụ thuộc vào phản ứng chính sách từ Chính phủ. Chẳng hạn như trong thời gian tới, động thái chính sách của Chính phủ có gì mới hay không và thực hiện các chính sách như thế nào, có hiệu quả không?
Vui lòng nhập nội dung bình luận.