Tồn tại nhiều bất cập trong lĩnh vực giáo dục tại địa phương
Ngày 10-11/7, tại kỳ họp thứ 8 HĐND tỉnh Đắk Lắk khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026, nhiều đại biểu đã tham gia thảo luận, đề cập đến chất lượng giáo dục, phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS. Trong đó, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 được các đại biểu đặc biệt quan tâm.
Theo đó, nhiều đại biểu cho biết, cử tri tỏ ra rất lo lắng về chất lượng đào tạo hiện nay. Cùng với đó, việc phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS theo đề án "Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025" tại tỉnh Đắk Lắk đang còn nhiều bất cập.
Ông Y Nhuân Byă, Bí thư Huyện ủy Ea Kar cho biết, vấn đề giáo dục hiện nay đang được người dân rất quan tâm, đặc biệt là công tác tuyển sinh vào lớp 10 vừa qua. Trong khi số học sinh ngày càng tăng, còn cơ sở vật chất, trường lớp, đội ngũ giáo viên không tăng đã gây khó khăn cho hoạt động giáo dục tại địa phương.
"Năm nay số học sinh vào lớp 10 tiếp tục tăng. Trong khi đó, điều kiện để học nghề và cơ sở vật chất phục vụ cho đào tạo nghề như Trung tâm giáo thường xuyên - Giáo dục nghề nghiệp (TT GDTX - GDNN) của địa phương hiện nay là không đáp ứng được. Địa phương đã đưa ra nhiều giải pháp, tuy nhiên vẫn chưa giải quyết"- ông Y Nhuân Byă chia sẻ.
Theo ông Trần Hồng Tiến, Bí thư Huyện ủy Krông Pắk, định hướng phân luồng học sinh là chủ trương đúng đắn. Tuy nhiên, trên thực tế kết quả vẫn chưa được như mong muốn. Vừa qua, huyện Krông Pắk có hơn 300 học sinh thi tuyển, xét tuyển vào lớp 10 không đạt nên phải phân luồng vào các TT GDTX – GDNN, nhiều cháu ở vùng sâu, vùng xa trong khi điều kiện còn khó khăn việc học các trường nghề tại TP Buôn Ma Thuột là điều rất khó. Bên cạnh đó, cần thẳng thắn nhìn nhận là do chất lượng đào tạo nghề chưa thực sự hấp dẫn, chưa đáp ứng được nhu cầu của người học.
"Nếu chất lượng đào tạo nghề thật sự hấp dẫn và sau đào tạo có thể xin việc được thì các cháu cũng sẽ tự chuyển đổi sang học nghề. Chất lượng đào tạo mới là quan trọng nhất. Vì vậy, cần phải có giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo nghề để việc phân luồng đạt hiệu quả"- ông Trần Hồng Tiến nhấn mạnh.
Ông Y Jăn Buôn Krông, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Đắk Lắk cho biết, cử tri, dư luận xã hội phản ánh về chất lượng giáo dục của tỉnh trong các năm qua rất thấp, được thể hiện qua kỳ thi, nhất là kỳ thi vào lớp 10 vừa diễn ra. Qua đó, ông Y Jăn Buôn Krông đề nghị tỉnh Đắk Lắk có biện pháp đổi mới triệt để, nâng cao chất lượng công tác quản lý, dạy và học.
Thay mặt cử tri, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Đắk Lắk nêu ra vấn đề liên quan đến xét tuyển nguyện vọng vào lớp 10. Tuyển sinh lớp 10 của Đắk Lắk có quy định việc những thí sinh thi vào trường chuyên biệt (Trường THPT chuyên Nguyễn Du) được xét nguyện vọng 2 vào các trường thi tuyển khác. Trong khi đó, các trường tổ chức thi tuyển khác (9 trường công lập) chỉ được nộp nguyện vọng 2 về các trường xét tuyển.
"Việc quy định như vậy gây thiệt thòi cho học sinh có nguyện vọng 1 ưu tiên thi vào các trường có điểm số cao, nhưng lại không trúng tuyển, do bị lấy nguồn từ trường chuyên không trúng tuyển chuyển về, dẫn đến dư luận bức xúc về việc xét tuyển. Đề nghị Sở GD&ĐT có văn bản trả lời cho cử tri được biết", ông Y Jăn Buôn Krông nhấn mạnh.
Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Đắk Lắk cũng kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo, xử lý nghiêm tình trạng các nhà trường ở nhiều cấp học trên địa bàn thu sai các khoản đóng góp của phụ huynh vào đầu năm học mà cử tri, nhân dân và báo chí phản ánh trong suốt nhiều năm qua.
"Cần xử lý nghiêm khắc người đứng đầu, hiệu trưởng các trường học để xảy ra vi phạm, nhằm chấm dứt triệt để tình trạng trên, tránh dư luận xấu trong nhân dân", ông Y Jăn Buôn Krông đề nghị.
Đề xuất tổ chức thi tuyển toàn tỉnh để thực hiện tốt hơn công tác tuyển sinh
Ông Đỗ Tường Hiệp, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Đắk Lắk cho biết, tuyển sinh vào lớp 10 là công tác quan trọng của ngành nhằm đáp ứng nhu cầu của học sinh và nâng cao chất lượng giáo dục. Vấn đề quan trọng trong công tác phân luồng sau THCS yêu cầu phải thực hiện như thế nào đó để tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh.
Theo Phó Giám đốc Sở GD&ĐT, có nhiều nguyên dẫn đến những bất cập trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 vừa qua. Cụ thể, do 10 năm chỉ xét tuyển nên học sinh THCS không tham gia bất kỳ kỳ thi nào; có sự chuyển đổi nên kế hoạch tuyển sinh có muộn hơn so với những năm học trước. Mặt khác, vẫn còn có sự chênh lệch giữa vùng trung tâm và vùng xa, bối cảnh đổi mới thực hiện đồng thời cả hai chương trình, các thầy cô giáo tổ chức việc dạy học có nhiều khó khăn.
Ông Hiệp Đỗ Tường thông tin thêm, trong năm học tới, Sở GD&ĐT sẽ tham mưu cho UBND tỉnh phương án tổ chức thi tuyển toàn bộ để thực hiện tốt hơn công tác tuyển sinh. Đồng thời, nâng cao chất lượng giáo dục, mở rộng quy mô các trường nghề, các TT GDNN, mô hình học văn hóa kết hợp với học nghề trong các TT GDTX - GDNN, mở rộng quy mô các trường công lập ở địa phương, tăng cường xã hội hóa.
Bà Huỳnh Thị Chiến Hòa, Chủ tịch HĐND tỉnh Đắk Lắk cho biết, trên cơ sở báo cáo của Sở GD&ĐT sau khi đã thực hiện các giải pháp trước mắt như tăng chỉ tiêu cho các trường thì vẫn còn hơn 900 học sinh phải tìm trường cho các em học. Đây là vấn đề mà cử tri cũng rất quan tâm, đề nghị sở GD&ĐT có báo cáo trong thời gian tới. Bên cạnh đó, những năm học tới số lượng học sinh vào lớp 10 sẽ rất lớn, trong khi cơ sở vật chất chưa đáp ứng còn hạn chế. Trong thời gian tới, tỉnh sẽ đánh giá tổng thể lại chất lượng GD&ĐT và tìm những giải pháp căn cơ để thực hiện tốt hơn, chất lượng hơn công tác giáo dục.
Bà Huỳnh Thị Chiến Hòa, Chủ tịch HĐND tỉnh Đắk Lắk cho biết, tỉnh sẽ đánh giá tổng thể lại chất lượng GD&ĐT và tìm những giải pháp căn cơ để thực hiện tốt hơn, chất lượng hơn công tác giáo dục.
Liên quan đến lĩnh vực giáo dục, ông Nguyễn Đình Trung, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk cho rằng, chất lượng giáo dục trong thời gian qua là chưa cao. Do đó, đề nghị Thường trực HĐND tỉnh phải tổ chức giám sát việc triển khai thực hiện kỳ thi tuyển sinh vào 10 năm học 2024-2025. Cùng với đó, tăng cường giám sát nhiều nội dung quan trọng trên địa bàn.
Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 công lập năm 2024-2025 tại Đắk Lắk có gần 8.000 thí sinh dự thi (trong đó, có 9 trường THPT công lập và 3 trường chuyên biệt) nhưng có gần 2.000 điểm liệt (từ 1 điểm trở xuống). Nhiều trường điểm chuẩn chỉ từ 5-6 điểm nhưng toàn tỉnh vẫn thiếu gần 700 chỉ tiêu vào lớp 10 công lập. Nhiều trường xin giảm điểm liệt về 0 để đủ chỉ tiêu nhưng bị UBND tỉnh bác bỏ.
Việc điểm chuẩn lớp 10 rất thấp khiến dư luận đã đặt ra nhiều câu hỏi về chất lượng giáo dục tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.