La liệt mặt bằng cho thuê ế ẩm trên “đất vàng” sau Tết Nguyên đán 2025

Theo ghi nhận của PV Dân Việt, thời điểm sau Tết Nguyên đán 2025, hàng loạt mặt bằng cho thuê treo biển mời khách xuất hiện trên nhiều tuyến phố lớn như: Bà Triệu, Phố Huế, Tôn Đức Thắng, Xã Đàn, Kim Mã… và khu vực phố cổ Hà Nội. Ảnh: Thái Nguyễn

Nhiều mặt bằng cho thuê lớn bỏ trống trên tại phố Huế - một trong những nơi được xem là "đất vàng" trong việc kinh doanh. Ảnh: Thái Nguyễn

Trên tuyến đường Kim Mã (quận Ba Đình, Hà Nội) hiện có gần 20 cửa hàng đóng cửa, treo biển cho thuê nhà. Ảnh: Thái Nguyễn

Theo các chuyên gia, nhiều cửa hàng trả mặt bằng tại các phố lớn chủ yếu từ các thương hiệu thời trang, bởi mặt hàng này giờ có xu hướng bán online. Ảnh: Thái Nguyễn

Theo khảo sát, giá thuê mặt bằng tại tuyến phố Kim Mã từ đầu năm 2025 khoảng từ 50 - 200 triệu đồng/tháng, tùy diện tích và vị trí. Ảnh: Thái Nguyễn

Phố Bà Triệu là khu vực "đắc địa" thường xuyên được các thương hiệu thời trang, mỹ phẩm,... thuê mặt bằng. Giai đoạn cận Tết Nguyên đán 2025, một số nhà cũng phải trưng biển "cho thuê cửa hàng" sau khi khách cũ trả mặt bằng để tìm vị trí thuê rẻ hơn. Ảnh: Thái Nguyễn

Mặt bằng cho thuê trên phố Bà Triệu với những mặt tiền rộng, nhiều tầng có nơi được rao khoảng 90 triệu đồng/tháng. Mức giá cao là nguyên nhân khiến khách thuê cũ phải trả mặt bằng. Ảnh: Thái Nguyễn

Giá thuê nhà tại phố Xã Đàn (quận Đống Đa, Hà Nội) dao động từ 50 - 150 triệu đồng/tháng, tùy diện tích và vị trí. Phố Xã Đàn với nhiều mặt bằng cho thuê đóng cửa suốt thời gian dài do không tìm được khách thuê. Khu vực này trước đây cứ để trống thời gian ngắn là có khách nhanh tay đặt cọc đến thuê, do khu vực thuận lợi buôn bán nhiều mặt hàng. Ảnh: Thái Nguyễn

Những ngày sau Tết Nguyên đán 2025, dọc những tuyến phố Tôn Đức Thắng (quận Đống Đa, Hà Nội), không khó để bắt gặp những tấm băng rôn, biển hiệu rao cho thuê nhà, cho thuê văn phòng,... Ảnh: Thái Nguyễn

Khu phố Tôn Đức Thắng trước đây rất khó để tìm mặt bằng cho thuê, do vị trí đẹp, đông đúc dân cư và thuận tiện cho việc kinh doanh. Thời gian gần đây, một số người trả cửa hàng tại đây cho biết do chủ nhà "hét giá" thuê tăng từ 10 - 20%. Ảnh: Thái Nguyễn

Theo anh Phạm Đức, môi giới bất động sản Hà Nội, các khách thuê trả lại mặt bằng do giá thuê cao, trong khi kinh doanh ế ẩm, nhu cầu tiêu dùng của người dân giảm. Điều này khiến khách thuê thường phải tìm đến những khu vực xa trung tâm hơn để giảm giá thuê. Ảnh: Thái Nguyễn

Tòa nhà nằm tại ngã ba Điện Biên Phủ - Tôn Thất Thiệp cho thuê cả tầng 1 và 2 với mức giá 240 triệu đồng/tháng. Mức giá này theo môi giới cho biết có thương lượng nhưng vẫn cao hơn so với thực tế hiện nay. Ảnh: Thái Nguyễn

Một số vị trí tại khu vực phố cổ (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) năm trên "đất vàng" và được nhiều nhãn hàng săn đón nên hiếm khi bị bỏ trống trong thời gian dài. Tuy nhiên, giai đoạn sau Tết, tình trạng mặt bằng cho thuê bị bỏ trống ngày một nhiều hơn. Ảnh: Thái Nguyễn

Theo các chuyên gia, tình trạng mặt bằng cho thuê ế ẩm tại nhiều tuyến phố trung tâm ngày càng phổ biến và dự báo sẽ còn khó khăn trong năm 2025. Nguyên nhân là bởi giá thuê vẫn ở mức cao dù nhu cầu không lớn. Theo thống kê, giá thuê bán lẻ tại tầng 1 hoặc mặt phố nhiều tuyến đường quận Hoàn Kiếm trong năm 2024 tăng hơn 20% so với trước dịch Covid-19. Bên cạnh giá thuê cao, sự phát triển của thương mại điện tử cũng tác động lớn tới tình trạng ế mặt bằng cho thuê. Ảnh: Thái Nguyễn
Vui lòng nhập nội dung bình luận.