Kỷ niệm ngày lương thực thế giới 16.10: Phá vỡ vòng xoáy đói nghèo

Thanh Xuân Thứ năm, ngày 15/10/2015 09:54 AM (GMT+7)
Với chủ đề “An sinh xã hội và nông nghiệp: Phá vỡ vòng xoáy đói nghèo” nhân Ngày Lương thực thế giới 16.10 năm nay, các nhà hoạch định chính sách và lãnh đạo các quốc gia đã đặt mục tiêu và hy vọng, “vòng xoáy” đói nghèo sẽ được chấm dứt trong tương lai.
Bình luận 0

Cần hỗ trợ người trồng lúa

Trong những năm gần đây, sản lượng lương thực của Việt Nam đã không ngừng tăng lên, đặc biệt là lúa gạo với tổng sản lượng trung bình hàng năm là 45 triệu tấn lúa (thóc). Chính vì thế, việc đảm bảo đủ ăn không phải là vấn đề đối với Việt Nam, song việc làm thế nào để tăng thu nhập cho nông dân mới là điều quan trọng nhất.

img

Nông dân thu hoạch lúa tại  Hoài Đức, Hà Nội. Ảnh: Đ,D

Ông Trần Xuân Định – Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) cho biết: “Theo dự báo về cung cầu lương thực của Việt Nam và thế giới thì từ nay đến năm 2020 và 2030 sẽ tăng nhẹ do áp lực tăng dân số. Do đó, việc đảm bảo an ninh lương thực (ANLT) sẽ vẫn là vấn đề cần được tính đến. Hiện cũng còn nhiều quan điểm có nên giữ 3,8 triệu ha đất lúa hay là 3,5 triệu ha; có nên sản xuất nhiều gạo để xuất khẩu hay chuyển sang cây trồng khác vì gạo đang bị cạnh tranh”.

Cũng theo ông Định, xét ở góc độ sản xuất, hiện mỗi năm ngoài đảm bảo ANLT cho khoảng gần 100 triệu dân thì Việt Nam vẫn còn dư 7 – 8 triệu tấn gạo dành cho xuất khẩu. Mặt khác, xu thế sử dụng gạo trong cơ cấu bữa ăn của người dân cũng ngày càng giảm, trước đây trung bình 10- 12kg gạo/người/tháng, thì hiện tại đã giảm còn 7 - 8kg gạo/người/tháng.  “Nếu cứ làm lúa thì còn nghèo nên muốn đảm bảo ANLT thì phải có chính sách hỗ trợ cho nông dân trồng lúa để giúp họ có thu nhập cao hơn. Ngoài ra, cần có chính sách chuyển đổi “mềm” tức là có thể trồng cây trồng khác trên đất lúa nhưng khi cần có thể quay trở lại trồng lúa được”- ông Định nói.

Theo đánh giá của Bộ NNPTNT, từ một nước nhập khẩu lương thực, Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu lớn hàng đầu của thế giới đối với các ngành hàng gạo, tiêu, hạt điều, sắn, chè, cao su, và một số sản phẩm thủy sản. Tỷ lệ nghèo đói giảm từ 58% năm 1993 xuống còn 6% năm 2014. Tỷ lệ suy dinh dưỡng  giảm từ 45,6%  giai đoạn 1990-1992 xuống còn 11% giai đoạn 2014-2016.

Thu nhập  cho nông dân

TS Đào Thế Anh - Phó Viện trưởng Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm cho biết, trước đây “khái niệm” ANLT của Việt Nam là phải lo sao cho đủ lúa, ngô, khoai, sắn cho người dân nhưng đến nay, Việt Nam đã có dư thừa lúa gạo nên cần tính tới cả vấn đề về dinh dưỡng và an toàn vệ sinh thực phẩm.

Mặt khác, vấn đề đảm bảo ANLT cũng cần nhìn rộng hơn, không chỉ cấy cho thật nhiều lúa, ngô, khoai, sắn để đưa vào trong kho tích trữ như trước đây mà phải tính tới ALLT theo cơ chế thị trường. “Tự người dân, doanh nghiệp sẽ đảm bảo ANLT cho cá nhân họ từ đó đảm bảo ANLT cho cả quốc gia. Do đó, cái quan trọng nhất đối với nông dân là phải nâng cao thu nhập cho họ bằng việc đa dạng hoá cơ cấu cây trồng, hướng tới sản xuất các cây trồng có thị trường… khi nông dân có thu nhập cao và ổn định cũng chính là hoàn thành được mục tiêu đảm bảo ANLT”- TS Đào Thế Anh cho biết.

TS Đào Thế Anh cũng nêu ví dụ cụ thể: Chúng tôi có đi nhiều vùng như ở Tây Nguyên, các tỉnh miền núi phía Bắc, hiện người dân đã chuyển đất lúa sang trồng ngô và các cây trồng hàng hoá khác, sau đó bán lấy tiền để mua lương thực. Tuy nhiên, đúng là về mặt dinh dưỡng thì hiện có nhiều khu vực đang bị mất cân bằng, như ở ĐBSCL là vựa lúa cho xuất khẩu nhưng tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng vẫn còn rất cao.

Theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT Lê Quốc Doanh, với chủ đề “An sinh xã hội và nông nghiệp: Phá vỡ vòng xoáy đói nghèo”, Ngày Lương thực thế giới năm nay muốn nhấn mạnh đến vai trò đặc biệt quan trọng của hệ thống an sinh xã hội trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo, đảm bảo ANLT và dinh dưỡng, cải thiện đời sống để phát triển bền vững, đặc biệt ở vùng nông thôn.

Ông Doanh cũng cho biết: “Việt Nam có khoảng 10 triệu hộ nông dân với hơn 30 triệu lao động trong độ tuổi, bằng khoảng 70% lao động của cả nước, tạo việc làm và thu nhập cho 46% dân cư  và đóng góp khoảng 20% trong GDP”.

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Lê Quốc Doanh cho rằng, thách thức lớn nhất mà Việt Nam đang phải đương đầu không chỉ là đảm bảo nguồn cung cho nhu cầu lương thực trong bối cảnh tài nguyên thiên nhiên ngày càng cạn kiệt và thiên tai, dịch bệnh do biến đổi khí hậu mà còn phải đảm bảo khả năng tiếp cận và khả năng chi trả nguồn lương thực cho mọi người dân.

Do đó, Việt Nam đang nỗ lực hành động để hướng tới mục tiêu đến năm 2020 cơ bản hình thành một hệ thống an sinh xã hội bao phủ toàn dân nhằm bảo đảm để người dân có việc làm, thu nhập tối thiểu; tham gia bảo hiểm xã hội, bảo đảm hỗ trợ những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn như trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, người cao tuổi thu thập thấp, người khuyết tật, người nghèo. 

Còn 1 tỷ người nghèo

Mặc dù đã đạt được tiến bộ trong nỗ lực đảm bảo ANLT, xoá đói giảm nghèo nhưng thế giới vẫn đang đối phó với nhiều thách thức. Theo báo cáo của Liên Hợp Quốc vừa công bố tháng 9 tại phiên họp đại hội đồng, thế giới vẫn còn khoảng 1 tỷ người nghèo, trong đó nhiều người còn thiếu lương thực và 78% người nghèo sống ở vùng nông thôn, nơi mà hoạt động sản xuất nông nghiệp đóng vai trò chủ chốt của nền kinh tế nông thôn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem